Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Doanh nông trẻ cần liên kết trong toàn bộ chuỗi

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm BSA tổ chức Tọa đàm – Họp mặt với chủ đề “Khởi nghiệp xanh – Hành trình 10 năm kiến tạo thế hệ doanh nông trẻ”.
Nói chuyện với cộng đồng doanh nông trẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thế hệ doanh nông mới cần sự sáng tạo, chuyển đổi sang tư duy phi tuyến tính để tạo ra sản phẩm không chỉ có giá trị tích hợp từ công nghệ, từ vốn đầu tư. Bộ trưởng cho rằng trước khi đưa ra sản phẩm khởi nghiệp, các doanh nông trẻ cần coi khởi nghiệp là sứ mạng, trong đó quan trọng là ý chí, nghị lực, sự dấn thân, sẵn sàng thất bạt, sự kết nối, hợp tác.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về mô hình kinh tế xanh lam, mô hình thân thiện nhất với thiên nhiên, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của thế giới trong tương lai, đây có thể hướng đi mới cho các doanh nghiệp non trẻ.
Theo Bộ trưởng, đạo đức cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp ngoài chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng. Theo đó, đi theo hành trình khởi nghiệp nên là hành trình học tập đạo đức để định hướng đến một doanh nghiệp tử tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại sự kiện tổ chức tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chia sẻ tại chương trình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, theo dõi những thông tin tại hội nghị chống biến đổi khí hậu thế giới, các chuyên gia khẳng định, nông nghiệp đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Thế giới đang lo lắng đến năm 2050 nguy cơ thiếu lương thực sẽ xảy ra, số người đói nghèo sẽ tăng lên, do đó cần chuyển đổi, hành động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực tế, những năm qua, Việt Nam đang cố gắng chuyển mình trong lĩnh vực nông nghiệp, đã bàn đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lương thực cho con người…
Một điều đáng lo ngại theo chuyên gia Phạm Chi Lan, là những người làm nông nghiệp không đủ khả năng đầu tư trong lĩnh vực của mình, liệu họ có bị loại ra khỏi cuộc thay đổi về nông nghiệp không?. Trong khi những người nông dân chiếm 32% làm nông nghiệp thế giới, làm sao họ tiếp tục làm nông nghiệp được mà không phải chuyển qua những ngành khác. Nếu họ mất công việc của mình thì họ sẽ đi đâu, về đâu… hàng loạt những câu hỏi được bà Lan chia sẻ với các doanh nghiệp trẻ tại sự kiện.
Du các chuyên gia và nhiều tổ chức khẳng định, chuyển đổi nông nghiệp là xây dựng tương lai bền vững cho cả thế giới, nhưng ngành này chiếm 70% lượng nước, trong khi thiếu nước đang ngày một thiếu trầm trọng.
Mặt khác, cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tại hội nghị chống biến đổi khí hậu thế giới, các quốc gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần hành động, liên kết trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ dịch vụ, kỹ thuật, công nghiệp, giao thông, giáo dục…
“Các ngành khác, lĩnh vực khác cần có sự hỗ trợ, thay đổi hành động để tham gia trong chuỗi nông nghiệp, đừng để nông nghiệp phải “cô độc”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói tại chương trình về thay đổi của nông nghiệp thế giới
Chương trình Khởi nghiệp xanh được khởi động từ 2013, đến nay tròn 10 năm với sự đồng hành của tổ chức, các doanh nghiệp “hàng Việt Nam chất lượng cao”, hoạt động với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp. 10 năm qua, chương trình Khởi nghiệp xanh đã từng bước xây dựng nên một mạng lưới để các doanh nghiệp trẻ, lập nghiệp, kết nối với nhau xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh. Khởi nghiệp xanh tập trung vào các nội dung chính như: huấn luyện – đào tạo, hội thảo – diễn đàn – toạ đàm, xúc tiến thị trường, truyền thông và tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo –  Khởi nghiệp xanh.
Nói về điều này, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, những doanh nông trẻ hình thành nên từ chương trình Khởi nghiệp xanh đã và đang tạo ra một thế hệ những người làm ăn kiểu mới. Những người này gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền, rồi nghiên cứu, sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường.
“Đây là đội ngũ có tinh thần kết nối cao, có nhu cầu chia sẻ, dẫn dắt nhau phát triển rất lớn. Những phẩm chất tốt đẹp của các doanh nông xanh là luôn kiên định theo đổi mục tiêu của bản thân và tổ chức, ham học hỏi, sáng tạo và không sợ thất bại”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thu, Công ty Mevi, Trưởng làng Nông nghiệp Techfest – sáng lập hệ sinh thái Mevi bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT có thể hỗ trợ xây dựng bộ công cụ đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhận diện khó khăn trong quá trình sản xuất từ đó tìm kiếm sự hỗ trợ của sở, ban, ngành địa phương, hệ sinh thái bên ngoài và lực lượng khuyến nông cấp địa phương.
Bên cạnh đó, bà Thu cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp bị rơi vào trạng thái đầu tư máy móc sản xuất ra sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường cần. Như vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần cơ chế hỗ trợ để tiếp cận các gói nghiên cứu, thử nghiệm tại các viện nghiên cứu cũng như tham gia các buổi trình diễn sâu về công nghệ.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Trần Quỳnh