Giá trà đen tăng mạnh do biến động sản xuất ở Ấn Độ và Sri Lanka

Giá trà đen tại Sri Lanka và Ấn Độ tăng cao, đẩy giá trà trên thi trường thế giới tăng mạnh. Ảnh: Tokyo Tea Blenders

Giá trà đen trên thị trường thế giới tăng mạnh, do các đợt nóng khắc nghiệt, lũ lụt và dịch bệnh tàn phá các đồn điền ở Ấn Độ, một trong những nước sản xuất trà lớn nhất thế giới, theo Nikkei Asia. 

Giá đấu giá chuẩn của trà từ miền Bắc Ấn Độ trung bình khoảng 260 rupee (3,10 USD)/kg vào cuối tháng 9-2024, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bắt đầu tăng từ tháng 4 vừa rồi

Sản xuất trà ở miền bắc Ấn Độ bắt đầu vào khoảng tháng 2 và đạt mức cao nhất vào cuối tháng 3. Đợt thu hoạch lá trà đầu tiên trong năm thường từ tháng 3 đến tháng 5 và đợt thứ hai từ tháng 5 đến tháng 7. Lá trà đạt phẩm vị cao nhất trong hai đợt này.

Nhiệt độ thiêu đốt và hạn hán trong tháng 3 đến tháng 5 năm nay đã gây ra thiệt hại cho các vùng trà nguyên liệu khắp Ấn Độ. Mưa lớn ở vùng Assam vào tháng 6 đã gây ra thiệt hại do lũ lụt cục bộ.

Một loại nấm tấn công lá trà gây thêm tổn thất cho các đồn điền trà. Loại nấm này dễ bị tiêu diệt dưới ánh mặt trời, nhưng khó loại bỏ tận gốc trong thời ký gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Việc phun thuốc trừ sâu vi phạm các quy định xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, vì vậy các nhà sản xuất vùng này đã hạn chế sử dụng hóa chất, khiến dịch bệnh lây lan.

Kazuya Takeda, giám đốc tiếp thị và lập kế hoạch sản phẩm của hãng trà Mitsui Norin tại Nhật Bản, nói rằng bên cạnh mùa vụ năm nay kém, lượng trà tồn kho từ năm ngoái hiện rất ít. Nhu cầu ở Ấn Độ rất mạnh nhưng nguồn cung lại khan hiếm.

Trong khi đó, thu hoạch ở Sri Lanka, một nhà sản xuất trà đen hàng đầu khác, đã giảm trong những năm gần đây do nước này đang gặp nhiều khó khăn. Thiếu ngoại tệ đã dẫn đến lượng phân bón nhập khẩu hạn chế, nhà vườn còn thiếu tiền mặt để trổng lại các gốc trà cổ thụ đang giảm năng suất.

Trợ lý giám đốc tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nhật Bản S. Ishimitsu cho rằng “sẽ mất thời gian để sản xuất của Sri Lanka hồi phục”.

Giá đấu giá trung bình ở thủ đô Colombo là khoảng 1.215 rupee Sri Lanka (4,15 đô la)/kg tính đến tháng 10, cao gấp đôi so với giá vào tháng 10-2021 trước cuộc khủng hoảng kinh tế.

Giá trà đen Sri Lanka tăng cũng khiến chè từ miền bắc Ấn Độ trở nên đắt hơn. Những loại trà này có thể thay thế cho nhau vì cả hai được trồng ở độ cao tương tự và có chất lượng tương tự nhau.

Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, không có triển vọng tăng sản lượng ở Sri Lanka, các nhà nhập khẩu phương Tây đã chuyển hoạt động thu mua sang miền bắc Ấn Độ, khiến hai mức giá này biến động song song.

Ấn Độ và Sri Lanka chiếm khoảng 60% tổng lượng chè đen nhập khẩu của Nhật Bản. Một số công ty thương mại Nhật Bản nhập khẩu từ miền Bắc Ấn Độ đã tăng giá khoảng 20% ​​trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10. Chi phí nhập khẩu tăng do đồng yen yếu cũng là một yếu tố khác.

Việt Nam hiện đứng thứ năm về diện tích trồng trà và thứ sáu trong về sản lượng trà trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng trà hiện lên đến 130.000 ha ở 34 tỉnh thành, với sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn trà búp tươi, tương đương 196.000 tấn trà khô trong năm 2020.

Trà xanh phổ biến tại Việt Nam, nhưng một số nơi như Tây Nguyên, Mộc Châu và Tân Cương – Thái Nguyên đang có những vườn trà đen có hương vị đặc biệt. Trà đen Việt Nam thường có hương thơm đậm, chát nhẹ và hậu ngọt. Nước trà màu đỏ sẫm đặc trưng.

Ricky Hồ / BSA Media

https://bsaonline.vn/viet-nam-se-ap-dung-he-thong-tinh-toan-va-bao-cao-khi-phat-thai-cua-nhat-ban/