Định vị của Việt Nam trên tương quan công nghệ chip ASEAN

Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, thứ hai bên phải, giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội hôm 23/12. Ảnh: VGP

Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu là sự thay đổi và chuyển giao không ngừng. Sự chuyển giao công nghệ ban đầu từ phương Tây sang phương Đông, tức từ châu Âu và Mỹ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và rồi đến Trung Quốc và sắp đến là Đông Nam Á. Sự trỗi lên của ngành công nghiệp chip Đài Loan và Hàn Quốc là kết quả của sự đầu tư đúng đắn trong khi các cường quốc công nghiệp phương Tây bỏ bê ngành chip.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của ngành chip toàn cầu, một số nước Đông Nam Á sẽ phải mất nhiều thời gian để chuyển đổi từ một quốc gia công OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc theo đơn đặt hàng) để thành trung tâm R&D về công nghệ.

Đông Nam Á hưởng lợi từ đối đầu Mỹ – Trung

Từ các kế hoạch và chiến lược của các nước Đông Nam Á, không khó có thể nhận thấy rằng tất cả các nước Đông Nam Á đều mong muốn phát triển hệ sinh thái bán dẫn của riêng mình và tiến gần hơn đến các liên kết chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Từ góc độ toàn cầu, Đông Nam Á rất hấp dẫn đối với một đợt chuyển giao chuỗi sản xuất, chuỗi chế tạo quy mô lớn mới.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng chiếm một vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu. Ước tính quy mô thị trường chip của các nước Đông Nam Á đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2020 và đạt khoảng 41,1 tỷ USD vào năm 2028.

Ngoài các yếu tố như sự bùng phát của dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước Đông Nam Á đang phát huy vai trò ngày càng lớn hơn trong dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Cơ sở sản xuất của các công ty bán dẫn đã được chuyển từ Trung Quốc đại lục sang Đông Nam Á. Ngoài các yếu tố chính trị, lý do chính là để tránh rủi ro từ phía sản xuất.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong năm năm qua, nhu cầu về chuỗi cung ứng đa dạng và tăng cường tính linh hoạt có thể mang lại lợi ích cho Đông Nam Á. Đạo luật chip và khoa học của Mỹ đã tạo ra một làn sóng cạnh tranh trong việc phát triển ngành công nghiệp chip toàn cầu. Xét cho cùng, đối với nhiều công ty không phải của Mỹ, chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ là rất lớn, và các nhà máy bán dẫn chỉ có thể đẩy nhanh quá trình thay thế Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Sự biến động mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp lâu đời và mới nổi ở Đông Nam Á, để lấp đầy khoảng trống nguồn cung do những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc khỏi thị trường chip. Đông Nam Á đang trở thành mảnh đất vàng để các đại gia ngành chip đặt cược.

Chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp chip Đông Nam Á phát triển khi các hãng chip toàn cầu dời sản xuất sang ASEAN, cùng lúc đầu tư mới ở khu vực để giảm rủi ro chuỗi cung ứng.

Việt Nam – lợi thế chi phí và FTA sẽ tạo sức bật?

Được xem là nền kinh tế mở nhất thế giới với 15 hiệp định thương mại đã ký, Việt Nam có cơ sở để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng chip công nghệ cao. Theo hiệp định thương mại tự do Việt – Hàn (VKFTA), Việt Nam bỏ 31 dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm và linh kiện điện tử của Hàn Quốc. Đây là yếu tố hấp dẫn Samsung và các nhà thầu phụ của họ mở nhà xưởng tại Việt Nam.

Ước tính Samsung đã đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2022 để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh. Tập đoàn Hàn Quốc sẽ sản xuất và đóng gói thử nghiệm chip hiệu suất cao FC-BGA tại nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên, và có kế hoạch sẽ sản xuất hàng loạt từ tháng 7/2023. Trung tâm R&D của Samsung mới khai trương tại Hà Nội được đầu tư 220 triệu USD, là cơ sở R&D lớn nhất của tập đoàn ở ASEAN.

Trong khi đó, Intel đã đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (HTSP). Nhà máy của Intel tại đây chiếm tới 60-70% kim ngạch xuất khẩu của HTSP. Trong năm 2022, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD để nâng cao năng lực nhà máy

Trước đó, tháng 11.2021, Amkor Technology có trụ sở tại Arizona thông báo sẽ đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip thông minh tại Bắc Ninh.

Tháng 10.2022, hãng điện tử Kyocera của Nhật Bản thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy mới về đóng gói chất bán dẫn tại Việt Nam, với vốn đầu tư ước tính khoảng 10 tỷ yen. Trước đó, từ năm 2014 Kyocera vận hành hai nhà máy về linh kiện bề mặt và đầu nối điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 thuộc tỉnh Hưng Yên, với vốn đăng ký lần lượt là 76 triệu USD và 12 triệu USD.

Ngoài việc lắp ráp iPad và Macbook, các nhà thầu của Apple như Foxconn của Đài Loan hay Luxshare và GoerTek của Trung Quốc cũng đang góp phần hình thành chuỗi cung ứng công nghệ chip tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Tuy vậy, phần lớn là các con chip ở phân khúc giá trị thấp và chưa phải tiên tiến nhất.

Cuối tháng 12-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chip, trình Chính phủ trong quý 1-2023. Các yêu cầu gồm: xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chip, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, đặc biệt là nhanh chóng xây dựng chính sách thu thuế tối thiểu toàn cầu, minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, hệ thống logistics hiện đại, có năng lực vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống hấp dẫn, tạo thuận lợi về chỗ ở cho nhà đầu tư.


ASEAN là câu trả lời mới cho tương lai ngành chip toàn cầu. Tuy vậy, Singapore là nước duy nhất có chuỗi sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vi mạch. Ảnh: Getty Images

Singapore – chuỗi sản xuất hoàn chỉnh nhất ASEAN

Singapore là một trung tâm sản xuất quan trọng với chuỗi sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vi mạch. Các hãng chip toàn cầu đã chọn đặt nhà máy tại Singapore, chẳng hạn như ST, Infineon, MediaTek, Micron và các công ty OSAT lớn bao gồm ASE và JCET cũng có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm tại Singapore.

Singapore là trụ sở hoạt động toàn cầu của Micron Technology, ba nhà máy sản xuất bán dẫn (FAB) và một cơ sở lắp ráp thử nghiệm. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Infineon tại châu Á –T hái Bình Dương, nơi quản lý các chức năng chính bao gồm R&D, chuỗi cung ứng, bán hàng và tiếp thị. Đồng thời, cả Global Foundries và UMC cũng đều có nhà máy ở Singapore để sản xuất chip với quy trình 40nm cao nhất. Các công ty OSAT lớn bao gồm ASE và JCET cũng có nhà máy lắp ráp thử nghiệm tại Singapore.

Malaysia – nơi đóng gói và thử nghiệm chip quan trọng

Do có vị trí quan trọng trong việc đóng gói thử nghiệm và các linh kiện điện tử thụ động, Malaysia đã âm thầm phát huy vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh chip toàn cầu này. Theo thống kê của Statista, Đông Nam Á chiếm 27% thị trường thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn toàn cầu, riêng Malaysia chiếm khoảng một nửa. Hiện có hơn 50 công ty bán dẫn ở Malaysia, hầu hết là các tập đoàn đa quốc gia như AMD, Infineon, STMicroelectronics, Intel, Renesas và Texas Instruments.

Dữ liệu của SEMI cho thấy, tiểu bang Penang chiếm khoảng 8% sản lượng phụ trợ của ngành bán dẫn toàn cầu, trở thành khu vực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip hàng đầu thế giới. Cuối tháng 9.2022, hãng Taiyo Yuden của Nhật Bản thông báo rằng sẽ đầu tư khoảng 18 tỷ yen (130 triệu USD) để xây dựng một nhà máy mới sản xuất tụ gốm đa lớp MLCC tại Penang, bên cạnh công ty con tại bang Serawak. Hãng chip Nhật Bản nói họ “lạc quan về nhu cầu tụ gốm đa lớp”.

Tập đoàn Bosch của Đức cũng có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu euro (420 triệu USD) để xây dựng trung tâm thử nghiệm mới ở Penang, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2023. Một tập đoàn khác của Đức là Infineon cũng đặt nền móng cho nhà máy hiện đại mới ở Kulim, tiểu bang Kedah và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3.2024.

Tháng 12.2022, nhà máy phụ trợ Seremban của Nexperia Semiconductor Malaysia đã tổ chức lễ khởi công mở rộng, bổ sung công suất 25 tỷ sản phẩm, tăng 85%. Rohm Semiconductor của Nhật Bản đã quyết định xây dựng một nhà máy mới tại công ty con RWEM ở Malaysia để nâng cao năng lực sản xuất LSI tương tự và bóng bán dẫn, những thứ đang ngày càng được thị trường yêu cầu.

Trong khi đó, Intel của Mỹ đang tăng tốc mở rộng và có kế hoạch đầu tư 30 tỷ ringgit (khoảng 7,1 tỷ USD) vào Malaysia, dự kiến xây dựng dây chuyền sản xuất đóng gói và thử nghiệm tại Malaysia trong 10 năm tới.

Thái Lan – “sân sau” của các hãng Nhật Bản

Thái Lan là cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử và linh kiện thứ 13 trên thế giới, đồng thời cũng là nơi tập trung đầu tư lâu dài của các công ty Nhật Bản như Sony, Rohm, Murata, Toshiba và Kyocera đều đã thành lập FAB tại Thái Lan.

Tập đoàn Sony sẽ đầu tư khoảng 70,7 triệu USD để thành lập nhà máy bán dẫn tại cơ sở sản xuất ở miền trung Thái Lan. Nhà máy này sẽ hoạt động vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, chủ yếu để sản xuất cảm biến hình ảnh. Murata đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất tụ điện tại Thái Lan với vốn đầu tư 12 tỷ yen và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, tập đoàn Samsung có sáu nhà máy ở Thái Lan.

Mạnh Cường – Hoàng Mai / Bản tin LBC