Cước phí tàu biển đang giảm mạnh khi xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại. Chỉ số cước vận chuyển container xuất khẩu Thượng Hải (SCFI) cho tuyến Bắc Mỹ đã giảm gần 40% so với mức cao nhất vào tháng 7.
Thời gian vận chuyển truyền thống cho mùa bán lẻ Giáng sinh diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9, nhưng các lô hàng đã theo tàu rời cảng từ tháng 4 năm nay. Điều này có nghĩa rằng các lô container sẽ giảm từ tháng 9 đến tháng 11, theo nghiên cứu của Huatai Futures.
Báo cáo thị trường từ hãng giao nhận hàng hóa kỹ thuật số Flexport hôm 9-9 cho thấy lượng hàng hóa tồn kho của Mỹ hiện đang ở mức “ổn định”, sau khi tăng đột biến từ tháng 5 đến tháng 7. Báo cáo cho biết, với việc bổ sung hàng tồn kho phần lớn đã hoàn tất, nhu cầu vận chuyển hàng hóa dự kiến sẽ yếu đi trong những tuần tới. Điều này cũng có nghĩa là tình hình xuất khẩu và nhập khẩu sẽ không có bước tăng trưởng đột biến trong những tháng còn lại của năm.
Từ giữa tháng 7-2024, các đợt tăng giá cước container quốc tế bắt đầu hạ nhiệt. Chỉ số container thế giới của Drewry cho một container 40 feet đạt 5.937 đô la vào ngày 18-7 nhưng đã giảm xuống còn 4.775 đô la vào ngày 5 9, cho thấy mức giảm 8% chỉ trong một tuần.
Dữ liệu từ Thống kê thương mại container của Anh cho thấy các lô hàng từ Đông Á đến châu Âu đã giảm vào tháng 7, giảm từ 1,75 triệu đơn vị tương đương container 20 feet (TEU) trong tháng 6 xuống còn 1,58 triệu TEU.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này đã suy giảm đáng kể trong tháng 7, giảm 2,3% so với tháng trước đó, dù tăng 2,7% trong tháng 8.
Tình trạng suy giảm đã khiến giá cước tàu biển giảm mạnh. Chỉ số SCFI giảm 10,6% đối với tuyến đường châu Âu hôm 9-9 so với tuần trước đó, giảm gần 30% so với mức cao nhất trong tháng 7. Chỉ số tuyến đường Bờ Tây nước Mỹ đã giảm 6,9% trong tuần, giảm 40% so với mức cao nhất trong tháng 7.
Các công ty giao nhận vận tải báo cáo rằng giá cước vận chuyển container trên các tuyến đường đông -tây chính đã giảm gần 1.000 đô la cho mỗi container 40 foot (12 mét) mỗi tuần, vì các hãng tàu cạnh tranh quyết liệt để lấp đầy tàu. Tỷ lệ tải vẫn ở mức cao từ 90%- 95%, nhưng các đơn xuất khẩu thiếu vắng đã buộc các hãng tàu phải giảm giá cước.
Sự biến động trong giá cước vận chuyển có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, bất ổn về thuế quan và việc bổ sung hàng tồn kho ở nước ngoài đã thúc đẩy lượng hàng hóa tăng đột biến từ giữa tháng 4 đến tháng 7, khiến giá cước vận chuyển tăng mạnh.
Tuy nhiên, việc bàn giao tàu mới đang bắt đầu làm giảm bớt những hạn chế về nguồn cung do các tuyến đường vòng qua Biển Đỏ gây ra. Huatai Futures dự đoán rằng các xưởng đóng tàu toàn cầu sẽ bàn giao thêm 200.000 TEU tàu container vào cuối năm, giúp lấp đầy khoảng trống về năng lực.
Ngoài các lực lượng thị trường, tranh chấp lao động đang nổi lên như một tác nhân gây gián đoạn tiềm tàng. Các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế, đại diện cho 45.000 công nhân tại các cảng container ở Mỹ, và nhóm chủ lao động United States Maritime Alliance đã bị đình trệ. Tình trạng này có thể khiến đình công nổ ra khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào ngày 30-9. Một cuộc đình công có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cảng và chậm trễ vận chuyển, làm giảm năng lực vận chuyển trên các tuyến từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo Caixin Global, Digi Times
Ricky Hò / BSA Media
Các hãng hàng không đẩy mạnh khai thác khoang thương gia và hạng nhất