
Thời tiết khắc nghiệt và chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá giao dịch hạt cà phê và người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn từ nửa cuối năm nay đến năm 2026, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cảnh báo.
Tác động của tăng giá kéo dài đến bốn năm
Emiliano Magrini, nhà kinh tế thuộc bộ phận Thị trường và Thương mại của FAO, nói rằng: “Ảnh hưởng của giá quốc tế lan truyền đến người tiêu dùng sau vài tháng, có thể quan sát sau 6-8 tháng. Đỉnh điểm của sự lan truyền này là gần một năm sau. Vì vậy, chúng tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ cảm nhận được điều này vào nửa cuối năm 2025 và có thể là đầu năm 2026”.
Giá cà phê thay đổi không được phản ánh theo tỷ lệ 1-1 trong giá bán lẻ vì gánh nặng được phân bổ trên toàn bộ chuỗi cung ứng – bao gồm cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu – và vì việc mua hạt cà phê không phải là chi phí duy nhất ở phía bán lẻ.
Tại Liên hiệp châu Âu (EU), thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, FAO nói giá quốc tế với hạt cà phê nguyên liệu tăng 1% sẽ dẫn đến giá bán lẻ tăng 0,24% sau 19 tháng. Phải mất ít nhất bốn năm để tác động đó hoàn toàn giảm bớt. Tại Mỹ, giá bán lẻ tăng 0,2% sau 13 tháng và tác động này thường kéo dài trong hai năm.

Giá tăng gần gấp đôi
FAO nói giá cà phê toàn cầu đã tăng trung bình 38,8% trong năm 2024, với giá cà phê Arabica tăng 58% và Robusta 70% trong tháng 12-2024.
Giá quốc tế của hạt cà phê Arabica, chủ yếu được sử dụng trong các quán cà phê rang xay, đã phá vỡ ngưỡng 9 đô la một ký vào tháng 2. Giá đã giảm nhẹ xuống còn 8,90 đô la vào tháng 3, vẫn cao hơn 1,9 lần so với năm trước.
Cà phê Robusta – chủ yếu được sử dụng để làm cà phê hòa tan và được sản xuất tại Việt Nam và Indonesia – đạt 5,70 đô la vào tháng 3, cao hơn 1,6 lần so với năm trước.
Lý do chính khiến giá quốc tế tăng gần gấp đôi chỉ trong năm qua là thời tiết khắc nghiệt ở các nước sản xuất chính.
Brazil, nơi sản xuất gần một nửa lượng hạt cà phê Arabica trên thế giới và Việt Nam, nơi chiếm gần 40% nguồn cung Robusta, bị ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng, nhiệt độ tăng cao. Mưa lớn và thời gian mưa kéo dài có thể khiến cây cà phê phát triển kém và bị sâu bệnh phá hoại, tình trạng này cũng đang gia tăng.
Do sản lượng hạt cà phê phụ thuộc nhiều vào thời tiết và người ta cho rằng tiền đầu cơ đang chảy vào thị trường quốc tế nên rất khó để dự đoán giá sẽ biến động như thế nào trong tương lai.

Giá năm 2025 vẫn sẽ tăng
Dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 do điều kiện thời tiết, thuế quan và cước tàu biển…
“Trong vụ mùa năm nay và vài năm trở lại đây, vấn đề chính là nguồn cung hạn hẹp và dữ liệu thống kê cho thấy lượng hàng tồn kho đã giảm khoảng 40% trong năm hoặc sáu năm qua. Hàng tồn ít đi, giá hạt cà phê sẽ biến động nhiều hơn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung do sản lượng thấp hơn và có thể tăng mạnh”, Magrini cho biết.
Mặt khác, Ngân hàng Thế giới dự đoán giá hạt cà phê Arabica quốc tế sẽ giảm 8% trong năm nay trong bối cảnh sản lượng phục hồi dần. Mặc dù kỳ vọng mức giá cao hiện tại sẽ giảm xuống phần nào, cơ quan này cũng cho biết thị trường quốc tế vẫn lo ngại về rủi ro nguồn cung.
Sản lượng hạt cà phê dễ bị tổn thương về mặt cấu trúc, bởi đây là cây trồng nhiệt đới chỉ có thể trồng ở các hệ sinh thái nông nghiệp hạn chế, chẳng hạn như vành đai cà phê giữa khoảng 25 độ bắc và nam của đường xích đạo.
Sản lượng hạt cà phê do Brazil và Việt Nam thống trị, chiếm 55% tổng sản lượng thế giới. Top 5 các nước sản xuất cà phê hàng đầu – bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia – chiếm tổng cộng hơn 70%.
Đối với các loại thực phẩm chính như lúa mì và ngô (bắp), nếu nguồn cung từ một quốc gia cụ thể bị gián đoạn, các quốc gia khác có thể bù đắp. Nhưng nếu một vùng sản xuất hạt cà phê lớn bị ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, tác động sẽ được cảm nhận trên phạm vi toàn cầu.
Cà phê cũng là một loại cây lâu năm. Không giống như lúa mì, rất khó để tăng sản lượng trong thời gian ngắn.
Magrini lý giải: “Tác động của thời tiết khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cụ thể mà còn ảnh hưởng đến cả những cây trồng còn lại. Những cây này hấp thụ mọi hậu quả mà bạn có thể gặp phải do hạn hán quá mức hoặc nhiệt độ quá nóng hoặc mưa quá nhiều. Nếu nông dân phá hủy cây rồi trồng lại, phải mất nhiều năm để cây có thể phát triển và cho năng suất trở lại”.
Trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngày càng tăng, nhu cầu ở Trung Quốc đang tăng nhanh.
Một phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nói rằng mức tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng khoảng 2,5 lần trong 10 năm qua. Khẩu vị cũng thay đổi nhanh chóng từ cà phê hòa tan sang cà phê rang tươi. Lượng nhập khẩu hạt cà phê chưa rang của Trung Quốc trong mùa vụ 2024-2025 dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần so với 10 năm trước.
Ngành công nghiệp cà phê toàn cầu tạo ra doanh thu 200 tỉ đô la mỗi năm.
Giá hạt cà phê gia tăng làm người tiêu dùng toàn cầu e ngại. Mỹ nhập khẩu khoảng 80% lượng hạt cà phê từ Mỹ Latinh, bao gồm cả Brazil. Thuế quan 10% đã được áp dụng đối với những mặt hàng nhập khẩu này kể từ ngày 5-4.
Theo Nikkei Asia, FAO
Ricky Hồ / BSA Media