Đi theo những “dấu chân phát thải” để quản lý và định lượng phát thải khí nhà kính

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu và các yêu cầu ngày càng khắt khe từ đối tác quốc tế, việc quản lý và báo cáo phát thải khí nhà kính đã trở thành một nhiệm vụ trọng yếu đối với các doanh nghiệp. Thông qua những nội dung quan trọng như kiểm kê khí nhà kính, phân loại phát thải trực tiếp và gián tiếp, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về nguồn gốc phát thải, từ đó xây dựng chiến lược giảm thiểu tác động môi trường hiệu quả. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là tiêu chí mà nhiều đối tác quốc tế đặt ra, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển bền vững.
Sáng ngày 19-8, tại Văn phòng Hội DN HVNCLC diễn ra khoá học về: “Quản lý định lượng và báo cáo phát thải khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018”, khóa học gồm 2 ngày lý thuyết, thực hành bài tập và một buổi đi tham quan thực tế tại nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa.
Ông Võ Minh Quân – Chuyên viên Dự án HVNCLC – Chuẩn hộp nhập, người trực tiếp chia sẻ tại khóa học cho hay, một trong những nội dung quan trọng trong khóa học này là kiểm kê khí nhà kính theo hoạt động của doanh nghiệp và theo vòng đời sản phẩm. Trong đó, một số nội dung giúp doanh nghiệp tìm ra “dấu chân phát thải” theo dòng đời sản phẩm (từ sản xuất đầu vào đến tay người tiêu dùng)…  Bên cạnh đó, còn giúp doanh nghiệp xác định rõ nguồn phát thải của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phân loại phát thải gián tiếp hay trực tiếp…
Ông Quân phân tích, chẳng hạn việc vận hành tòa nhà của doanh nghiệp, khi đi tìm “dấu chân phát thải” phải biết đâu là nguồn phát thải trực tiếp, gián tiếp như: phát thải từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát bởi doanh nghiệp hay mua…
Bên cạnh các nội dung lý thuyết, các quy định, tiêu chuẩn về khí nhà kính do cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra, học viên lớp học còn thực hành tại chỗ, nói lên quá trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp công đoạn nào gây ra phát thải nhiều nhất, từ đó đưa ra các biện pháp giảm bớt việc phát thải khí nhà kính trong từng công đoạn.
Theo ông Võ Minh Quân, việc hiểu rõ về quy trình sản xuất, vận hành của nhà máy, giúp doanh nghiệp hiểu được nguồn gây ra phát thải khí nhà kính.
“Điều này không chỉ là yêu cầu theo các quy định, mà rất nhiều đối tác hiện nay đang yêu cầu vấn đề này, thì họ mới hợp tác”, ông Quân nói.
Làm thế nào để nhận diện các nguồn phát thải khí nhà kính. Đó là doanh nghiệp cần phải liệt kê danh sách các hoạt động tại cơ sở, từ đó đánh dấu các hoạt động mà ở đó có phát sinh khí nhà kính trực tiếp… Cùng với đó, phải xác định được các hoạt động liên quan đến phát thải gián tiếp: do tiêu thụ năng lượng mua ngoài như điện, hơi, nhiệt…
Một số cột mốc và cam kết Quốc gia về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Sau những phần thực hành, một số doanh nghiệp thừa nhận rằng, trong quá trình sản xuất sản phẩm của mình, họ hoàn toàn có thể tiết giảm được việc phát thải khí nhà kính, nếu hoàn thiện hơn quy trình, hay đầu tư những thiết bị, công nghệ mới, phù hợp hơn.
Khóa học cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ sâu về Tiêu chuẩn14064-1 (2018). Trong đó, nhấn mạnh đến việc hệ số phát thải khí nhà kính; nóng lên toàn cầu; phạm vi và các thuật ngữ trong tiêu chuẩn này.
Mục tiêu khóa học:
  • Khóa học nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh và đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
  • Cung cấp kiến thức cần thiết cho doanh nghiệp về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính; Nắm vững các yêu cầu pháp luật và tiêu chuẩn liên quan đến kiểm kê khí nhà kính.
  • Khóa học cũng thông tin về nội dung trong việc xác định phạm vi và các nguồn phát thải, và đưa ra các phương pháp định lượng và báo cáo phát thải khí nhà kính.
Dưới đây là một số hình ảnh tại khóa học về khí nhà kính:

Bài, ảnh: Trần Quỳnh