Doanh nghiệp Việt học hỏi mô hình nông nghiệp bền vững và chế biến sâu tại Thái Lan

Trong khuôn khổ Thaifex 2025, không chỉ là cơ hội quảng bá sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt đã có dịp học tập thực tế tại Thái Lan, khám phá mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, kinh tế tuần hoàn và xây dựng thương hiệu địa phương bền vững.
Bên cạnh 13 doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia triển lãm và giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thaifex 2025, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Trung tâm BSA đã tổ chức chương trình: “Field Trip – Học tập thực tế và kết nối kinh doanh”, dành cho 14 doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyến đi mang tính trải nghiệm chuyên sâu, đưa đoàn đến nhiều địa phương tại miền Đông Thái Lan như Rayong, Chanthaburi và Chonburi, nơi đang phát triển mạnh mẽ mô hình nông nghiệp bền vững, du lịch nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Trường Đại học Siam – một trong những đại học tư thục hàng đầu tại Thái Lan. Trường nổi tiếng với các ngành đào tạo kỹ thuật, quản trị kinh doanh và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ chế biến sâu. Đây là nơi đoàn được tiếp cận các nghiên cứu, mô hình thực hành và giải pháp công nghệ đang được triển khai trong ngành nông nghiệp Thái Lan.

Học tập mô hình du lịch nông nghiệp xanh tại Suphattra Land
Tại Suphattra Land, đoàn được giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn xanh. Không chỉ là khu du lịch, nơi đây còn là trung tâm sản xuất trái cây và hoa ôn đới, kết hợp với dịch vụ trải nghiệm cho khách tham quan. Đoàn cũng có dịp đến thăm chợ nổi Ko Kloi – một địa điểm từng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, để tìm hiểu thêm về cách Thái Lan tái cấu trúc các sản phẩm du lịch hậu Covid.
Trong hành trình, đoàn tham quan các nhà máy chế biến sản phẩm OTOP – chương trình quốc gia nổi tiếng của Thái Lan nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, với tiêu chuẩn chất lượng cao. Đặc biệt, tại khu chế biến trái cây Ban Nong Lalok, đoàn tận mắt chứng kiến mô hình sản xuất sầu riêng, chợ trái cây, nuôi ong và phát triển các sản phẩm trải nghiệm nông nghiệp tích hợp du lịch.
Chị Phạm Thị Thu Hằng, nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang, chia sẻ: “Nông nghiệp Thái Lan rất mạnh về chế biến sâu. Họ có sản phẩm tương đồng với Việt Nam, thậm chí bao bì không đẹp bằng, nhưng lại làm rất tốt khâu marketing và bán hàng. Điều tôi học được là chúng ta cần tập trung mạnh hơn vào thương mại, xây dựng hệ thống phân phối và sau đó đầu tư công nghệ”.
Chị Hằng cũng ấn tượng với mô hình Suphattra Land, và cho rằng, “Không quá khó để triển khai mô hình tương tự ở Việt Nam. Chúng ta cần kết hợp nông nghiệp, sản xuất và du lịch để tạo nhiều nguồn thu. Covid là bài học rõ ràng – nếu chỉ sống nhờ du lịch, khi ngành này ngưng trệ, mọi hoạt động khác cũng bị kéo theo”.
Trong khi đó, ông Lê Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dalanka Forest Farm, chuyên sản xuất cà phê, cho hay, tôi đang theo đuổi mô hình nông nghiệp bền vững – không hóa chất, đa dạng cây trồng. Điều tôi học được là người nông dân Thái Lan đã làm du lịch ngay trên vườn, ruộng của họ, tạo thêm giá trị mà không cần đầu tư quá lớn.
Một điểm nhấn trong chuyến đi là buổi gặp gỡ với bà Khun Lao, người sáng lập thương hiệu Khun La tại tỉnh Rayong. Bà Khun Lao kể, “tất cả nguyên liệu chúng tôi dùng đều đến từ cộng đồng. Từ Bộ Ngoại thương đến ngành nông nghiệp đều hỗ trợ rất nhiều – từ máy móc, công nghệ đóng gói đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là nền tảng giúp doanh nghiệp cộng đồng phát triển bền vững”.
Có thể nói, việc học hỏi mô hình phát triển của Thái Lan, từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh và du lịch nông nghiệp, hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp, HTX, đơn vị đang khởi nghiệp trong đoàn Việt Nam, để có thêm những sáng kiến đổi mô hình của mình trong tương lai.
Những hình ảnh của đoàn tham quan các điểm tại Thái Lan:

Trần Quỳnh, Ảnh: Quốc Bảo