Mới đây, vụ việc thương hiệu kẹo rau củ Kera bị xử lý vì quảng cáo sai sự thật và vi phạm quy định về ghi nhãn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm. Câu chuyện này cũng là một trong những tình huống điển hình được chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo chia sẻ tại khóa học “Hướng dẫn cơ bản về ghi nhãn thực phẩm thị trường Việt Nam”, do Ban Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập tổ chức trong hai ngày 9 và 10/6 tại Văn phòng Hội DN HVNCLC
Không ghi nhưng lại quảng cáo
Theo thông tin được bà Hồ Ngọc Phương Thảo, chuyên gia tiêu chuẩn và đánh giá sản phẩm cung cấp, kẹo Kera đã quảng cáo sản phẩm có hàm lượng chất xơ tương đương một đĩa rau, dù trên bao bì không công bố hàm lượng chất xơ cụ thể. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy không chứng minh được lượng chất xơ nhiều tương đương một đĩa rau như tuyên bố, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, sản phẩm còn chứa sorbitol, một chất tạo ngọt, nhưng lại không liệt kê trong thành phần ghi trên nhãn, vi phạm quy định về thông tin thành phần của sản phẩm.
“Người ta xử phạt không phải vì kiểm tra chất xơ thấp hay cao, mà vì doanh nghiệp đã không công bố nhưng lại quảng cáo. Họ tuyên bố tương đương một đĩa rau trong khi không có số liệu chứng minh và không ghi rõ trên nhãn”, bà Thảo nhấn mạnh.
Trường hợp này cho thấy sự rủi ro rất lớn khi doanh nghiệp “nói quá” trong truyền thông mà không bảo chứng bằng dữ liệu minh bạch và phù hợp với quy định.
Cẩn trọng những chi tiết nhỏ
Cũng trong khóa học, bà Hồ Ngọc Phương Thảo đã đưa ra một ví dụ rất thực tế từ bao bì một hộp trà túi lọc, với hai cách ghi định lượng: “2gram x 25 túi” hoặc “50g”. Tưởng chừng không có gì khác biệt, nhưng hệ quả về mặt pháp lý lại rất rõ ràng.
Theo Thông tư 21/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu doanh nghiệp ghi “50gram” và trong 5 hộp kiểm tra có 1 hộp thiếu trọng lượng thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt vì sai lệch không được phép với cỡ mẫu nhỏ hơn 20. Ngược lại, nếu ghi “2gram x 25 túi”, và hộp bị kiểm tra thiếu 1 túi thì lại không bị phạt vì thuộc diện được phép sai số trong trường hợp cỡ mẫu từ 20 trở lên.
“Chỉ một cách ghi nhãn khác nhau có thể quyết định doanh nghiệp có bị phạt hay không, trong bối cảnh cơ quan quản lý ngày càng kiểm tra sát sao tại các điểm bán”, bà Thảo lưu ý.
Với các sản phẩm bao gói sẵn có nhiều đơn vị nhỏ bên trong như trà, gia vị, kẹo, thực phẩm bổ sung…, cách ghi định lượng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm rủi ro về mặt kiểm tra trọng lượng và trách nhiệm pháp lý.
Quy định về kích thước chữ trên bao bì
Trước đây, theo Nghị định 38, chiều cao chữ trên nhãn thực phẩm không được thấp hơn 1,2 mm. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ do công nghệ in ấn hiện đại cho phép in chữ nhỏ mà vẫn rõ nét.
Tuy nhiên, vẫn có yêu cầu cụ thể: nếu diện tích ghi nhãn dưới 80 cm² (không tính phần mí), chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.
Nội dung khóa học cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải ghi đúng, ghi đủ các thành phần và hàm lượng, phù hợp với lượng khuyến cáo sử dụng hoặc hướng dẫn liều dùng.
Đặc biệt, với những hương liệu không phải là phụ gia đánh mã số doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ công bố của sản phẩm để xác định đó có phải là hương liệu nhân tạo, tự nhiên, tổng hợp hay không, tránh việc sử dụng không đúng nhóm chất được phép.
Các văn bản doanh nghiệp cần tham chiếu gồm: Thông tư 24 /2019, 17/2023, VBHN 01…của Bộ Y Tế về phụ gia thực phẩm…