Ngày 18/22025, tại Vinpearl Autograph Landmark 81, TPHCM, Nikkei Business Publishing (Nhật Bản) phối hợp cùng Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (IMT) và Hiệp hội Hợp tác Kỹ thuật hải ngoại và Đối tác bền vững (AOTS) tổ chức Diễn đàn kỹ thuật số Châu Á 2025. Diễn đàn tập trung vào 03 nội dung chính: Xã hội – kinh tế và nhân lực số; Đổi mới sản xuất và dịch vụ; Cộng hưởng giữa công nghệ số và trải nghiệm khách hàng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tháng 3-2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản – Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, trong đó nhấn mạnh các hợp tác về đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới chuỗi cung ứng”, và “Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng đạt tăng trưởng bình quân từ 8 đến 8.5%/năm trong những năm tới. Năm 2025 kỳ vọng đạt tăng trưởng đến mức 2 con số. Tỷ trọng kinh tế số đóng góp cho thành phố kỳ vọng đạt mức 40%.
Đây là các mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo vượt bậc trong các yếu tố và phương thức sản xuất mới. Vì vậy, các Diễn đàn quốc tế như Diễn đàn kỹ thuật số châu Á – Nikkei để các bên gặp gỡ, tìm hiểu các giải pháp cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực, các bức tranh về định hướng phát triển tương lai là điều hết sức cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn về những sáng tạo công nghệ mang tính nhân văn. Đổi mới sáng tạo số không chỉ áp dụng cho việc phát triển kinh tế nói chung, mà còn là cách để phát triển xã hội một cách bền vững, gìn giữ môi trường và để không ai bị bỏ lại phía sau.”


Trong lễ khai mạc, ông Naoki Ito – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho hay: quan hệ Nhật Bản và Việt Nam đã được nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện. Từ đó, đã có nhiều hợp tác càng lúc càng cụ thể sâu rộng. Tuyến đường sắt đô thị số 1 tại TP.HCM là một ví dụ. Tuyến đường sắt này đã dần thay đổi cách đi lại cũng như phong cách sống của người dân thành phố. Không chỉ là đường sắt, đây còn là một ví dụ về hợp tác và chuyển đổi số. Các nhà thầu Nhật Bản thực hiện tuyến đường sắt, trong khi FPT triển khai hệ thống mua vé. Người dân có thể mua vé bằng QR code, không cần dùng tiền mặt. Thông qua việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, chúng ta có thể làm ra những sản phẩm để cùng nhau xâm nhập thị trường toàn cầu.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết: “Tỷ trọng đóng góp kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số hàng năm đến 20%. Việt Nam cũng ở nhóm đầu thế giới về sự cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), là quốc gia có 14 năm liên tiếp có sự nâng hạng về chỉ số này. Giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội để hợp tác, đặc biệt về nhân lực số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, nhà máy thông minh. Phía Việt Nam sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Nhật đăng ký, hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực này.”
Trong khi đó, các diễn giả như giáo sư Akie Iriyama từ Đại học Waseda, đại diện các công ty như Sojitz, NTT Data, FourDigit, Grab, Aeon, Saigon Coop, Finviet… Trong phiên thảo luận về Sứ mệnh của doanh nghiệp trong việc tạo ra một tương lai bền vững, các diễn giả khuyến nghị rằng đứng trước sự hấp dẫn về hiệu quả từ các giải pháp số, các doanh nghiệp cần quay về điểm cơ bản là lý do tồn tại của doanh nghiệp.
Đại diện Sojitz Vietnam – ông Kozo Mizushima, Tổng Giám đốc cho hay, Nhật Bản tự hào có công ty lâu đời nhất thế giới là Kongō Gumi, với hơn 1400 năm lịch sử, và có đến 37.085 doanh nghiệp có tuổi đời hơn 100 năm. Để tồn tại dài lâu như vậy, cần phải có một nền tảng triết lý liên quan đến đạo đức vững chắc, và khả năng thích ứng linh hoạt. Dĩ bất biến ứng vạn biến.
Giáo sư Akie Ariyama từ đại học Waseda cho rằng doanh nghiệp Nhật có thể học được rất nhiều từ các nước phát triển sau. Chính sự “không có sẵn” về điều kiện sẽ tạo ra các thay đổi nhảy vọt. Người Nhật cần phải giữ được sự khiêm tốn để học hỏi.
Trong thời buổi AI, đây lại chính là thời kỳ của tư tưởng, triết lý, niềm tin và giá trị đạo đức làm bánh lái cho các hành động, trong khi doanh nghiệp càng lúc phải càng đưa ra nhiều quyết định khó biết đúng sai.
Trách nhiệm của doanh nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, bao gồm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng một xã hội an toàn và thuận tiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo việc làm, kích thích nền kinh tế địa phương và hỗ trợ sự phát triển của nhân viên.
Trong phiên làm việc về đổi mới dịch vụ, bà Nguyễn Thanh Anh – đại diện Grab – cũng chia sẻ bài học sự đồng cảm và cung cấp dịch vụ có tính siêu cá nhân hóa đến đặc điểm từng người dùng, tái thiết kế dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu khác biệt. Ví dụ như giúp đỡ người đi du lịch từ ngay giai đoạn mơ ước về chuyến đi, hay dịch vụ thiết kế riêng cho “mẹ bầu”, vì Việt Nam có đến 1.5 triệu phụ nữ đang trong thai kỳ tại mọi thời điểm, cần có sự chăm sóc rất riêng.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam thuộc top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Hiện nay tại Việt Nam vẫn có khoảng 70% thị trường bán lẻ thuộc về các kênh truyền thống, để chuyển đổi số cho kênh truyền thống không dễ thành công. Saigon Co.op sẽ tận dụng thế mạnh hiểu biết từ thị trường truyền thống để tránh rượt đuổi về công nghệ, và đưa công nghệ tiếp cận đến kể cả những điểm bán vùng sâu vùng xa.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh