Doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc đầu tiên tham gia chiến dịch “Mua hàng Mỹ”

Binh lính Mỹ đang tìm hiểu các loại thực phẩm Hàn Quốc kho quân nhu thuộc căn cứ quân sự ở đảo Guam thuộc Mỹ. Hàn Quốc đang tìm cách nhập thêm nông sản và thực phẩm từ Mỹ, nhằm giảm bớt thâm thủng thương mại với Mỹ. Ảnh: CJ Cheljedang

Homeplus – hãng phân phối và điều hành chuỗi bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc – đã ký thỏa thuận với chi nhánh AmCham tại nước này nhằm đưa nhiều hơn các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Mỹ đến tay người tiêu dùng Hàn. Đây là doanh nghiệp bán lẻ đầu tiên của Hàn Quốc tham gia chiến dịch “Buy America” của chính phủ Mỹ.  

Chủ tịch kiêm CEO của Homeplus Joh Joo-yun và Chủ tịch kiêm CEO AmCham James Kim ký bản ghi nhớ (MOU) hôm 13-3 tại Seoul. Các quan chức từ Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cũng tham dự. Theo MOU, Homeplus sẽ mở rộng các kênh cung ứng hàng hóa Hàn Quốc cho thị trường Mỹ và nhập khẩu nhiều loại thực phẩm hơn cho người tiêu dùng Hàn Quốc.

Homeplus là nhà phân phối và điều hành chuỗi bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, với 135 siêu thị và hơn 330 cửa hàng chuyên giao hàng trên toàn quốc. Đây là công ty bán lẻ Hàn Quốc đầu tiên tham gia chiến dịch “Buy America” (Mua hàng Mỹ).

Homeplus sẽ bắt đầu bán hàng hóa nước ngoài theo chủ đề từng quốc gia, cung cấp các sản phẩm thực phẩm nước ngoài với mức giá hợp lý. Từ tháng 4-2025, Homeplus sẽ bắt đầu bán các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm thịt, trái cây, thực phẩm bổ sung sức khỏe, rượu vang và rượu whisky. Đây cũng là triển lãm nông sản, thực phẩm đầu tiên mà Homeplus dành cho các mặt hàng nước ngoài.

Các cuộc thảo luận giữa Homeplus và AmCham bắt đầu vào năm ngoái. CEO Joh nhấn mạnh rằng Homeplus là công ty đầu tiên trong ngành phân phối bán lẻ của Hàn Quốc tham gia chiến dịch “Mua hàng Mỹ” với AmCham.

Hàng năm, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 50 tỉ đô la các loại nông sản và thực phẩm, trong đó hàng Mỹ chiếm khoảng 20%. Dù MOU mua hàng Mỹ của Homeplus hen nhúm từ các thảo luận trong năm 2024, nhưng quyết định đẩy mạnh “Buy America” là một tín hiệu báo trước cách mà Hàn Quốc sẽ thực hiện để hạ nhiệt các đòn trừng phạt thương mại mà Washington có thể áp đặt với Hàn Quốc.

Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Mỹ – Hàn Quốc đạt 197,1 tỉ đô la trong năm 2024, với Mỹ nhập siêu hơn 66 tỉ đô la, tăng 29,2%. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), xuất khẩu từ Mỹ sang Hàn Quốc trong năm 2024 là 65,5 tỉ đô la, tăng 0,7% so với năm 2023, với năng lượng, thiết bị máy móc và nông sản chiếm tỷ lệ lớn. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhập 131,5 tỉ đô hàng hóa từ Hàn Quốc trong năm qua, tăng 13,3%, với xe hơi, chip và các thiết bị công nghệ là các mặt hàng chủ lực.

Ngành công nghiệp Hàn Quốc đang xáo động do Tổng thống Donald Trump dọa đánh thuế mạnh vào xe hơi Hàn Quốc, và hủy bỏ hàng tỉ đô la trợ cấp cho các hãng chíp Hàn Quốc đầu tư vào Mỹ.

Trong một diễn đàn ở Seoul tuần trước, giám đốc điều hành hiệp hội bán dẫn cho biết “không hợp lý” khi Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ Đạo luật CHIPS. Bởi Samsung Electronics đã ký thỏa thuận với chính quyền của ông Joe Biden về khoản trợ cấp 4,75 tỉ đô la cho khoản đầu tư hơn 37 tỉ đô la vào các cơ sở sản xuất bán dẫn của mình tại Texas.

Mỹ bắt đầu áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ từ bất cứ quốc gia nào hôm 12-3, và hủy bỏ luôn hạn ngạch miễn thuế tới 2,63 triệu tấn hàng năm mà Mỹ đã thỏa thuận với Hàn Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2018.

Tại Seoul, hôm 13-3 quyền Tổng thống Choi Sang-mok đã ra lệnh cho các bộ liên quan ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào có thể xảy ra trên thị trường trong nước sau tình trạng cung vượt cầu các sản phẩm thép ban đầu được cho là sẽ được vận chuyển đến Mỹ.

Tuy nhiên, trả lời Wall Street Journal, ông Choi đã phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào về việc áp dụng thuế trả đũa đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Korea Times nhận định “đây là sự tương phản hoàn toàn so với lập trường của Canada và EU khi cả hai đều quyết định trả đũa ngay lập tức đối với thuế kim loại của Mỹ”.

Theo Korea Times, Wall Street Journal, USTR