Dệt may – thời trang Việt Nam vướng “ải” mới khi vào Mỹ

Vải nhuộm màu chàm tự nhiên của startup Kilomet109 đang thu hút sự chú ý của các hãng thời trang nước ngoài. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam

Trong số 982 lô hàng may mặc hoặc giày dép bị Hải quan Mỹ tạm giữ và tịch thu theo đạo luật UFLPA , có 534 lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, 370 lô hàng đến từ Việt Nam và 111 lô hàng từ nơi khác. Tính theo giá trị hàng hóa, lô hàng bị tịch thu của Việt Nam có giá trị cao nhất với 20 triệu USD. Lô hàng bị tịch thu lớn nhất của Trung Quốc trị giá 19 triệu USD.

Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) có hiệu lực vào tháng 6-2022. Tại một cuộc hội thảo về dệt may đầu tháng 11 này tại Phnom Penh, theo Nikkei Asia, trong gần 1.000 lô hàng quần áo và giày dép nhập vào Mỹ đã bị Hải quan nước này tạm giữ và tịch thu, tính đến tháng 10 vừa rồi, chỉ chưa đến 300 lô hàng được “thả” và được phép bán trên thị trường Mỹ

Theo hãng nghiên cứu thị trường The Business Research Company có trụ sở tại London, thị trường toàn cầu về thời trang đạo đức đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5% kể từ năm 2017 để đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2022. Trong giai đoạn 2022-2032, con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi lên 16,8 tỷ USD trong báo cáo.

Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất, chiếm 33% tổng thị trường vào năm 2022, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm. Nam Á và Đông Nam Á có tỷ lệ người tiêu dùng trẻ tuổi cao hơn châu Âu và Mỹ. Đây là tệp khách đánh giá cáo những sản phẩm thời trang bền vững, không gây thiệt hại lớn đến môi trường, là sản phẩm của các doanh nghiệp chú trọng đến phúc lợi của nhân viên và cả động vật. Đây là một thách thức lớn với ngành dệt may và cả ngành thời trang đang tượng hình tại Việt Nam bởi dệt may – thời trang đang nhập từ 50-90% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Ricky Hồ / BSA Media