Giá khỉ sử dụng trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong thời gian sau khi Covid-19 kết thúc và quá trình phát triển thuốc của các hãng dược toàn cầu cũng chậm lại. Tình trạng thiếu khỉ phòng thí nghiệm Mỹ vẫn trầm trọng, phản ánh sự phụ thuộc lớn của Mỹ vào ngành dược Trung Quốc, trong đó có những con khỉ.
Làm giàu rồi lao đao vì khỉ
Khỉ trong phòng thí nghiệm được giới nghiên cứu và các hãng dược gọi là “loài linh trưởng không phải con người (NHP)”. Đây là một chỉ dấu về các loại dược phẩm đang trong danh sách phát triển và được thử nghiệm lâm sàng. Giá khỉ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đạt đỉnh điểm 26.000 USD/con vào năm 2022, tăng từ mức 4.000 USD vào năm 2019. Cuối năm ngoái, giá giảm xuống còn 11.000 USD, theo dữ liệu của ngân hàng UBS.
Tại thị trường Mỹ, giá mỗi con khỉ đuôi dài (long-tailed macaque) vào những năm dịch có lúc lên đến 55.000 – 60.000 USD/ con.
Chen Chen- nhà phân tích chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc của UBS – nói rằng trong hai năm đầu của dịch Covid-19, các nước và các hãng dược phẩm đã tạo nên “sự bùng nổ đầu tư” khi các nhà đầu tư không tiếc tiền cho việc phát triển các ứng viên vaccine và các loại thuộc khác.
Điều này đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với khỉ phòng thí nghiệm, vốn được các cơ quan quản lý khẳng định là nhân tố quan trọng để chứng minh tính an toàn của thuốc trong quá trình nghiên cứu ban đầu bởi loài linh trưởng có sự tương đồng về mặt giải phẫu và hành vi với con người nhiều nhất. Mọi phản đối của các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật bị bỏ ngoài tai.
Bruce Liu, đối tác tại hãng tư vấn Simon-Kucher, nói rằng: “Giá khỉ đã lên xuống thất thường trong vài năm qua, phần lớn phản ánh sự thăng trầm của các hoạt động tiền lâm sàng trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc”.
Các tập đoàn công nghệ sinh học Trung Quốc đã mua lại và xây dựng nhiều trang trại khỉ giữa cơn khủng hoảng y tế toàn cầu. Khi giá khỉ giảm, giá trị tài sản của họ bị bốc hơi đáng kể. Hãng Joinn Laboratories có trụ sở tại Bắc Kinh đã mua lại hai nhà cung cấp động vật thí nghiệm vào năm 2022. Hồi tháng 2, hãng này đã cảnh báo là các hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng theo giá của loài linh trưởng này.
“Tài sản sinh học chính của công ty là những con NHP được sử dụng cho các thử nghiệm tiền lâm sàng. Vì chúng tôi có lượng NHP tồn kho đáng kể, nên biến động giá sẽ gây ra những thay đổi đáng kể đối với giá trị hợp lý của các tài sản sinh học”, Tổng Giám đốc Gao Dapeng của Joinn phát biểu trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm 2023. Joinn cho biết giá trị tài sản linh trưởng của họ đã giảm khoảng 40 triệu USD.
Chi phí thấp để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và ốm yếu tại Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nuôi khỉ thí nghiệm. Nhưng trong hai năm qua, đầu tư đã giảm do nhu cầu về vaccine Covid đã giảm. Một loạt các tập đoàn dược phẩm Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông hoạt động kém đi…
Theo nghiên cứu của UBS, đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh điểm là 31 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 12 tỷ USD trong năm ngoái. Điều này cũng có nghĩa là tình trạng chậm lại trong đầu tư vào mảng phát triển thuốc. Hãng dữ liệu Pharmcube nói rằng đầu tư vào việc khám phá thuốc mới ở Trung Quốc đã giảm 32% vào năm 2023 xuống còn 4,8 tỷ USD.
Liu cho biết các công ty đã mua trang trại khỉ “hiện đang mắc kẹt với hoạt động kinh doanh khỉ, và loài linh trưởng này hiện đang là một gánh nặng hơn là một tài sản nóng”
Joinn và WuXi AppTech — các nhóm nghiên cứu lâm sàng đã mua các cơ sở nhân giống động vật — đã không trả lời yêu cầu bình luận của Financial Times vào tháng 2-2024. Hãng dược Pharmaron đã từ chối trả lời.
Vì sao khỉ Trung Quốc lại quan trọng với ngành dược Mỹ?
Khỉ là một phần không thể tách rời trong quá trình phát triển thuốc mới. Từ lâu, Mỹ đã yêu cầu thử nghiệm an toàn ở động vật trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh. Khỉ dùng để phát triển thuốc phải được nuôi trong các cơ sở chăn nuôi theo điều kiện nghiêm ngặt. Khỉ hoang trong thiên nhiên có thể mang mầm bệnh, không thể sử dụng trong các thử nghiệm tiền lâm sàng.
Người ta ước tính rằng khoảng 70% thuốc sinh học sẽ sử dụng khỉ thử nghiệm trong giai đoạn tiền lâm sàng. Các thí nghiệm về độc chất cần khoảng 40 con khỉ và các thử nghiệm chuyển hóa thuốc cần thêm 20 con nữa. Do đó, một nghiên cứu tiền lâm sàng bình thường về một loại thuốc mới cần ít nhất 60 con khỉ thử nghiệm.
Báo cáo tháng 4-2021 của Hiệp hội phát triển và nhân giống NHP của Trung Quốc nói nước này có hơn 240.000 con khỉ thí nghiệm. Không tính khỉ non, khỉ sinh sản và các loài khỉ khác, chỉ có khoảng 30.000 con đủ điều kiện để đưa vào thử nghiệm thuốc. Con số này chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu của Trung Quốc.
Không chỉ khỉ phòng thí nghiệm, Mỹ còn phụ thuộc lớn lao vào ngành dược phẩm Trung Quốc. Theo số liệu chính thức của phía Mỹ, nước này đã nhập khẩu 6,95 tỷ USD, dược phẩm từ Trung Quốc trong năm 2022, tăng hơn 8 lần so với con số 820 triệu USD của năm 2021. Tình trạng tăng vọt này chủ yếu là do nhu cầu phát triển các loại thuốc hóa trị chống ung thư.
Các nhà khoa học Mỹ đã thúc giục Washington tăng cường đầu tư vào các chương trình nhân giống khi nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến các nghiên cứu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Mỹ đã nhập khẩu 20.270 con khỉ thí nghiệm từ Trung Quốc vào năm 2019 – chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu. Năm 2020, con số đó giảm xuống chỉ còn 3.723. Trung Quốc cho biết hạn chế xuất khẩu là do tình trạng dịch Covid-19 lây lan.
Trung Quốc đã cấm xuất khẩu khỉ thí nghiệm vào năm 2020 do sự lây lan Covid-19. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ và lệnh cấm đã khiến giá khỉ thí nghiệm tăng gấp 3 từ năm 2019 đến năm 2022, theo Evercore ISI.
Từ 2022, Mỹ đã ban hành các biện pháp cấm buôn bán khỉ hoang dã bất hợp pháp từ Campuchia, sau khi Washington tìm cách lấp lỗ trống lớn trên thị trường do lệnh cấm của Trung Quốc để lại.
Washington đã truy tố tám người, bao gồm các quan chức cấp cao của Campuchia, những người có liên quan đến một đường dây buôn lậu. Sau động thái này, các phòng thí nghiệm lớn của Mỹ đã ngừng mua khỉ từ Campuchia, khiến tình trạng khan hiếm khỉ càng nghiêm trọng hơn.
Nguồn: Financial Times, Nikkei Asia, News China
Thái Lan giảm hơn 80% thuế thu nhập cá nhân để thu hút lao động Thái có kỹ năng cao