Food & Hotel Vietnam 2024 khai mạc với 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia

Sáng ngày 19/3, Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, khách sạn, thiết bị làm bánh và cung ứng dịch vụ – Food & Hotel Vietnam 2024 đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Food & Hotel Vietnam 2024 thu hút sự tham gia của 300 doanh nghiệp đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Brazil, Campuchia, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Indonesia, Italy, Malaysia, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Uzbekistan, Úc, Việt Nam…
Chia sẻ tại lễ khai mạc, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh khó khăn, thị trường suy giảm, Food & Hotel Vietnam 2024 mang đến cơ hội lớn, lợi ích lớn cho doanh nghiệp khi có thể kết nối trực tiếp, nhận những chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài cũng như tiếp cận những xu hướng ẩm thực mới của thị trường thế giới.
Bà Vũ Kim Hạnh đánh giá, Triển lãm lần này góp phần xúc tiến thương mại, tạo cầu nối để các thương hiệu quốc tế đến gần với những nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và kinh doanh ẩm thực, dịch vụ lưu trú tại Việt Nam. Đồng thời, giúp cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất về ngành, tôn vinh, ươm mầm những tài năng trẻ trong ngành ẩm thực, pha chế.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm, bên lề sự kiện, Hội DN HVNCLC còn tổ chức một hội thảo chuyên sâu về: “Xu hướng F&B bền vững và cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam”.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC chia sẻ tại buổi khai mạc
Trong khi đó, ông Ben Wong – Tổng Giám Đốc Informa Markets Việt Nam chia sẻ: “Dinh dưỡng bền vững cho dân số ngày càng tăng là một trong những nỗ lực cần hướng đến của ngành thực phẩm Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi đáng kể về cách vận hành ngành ẩm thực và dịch vụ lưu trú. Bằng cách kết nối hệ sinh thái các nhà cung cấp thực phẩm, nhà hàng, khách sạn sáng tạo nhất từ khắp nơi trên thế giới, với hơn 300 nhà trưng bày và hàng nghìn thương hiệu khác nhau, chúng tôi hi vọng những nhà kinh doanh tại Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp, phát triển rộng rãi hoạt động kinh doanh, mang sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng”.
Theo Mordor Intelligence, thị trường dịch vụ ăn uống Việt Nam dự kiến đạt 22.72 tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 36.29 tỷ USD vào 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9.82% trong giai đoạn 2024 -2029.
Có khoảng 73,2% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, 53% trong số họ dùng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và GoFood. Những ứng dụng giao hàng này đã thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng nhà hàng trên mạng. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng sẽ tăng trưởng 5,35%/năm trong giai đoạn 2023-2029.
Nhu cầu về đạm thực vật dự báo sẽ tăng 25% ở châu Á trong vòng 5 năm tới. Những lo ngại về sức khỏe và môi trường là động lực để người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thay thế thịt. Cùng với đó, thị trường thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng dự kiến đạt 71 tỷ USD vào năm 2025 do thu nhập khả dụng và nhận thức về sức của người tiêu dùng ngày càng tăng.

BSA Media