(Vietnamtimes) – Tôi một mình đến Chitwan, khu rừng nguyên sinh quý giá xứ Nepal nằm dưới chân Himalaya với đa dạng động thực vật quý hiếm, được UNESCO vinh danh di sản thế giới.
Chiều, tha thẩn ngắm hoàng hôn đổ xuống cánh rừng bên kia bờ Rapti, giật mình thấy cá sấu. Hỏi mới biết chiều tối là chúng ra sông canh thú rừng đi uống nước, thi thoảng nổi hứng bơi sang bên này.
Rồi hóng hớt chuyện mấy con cọp Chitwan chuyên ăn thịt người. Bị mất mẹ từ nhỏ, chúng tìm bắt loài sinh vật yếu đuối chậm chạp nhất. Riết quen mùi, chúng rình người.
Tôi bỗng nổi da gà khi nghĩ tới cọp, cá sấu và căn phòng vắng vẻ nơi cô quạnh. Nên hoàng hôn rực rỡ đẹp lạ Chitwan vẫn đó mà mất tiêu hết lãng mạn, tóc gáy cứ dựng ngược.
Một đêm chập chờn với tiếng chim kêu vượn hú rất gần, co ro trong căn phòng tranh tre về đêm lạnh ngắt không điện đóm tối thui, tôi mừng húm khi thấy bầu trời ngả sáng.
Buổi vô rừng mục sở thị chú cọp ăn thịt người đã bị bắt nhốt, với “chiến tích” ghi rõ bao nhiêu người toi mạng – mà thực ra cũng chẳng biết có phải của riêng mỗi chú cọp này hay không, mới thở phào.
Chiều nhất định ra bến sông tự mình mừng cho mình bằng những chai Everest mát lạnh nồng nàn lừng danh xứ này!
Đi một mình lại gặp khó khăn khác trong chuyện đi lại thăm thú. Tôi không thích cưỡi voi nên chưa từng thử tại quê nhà, nhưng ở Chitwan chỉ có hai phương tiện phổ biến cho khách là voi và jeep. Một mình tôi thì không thể cưỡi nguyên con voi hay chơi trọn chiếc jeep, đành lưu số điện thoại ở điểm bán tour, để có gì họ hú.
May sao, có tour voi buổi sáng, rồi jeep buổi chiều đều cho đi ké, với cùng mục đích thăm rừng và tìm ngó tê giác. Chỉ có mỗi loài chậm chạp này mới không bỏ chạy thôi chứ cọp báo hươu nai… nghe động cơ xe, tiếng voi đạp là vọt mất, còn đâu mà coi nữa.
Sau chuyến cưỡi voi, tôi lại càng thất vọng. Chưa nói đến chuyện thương cảm loài vật hiền lành bị khai thác quá mức như ở Việt Nam, việc cưỡi voi cũng chẳng có gì thích thú. Nhìn thì hay ho chứ khi voi đi, sẽ giật xóc rất khó chịu, mà đường rừng chứ có phải đường nhựa hay trảng cỏ đâu mà êm ái.
Thêm nữa là voi cứ băng băng trong rừng rậm rịt bao nhiêu cành lớn nhỏ quất vào mặt, cố tránh mấy cũng phải chịu trận. Xui xẻo nguyên buổi sáng sớm là thời gian dễ thấy tê giác nhất mà cũng không gặp, dù các bạn hướng dẫn ở mấy đoàn cứ í ới điện thoại lại qua để xem có ai thấy thì báo.
May mà bù lại là những cánh rừng xanh tốt, các lũ thú như gà rừng, khỉ, trâu rừng ngơ ngơ ngác ngác, cả mấy con cá sấu nước ngọt mỏ nhọn hoắt nằm phơi răng…
Buổi chiều không mấy hào hứng với hành trình ngồi xe jeep. Dù sao tiếng voi đi cũng dễ chịu hơn tiếng jeep băng qua hầm hố, thêm mùi khói xăng nồng nặc… mà còn không thấy được tê giác nữa. Gần hết chiều, đoàn người xe lục tục quay về. Chợt thấy phía trước có chiếc jeep và anh lái xe bên đó ra hiệu bên này tắt máy. Thì ra thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Chụp được hình mẹ con nhà tê giác lụ khụ ra bờ sông uống nước, đem về Sài Gòn tha hồ mà khoe.
Buổi chiều đó, hai mẹ con tê giác nhởn nhơ chơi một lúc rồi quay đi cũng khá nhanh. Không kịp để tôi gửi lời cảm ơn đến chúng, đến số phận đã cho chúng được sinh hạ ở Chitwan này. Thầm nghĩ là tụi mày may mắn lắm chứ không bạc phận như con tê giác cuối cùng danh giá xứ Đông Dương đã xương trắng miền Nam Cát Tiên. Càng chùng lòng. Thôi đi đi và mãi an lành nghen tụi bây!
(TGTT)