Giá gạo Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên sau 18 tuần, nhưng các chuyên gia thị trường không chắc rằng việc mở kho dự trữ và tăng nhập khẩu sẽ giảm giá gạo tại Nhật Bản trong dài hạn. Trong khi đó, khu vực tư dự định sẽ nhập khoảng ít nhất 40.000 tấn gạo trong năm tài chính mới, tăng hơn 20 lần so với năm trước đó. Chính phủ Nhật Bản nhập khoảng 770.000 tấn mỗi năm.
Giá gạo hiện vẫn gấp đôi năm ngoái
Giá gạo trung bình tại các siêu thị đã giảm 0,4% trong tuần tính đến ngày 4-5 so với tuần trước đó. Nhưng mức giá 4.214 yen (29 đô la) cho túi gạo 5 kg vẫn gấp đôi mức giá 2.106 yen cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu Bộ Nông nghiệp công bố đầu tuần.
Dưới áp lực phải giải quyết chi phí cao của mặt hàng chủ lực trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch đẩy mạnh tốc độ giải phóng kho dự trữ gạo.
Hôm 16-5, Bộ Nông nghiệp nói đã chuẩn bị bán ra 100.000 tấn gạo mỗi tháng từ kho dự trữ trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7, ngoài 310.000 tấn được đấu giá thành ba đợt từ tháng 3 đến tháng 4. Kể từ năm 2024 trở về trước, việc giải phóng chỉ thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hoặc mất mùa.
Ngoài ra, Bộ đang nới lỏng quy định mua lại. Trong các cuộc đấu thầu trước đây, về nguyên tắc, các công ty mua gạo dự trữ phải bán lại cùng một lượng gạo cho chính phủ trong vòng một năm. Bộ Nông nghiệp đang gia hạn thời hạn này lên năm năm để dễ dàng tham gia đấu giá gạo dự trữ hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán việc giải phóng gạo dự trữ chỉ có tác dụng hạn chế trong việc kiểm soát giá tăng, nguyên nhân là do diện tích canh tác ở Nhật Bản giảm và du lịch bùng nổ. Mặc dù khó có thể tăng nguồn cung nhanh chóng bằng cách tăng sản lượng ở Nhật Bản, nhưng quốc gia này vẫn miễn cưỡng nhập khẩu gạo và duy trì tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%.
Áp lực mở cửa thị trường gạo đã tăng lên sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích Nhật Bản hồi tháng 4 rằng “Nhật Bản không muốn chúng ta bán gạo cho họ”. Hiện tại, lượng gạo nhập khẩu vượt quá hạn ngạch “tiếp cận tối thiểu” vốn được hưởng mức bằng 0 phải chịu mức thuế 341 yen/ký.
Các nhà giao dịch và hãng buôn lớn dự kiến sẽ nhập khẩu hơn 40.000 tấn gạo trong năm tài chính này, tương đương với mức tiêu thụ hàng năm của khoảng 700.000 người. Phần lớn sẽ nhập từ Mỹ. Trước đó, Khu vực tư nhân của Nhật Bản đã nhập khẩu 1.497 tấn gạo trong 11 tháng đầu năm tài chính 2024, gấp hơn bốn lần so với lượng nhập khẩu cả năm tài chính 2023. Như vậy, lượng gạo nhập khẩu năm tài chính mới tăng ít nhất hơn 20 lần.
Sự gia tăng này diễn ra khi Nhật Bản cân nhắc mở rộng hạn ngạch tiếp cận tối thiểu miễn thuế đối với gạo nhập khẩu như một phần của các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Chính phủ Nhật Bản nhập khẩu 770.000 tấn gạo mỗi năm thông qua khuôn khổ này và đưa ra mức đấu giá tối đa là 100.000 tấn, tất cả đều được bán vào năm 2024.
Gạo không là ách chủ bài trong đàm phán thuế quan
Tuy nhiên, việc mở rộng nhập khẩu gạo từ Mỹ là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Cho đến nay, chính phủ vẫn im lặng về việc liệu đây có phải là một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại hay không.
Thủ tướng Shigeru Ishiba đã tránh đưa ra câu trả lời rõ ràng khi được hỏi liệu Nhật Bản có tăng nhập khẩu gạo của Mỹ hay không trong một lần xuất hiện trên truyền hình vào tuần này. “Đó là một lựa chọn, nhưng tôi không thể nói chắc chắn”, ông nói. Còn Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Hiroshi Moriyama đã tuyên bố tại một cuộc họp có sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp hôm 13-5 rằng “không có cuộc thảo luận nào về việc mở rộng nhập khẩu gạo” trong các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số công ty tư nhân đã quyết định bán gạo nhập khẩu bất chấp thuế quan. Công ty điều hành đại siêu thị Aeon đã công bố kế hoạch nhập khẩu 14.000 tấn gạo California Calrose 100%. Sản phẩm mới sẽ được tung ra vào tháng 6 với mức giá 2.894 yen cho túi gạo 4 ký, thấp hơn gần 15% so với giá gạo trồng ở Nhật Bản.
Động thái này diễn ra sau khi công ty tung ra túi gạo trộn lẫn giữa gạo Mỹ được nhập khẩu theo hạn ngạch tiếp cận tối thiểu với gạo trong nước vào tháng 4.
Theo Nikkei Asia, Japan Times
Ricky Hồ / BSA Media