GS Trần Văn Thọ: Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi

GS Trần Văn Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt có chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình kinh tế thế giới đầy biến động và bất định”. Ảnh: BSA Media.
Việt Nam đã buôn bán, giao thương với hàng trăm nước, nhưng lại quá tập trung vào một vài nước. Nhập khẩu thì chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, xuất thì chủ yếu xuất sang Mỹ. Đây là điểm bất ổn đã được chỉ ra từ lâu nhưng nay mới thực sự trở thành thách thức, thách thức lớn đến mức mà chúng ta không thể không thay đổi.
Chiều 5/6, tại nhà hàng Lamoi, 84 Nguyễn Du, TP.HCM, đã diễn ra buổi gặp mặt GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda, Nhật Bản, nhân dịp GS về Việt Nam. Buổi gặp mặt có chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình kinh tế thế giới đầy biến động và bất định”, do Trung tâm BSA, Hội DN HVNCLC, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức. LBC ghi chép lại một số chia sẻ của GS Trần Văn Thọ tại buổi gặp mặt này.
Nội lực quá yếu
Kinh thế thế giới đầy biến động và bất định, nếu Việt Nam phụ thuộc vào thế giới ít hơn thì sẽ tránh được các biến động và bất định này, nhưng vấn đề là mình hội nhập rất sâu. Hiện tỷ lệ xuất – nhập khẩu (ngoại thương) so với GDP (độ lớn của nền kinh tế) chiếm đến 180%. Hồi trước Đổi Mới tỷ lệ xuất khẩu chỉ chiếm chừng 20%, nay xuất khẩu chiếm đến 90%, tỷ lệ nhập khẩu cũng một con số tương tự. Nói vậy thì cũng không chính xác lắm, nhưng có thể xem là con số so sánh tương đối để thấy sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào thế giới. Singapore cũng có một tỷ lệ tương tự, nhưng Singapore là dân số ít và họ từ xưa tới giờ buôn bán với nước ngoài là chính. Tuy nhiên, với một nước có quy mô khoảng 100 triệu dân thì tỷ lệ này cao một cách dị thường.
Ở khía cạnh nào đó, hội nhập là tốt, nhưng vấn đề khi tỷ lệ quá lớn với một nước dân số lớn như Việt Nam thì nó phản ánh vấn đề là nội nhu (cầu nội địa) quá thấp. Nếu nội nhu của chúng ta mạnh lên thì nền kinh tế sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào biến động kinh tế thế giới.
Điểm thứ hai là đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ Việt Nam phụ thuộc đầu tư nước ngoài cũng rất cao. Hiệndoanh nghiệp FDI hơn 50% sản lượng công nghiệp, chiếm hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam. Với một nước có độ lớn dân số như Việt Nam thì độ phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) nước ngoài như vậy là rất cao.
Ở đây, lại tiếp tục phải nói về nội lực. Nếu nội lực của Việt Nam đủ mạnh thì sự hội nhập này sẽ rất tốt. Mình sẽ tranh thủ thị trường, tranh thủ được về vốn sẽ rất tốt. Tuy nhiên, nội lực mình yếu quá hiệu quả của các nguồn lực sẽ có giới hạn. Nội lực yếu nên nó ảnh đến cơ cấu, đến tính chất công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa có tiến triển từ thời Đổi Mới có tiến triển, nhưng chất lượng công nghiệp hóa không có hiệu quả. Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm trung gian linh kiện, tức sản phẩm sản phẩm hỗ trợ nhiều. Vì trong nước yếu quá nên phải nhập nhiều, điều này phản ánh khi tính giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu ta thấy. Tỷ lệ của nhập khẩu/tổng tỷ lệ gia tăng xuất khẩu ngày càng tăng. Tỷ lệ gia tăng nội địa trên hàng xuất khẩu ngày càng giảm xuống. Chứng tỏ sự đóng góp của nội lực đang quá yếu.
Không chỉ với các sản phẩm công nghệ cao như như smartphone, computer… mình phải nhập linh kiện của nước ngoài, nhưng ngay cả với sản phẩm may mặc, mình vẫn cứ nghĩ là không cao cấp lắm, thì nguyên liệu, tơ sợi, vải… để làm hàng may mặc thì mình cũng vẫn phải nhập, tỷ lệ nhập khẩu (xem thống kê) cũng rất lớn. Bởi vì hàng để xuất thì đòi hỏi phải có chất lượng vải, tơ sợi phải cao, nhưng chất lượng đó hàng trong nước không đáp ứng được. Mình 100 triệu dân mà những sản phẩm trung gian về may mặc mình cũng không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Tại sao mình phải nhập khẩu nhiều vậy? Mình có 100 triệu dân mà?
Tôi thấy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thì không mặn mòi sản xuất mặt hàng này, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại yếu quá. Số doanh nghiệp công nghiệp có tới 200.000, nhưng số doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ mới có 3.500. Thế giới điều tra có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì thấy Việt Nam mình có khoảng 18%, trong khi ngay gần ta, Campuchia cũng lên tới 30%.
Nội lực yếu còn thêm một điểm nữa, đó là DN Việt Nam liên doanh với DN nước ngoài ít. DN nước ngoài đa phần 100% vốn nước ngoài, phản ánh nội lực của mình yếu. Họ muốn liên doanh với DN trong nước thì họ phải tìm đối tác tin cậy được, có khả năng quản lý, có tinh thần trách nhiệm. Tức là họ phải tìm đối tác tin cậy, nhưng họ không tìm được. Khi đó làm cho sự lan tỏa tri thức kinh doanh, lan tỏa công nghệ sẽ bị hạn chế.
Cơ cấu xuất nhập khẩu bất ổn
Tôi từng viết về vấn đề cơ cấu kinh tế hai tầng của Việt Nam đó là một bên FDI, một bên DN trong nước và hai cái không liên kết với nhau. Ở đây trách nhiệm lớn của nhà nước. Ở đây có hai vấn đề, thứ nhất nhà nước không nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước cho mạnh lên. Trong khi đó, chúng ta thấy Nhật Bản có chính sách về doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hay. Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đã học từ Nhật Bản và áp dụng một cách sáng tạo để phát triển trong nước họ rất hay. Tại sao Việt Nam mình không học được?
Chính sách công nghiệp của Nhật Bản làm rất hay, Hàn Quốc đã học hỏi sáng tạo, thậm chí còn làm hay hơn Nhật Bản. Việt Nam đi sau đáng ra phải làm hay hơn nhưng chúng ta lại chưa làm được.
Tình hình hiện tại, khi Tổng thống Donald Trump lên và áp thuế đối ứng với Việt Nam và các nước khác có thể làm chúng ta tỉnh ngộ. Lúc trước chúng ta nói xuất – nhập chiếm 180% GDP, nhưng đi sâu vào mới thấy, tuy xuất khẩu nhiều, xuất khẩu sang Mỹ nhiều, tính tất cả Mỹ chiếm 30%, riêng hàng tiêu dùng chiếm đến 40%, trong hàng tiêu dùng từng mặt hàng như may mặc chiếm đến hơn 50%. Tức là xuất khẩu đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ rất cao. Mặt khác, lại phụ thuộc vào Trung Quốc, Hàn Quốc về mặt nhập khẩu. Như vậy, cơ cấu mậu dịch của Việt Nam tôi hình hình dung như một  Tam giác Thái Bình Dương, một góc Trung Quốc – Hàn Quốc, một góc là mình, góc bên kia là Mỹ. Mình nhập nguyên liệu, sản phẩm sơ chế từ hai nước Trung Quốc, Hàn Quốc rồi gia công xuất sang Mỹ.
Cơ cấu này không ổn định, nó bất ổn. Tuy mình buôn bán, giao thương hàng trăm nước, nhưng lại quá tập trung vào một số nước. Nhập khẩu thì tập trung từ Trung Quốc, Hàn Quốc, xuất khẩu thì tập trung sang Mỹ. Ba nước này chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam, đây là điểm bất ổn. Đáng ra chúng ta phải phân tán ra.
Thêm nữa là vấn đề Trung Quốc làm cho tình hình phức tạp hơn. Mình không chỉ nhập nhiều từ Trung Quốc, gia công, lắp ráp rồi xuất sang Mỹ mà từ thời Trump 1.0 gây ra va chạm mậu dịch với Trung Quốc (2018) thì lại có hiện tượng dòng thác đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, một số nước Asean, Ấn Độ. Đặc biệt, Việt Nam lại gây chú ý nhiều. Có một số mặt hàng họ xuất từ Trung Quốc không được họ mới đầu tư vào Việt Nam. Năm 2019, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tăng gấp đôi so với năm 2018, 2017. Hai năm vừa rồi, 2023-2024, đầu tư tăng gần gấp đôi nữa. Đặc biệt, những ngành xuất khẩu nhiều sang Mỹ, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc tăng rất cao.
Đây là một thách thức lớn với Việt Nam. Tuy nhiên, ngược lại, đây cũng là cơ hội. Trước giờ thấy mô hình xuất nhập khẩu như vậy không có vấn đề gì. Nhưng bây giờ chúng tôi hy vọng trong ngắn hạn chúng ta sẽ điều chỉnh. Xuất qua Mỹ sẽ giảm, chậm lại. Về lâu về dài Việt Nam nhân cơ hội có Nghị quyết về kinh tế tư nhân, phải quyết tâm, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thành chính sách. Bộ máy công quyền của Việt Nam vốn rất kém hiệu suất, nhân cơ hội này có thể thay đổi để thúc đẩy kinh tế tư nhân, thúc đẩy nội lực, chuyển dịch cơ cấu.
Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt đến cơ hội hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: BSA Media.
Cơ hội để chuyển dịch
Chúng ta phải tìm cách thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, rồi phân tán thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào Mỹ nhiều.
Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với rất nhiều nước, với EU, Asean, với các nước vùng Thái Bình Dương đó là cơ hội, nhưng mình ít tận dụng các cơ hội. Ký hiệp định thương mại tự do đáng ra thị trường đó thâm nhập tốt, nhưng mình lại chưa tận dụng. Do đó, thời gian tới mình phân tán thị trường xuất khẩu vào các thị trường này, nhất là Asean, Ấn Độ.
Về mặt vốn và công nghệ, Nhật Bản có thể mang cho chúng ta  những cơ hội. Ở Nhật Bản hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa tích lũy công nghệ cao rất nhiều. Họ muốn đầu tư cho Việt Nam, nhưng ở Việt Nam lại thiếu những cơ chế không thông thoáng. Tức là nếu có cơ chế đủ tốt chúng ta hoàn toàn có cơ hội để thu hút đến đầu tư và liên doanh. Khả năng liên doanh với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản rất là cao. Họ có công nghệ cao, nhưng dân số giảm, nhiều người làm công việc khác, giờ họ thiếu người thừa kế. Nếu mình có chính sách thì mình có thể thừa kế công nghệ của họ. Tôi thấy hiện nay cơ hội của chúng ta rất nhiều vấn mình có nắm bắt được không, sức mạnh của mình, khả năng của mình, nội lực của mình có đáp ứng hay không.
Mặt khác, song song với đó, chúng ta phải tìm cách phát triển thị trường nội địa, hướng vào thị trường nội địa nhiều hơn, khi đó áp lực kinh tế thế giới biến động hay bất định sẽ giảm bớt. Đó là một trong những cách để tránh sự bất định và biến động này.
Ba loại chính sách khác nhau
Tôi thấy hiện nay các lãnh đạo Việt Nam đã nhìn thấy vấn đề và đang có những bước đi đúng hướng, thông qua bộ tứ nghị quyết (57-59-66-68) và sắp tới có thể có thêm hai nghị quyết về giáo dục và y tế. Nhưng điều quan trọng là Nghị quyết phải thực thi thật nhanh, vì nếu có độ trễ vài năm thì cơ hội đã vuột mất.
Cụ thể hơn, theo tôi để thúc đẩy năng lực của doanh nghiệp nội địa cần có ba loại chính sách khác nhau với ba khối: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và thành phần phi chính thức.
Đối với DN lớn thì Nhà nước nên hợp tác, thường xuyên thảo luận về hướng đi tương lai của kinh tế. Tôi gọi là chia sẻ tầm nhìn về cơ cấu kinh tế trong tương lai. Chẳng hạn, 5-10 năm tới Việt Nam cần phát triển ngành gì, cơ cấu kinh tế 5-10 năm sau sẽ ra sao. Việt Nam nên xác lập những ngành nào. Chính phủ và DN lớn nên thường xuyên bàn bạc. Bởi vì, DN lớn có khả năng tổ chức, nghiên cứu, còn Nhà nước có khả năng tổng hợp, động viên các nguồn lực. Đó là cách Nhật Bản và các nước khác vẫn làm. Nhà nước khuyến khích DN lớn đầu tư đổi mới sáng tạo. Hiện nay, nghiên cứu triển khai (R&D) mới 0,7% so với GDP, so với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc ở cùng giai đoạn phát triển giống mình là hơn 1%. Mình đang đặt mục tiêu 2030 tăng lên 2%, rất khó. Chính phủ cần khuyến khích DN lớn đầu tư vào khoa học, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần các quan chức phụ trách có tinh thần trách nhiệm giúp cho DN nhỏ và vừa lớn mạnh lên. Chính sách tốt thì có vốn phải tích cực cho vay, giúp DN nhỏ và vừa lập ra các dự án có tính khả thi cao. Quan chức phải biết phân tích kinh tế, thị trường, vì đây vốn là những điểm hạn chế DN nhỏ và vừa, vì họ nguồn lực hạn chế, họ cần Nhà nước hỗ trợ ở những điểm này. Nhà nước cần có Sách Trắng để doanh nghiệp họ tham khảo, để họ nhìn vào biết phải làm gì.
Đối với khối phi chính quy, muốn đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp phải lớn lên. Nhà nước cần phải hỗ trợ để khối này chuyển thành thành công ty, có tổ chức, để họ lớn mạnh lên.
GS Trần Văn Thọ giao lưu với các cử tọa. Ảnh: BSA Media.
Một đội ngũ công chức phụng sự
Nhưng muốn biến nghị quyết, chính sách đúng, đưa vào thực thi hiệu quả thì một bộ phận không thể không nhắc tới đó là đội ngũ quan chức hành chính thực hiện.
Quan chức thực thi chính sách ở Nhật Bản (khái niệm “quan chức” GS Trần Văn Thọ sử dụng ở đây tương đương với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp trung từ cấp thứ trưởng trở xuống ở Việt Nam trong bộ máy hành chính. Ở Nhật Bản phân biệt rõ quan chức hành chính, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ hành chính chuyên môn, tuyển dụng qua thi tuyển và quan chức chính trị, là các chính trị gia, hoạt động như chính khách trên chính trường – BTV) là những người nhìn thấy vấn đề, lập ra chính sách cho các chính trị gia lập pháp bàn, thông qua biến thành luật. Sau khi thành luật thì quan chức sẽ là người thực thi. Điều này đòi hỏi năng lực hành chánh, lập chính sách và thực thi chính sách của đội ngũ quan chức hành chánh. Ở Nhật Bản không có cái gọi là “giấy phép con”. Ở Việt Nam, “giấy phép con” theo nghĩa tốt là cách đưa ra để quản lý cho chặt, nhưng thực tế có thể bị lợi dụng để nhũng nhiễu. Nhật Bản hoàn toàn không có chuyện đưa ra các “giấy phép con” để tạo ra cơ chế “xin-cho” như vậy.
Việc đào tạo quan chức hành chính của mình có vẻ đang không đúng hướng, chủ yếu nghiêng về chính trị, trong khi ở Nhật Bản, yếu tố chuyên môn, năng lực luật pháp, quản lý, năng lực đạo đức trách nhiệm, mới là yếu tố hàng đầu. Một quan chức hành chính của Nhật Bản khi thi tuyển vào công chức không chỉ phải nắm về luật pháp, kinh tế mà còn phải thi về triết học, lịch sử, văn hóa… tức là họ cũng chú trọng các nền tảng vững chắc về văn hóa, đạo đức. Sắp tới khi muốn cải cách bộ máy hành chính thì Việt Nam cũng nên nghĩ đến chuyện đào tạo quan chức hành chính cho quy củ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã và đang làm.
Quan chức hành chính Nhật Bản khi được giao trách nhiệm, họ có năng lực tổng hợp rất cao. Các quan chức thường xuyên được luân chuyển và học tập, đào tạo thường xuyên để nâng cao tri thức. Ở Nhật Bản, muốn trở thành quan chức hành chính phải trải qua kỳ thi tuyển rất khắt khe. Đầu tiên, họ phải thi đậu vào các trường đại học danh tiếng, sau khi tốt nghiệp mới trải qua kỳ thi quan chức. Kỳ thi này do Viện Nhân sự thực hiện. Chẳng hạn, mỗi năm Viện này tổ chức thi tuyển khoảng 6.000 công chức trung ương, các bộ, ngành sẽ lựa chọn từ 6.000 người đã đỗ kỳ thi này, mà không được tuyển từ nơi khác, tức là sự công bình trong cơ hội để trở thành quan chức hành chính rất cao. Ai cũng có thể trở thành quan chức hành chính nếu có đủ nỗ lực để vượt qua các kỳ thi khắt khe này.
Để thấy sự khác biệt, tôi có thể lấy một ví dụ cụ thể về cơ quan phụ trách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để thấy sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ở Nhật Bản, trong Bộ Công Thương có Vụ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì những người này thực sự có tri thức về doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như sự vận hành của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mỗi năm họ sẽ phát hành một Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để xuất bản cuốn Sách Trắng này thì họ phải có tri thức, phải có khả năng phân tích thị trường, công nghệ, tính chất của doanh nghiệp nhỏ và vừa để hướng dẫn cho chính các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Việt Nam cũng có quỹ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hầu như không có hiệu quả. Tại sao vậy? Vì có thể tại những người có trách nhiệm ở đó không dám cho vay khi không có thế chấp. Trong khi ở Nhật Bản, những người phụ trách họ hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi doanh nghiệp đưa ra dự án thì họ thẩm định và tư vấn ngược lại cho doanh nghiệp, sửa chỗ nọ, chỗ kia, tức là họ giúp cho doanh nghiệp cải thiện dự án để làm sao cho vay được. Như vậy, vừa cho doanh nghiệp vay được nhiều, vừa tăng khả năng thu hồi vốn. Đó là một sự khác biệt có thể thấy rõ trong cách vận hành.
Trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay, tôi cho rằng nên thay đổi trong cách tuyển dụng quan chức như Nhật Bản hay Hàn Quốc đang làm. Tôi đã từng kiến nghị Việt Nam nên có ngày trong năm gọi là ngày chọn nhân tài làm việc nước. Ngày đó là ngày mà một Viện Nhân sự mở kỳ thi để tuyển quan chức hành chính. Từ đó chọn ra những quan chức hành chính, sau đó khi đã vào làm việc tại các bộ thì tiếp tục có các chương trình đào tạo quan chức đưa đi học ở các nước. Ở Nhật Bản hiện vẫn có những chương trình như vậy, sau khi quan chức hành chính làm việc ở các bộ, ngành 4-5 năm thì sẽ được cử đi Mỹ học 1-2 năm về quản lý công, hành chánh, văn hóa. Khi đi qua nước ngoài học, các quan chức sẽ mở rộng mạng lưới quan hệ với bạn bè quốc tế, rất có ích cho công việc quản lý sau này.
Mặt khác là chế độ đãi ngộ cho đội ngũ quan chức hành chính cần phải cải thiện để họ có thể tập trung hoàn toàn cho công việc, tránh nhũng nhiễu, tham nhũng. Tôi cho rằng đây là việc chúng ta cần phải làm nhanh.

Câu chuyện hợp tác thành công với người Nhật Bản của An Phước – Pierre Cardin

Trong buổi gặp mặt với GS Trần Văn Thọ, bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc, Công ty May Thêu Giày An Phước, đã chia sẻ lại câu chuyện hợp tác với người Nhật Bản của An Phước, như một ví dụ điển hình của một doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã liên doanh, hợp tác và tận dụng thành công tri thức, công nghệ của đối tác Nhật Bản.
Chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam chuyên về may mặc. Chúng tôi làm việc với đối tác Nhật Bản ngay từ thuở ban sơ, khi còn là một doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Khi đó chúng tôi chỉ có 40-50 công nhân. Chúng tôi muốn làm gia công cho người Nhật Bản thì họ nói phải đầu tư thêm. Khi chúng tôi đầu tư thêm được 120 máy. Đầu tiên, khi chúng tôi bắt đầu làm thì họ cho chúng tôi đi học một khóa huấn luyện về human resource (nguồn nhân lực). Sau đó chúng tôi qua Yokoyama để học về kỹ thuật một tháng. Chúng tôi hợp tác với Nhật Bản đến nay được 32 năm. Năm 1997, khi khủng hoảng kinh tế khu vực thì chúng tôi mới định hướng quay lại thị trường nội địa. Trong quá trình đó điều họ dạy cho mình là làm việc chăm chỉ. Nghề may mặc là nghề của những con ong chăm chỉ và đam mê. Đến nay, An Phước đã có hơn 5.000 công nhân. Đến nay, chúng tôi vừa xuất khẩu vừa củng cố thị trường nội địa, hiện nội địa đã chiếm 50-60% doanh số. Một điểm mà chúng tôi học hỏi từ người Nhật Bản là chất lượng ngay từ ban đầu, tốt phải tốt từ người chủ doanh nghiệp, hành vi ngay từ ban đầu phải chuẩn. Bản thân tôi luôn phải đồng hành cùng các em trong phân xưởng. Hiện nay, tôi mướn năm ông Nhật Bản để kiểm tra chất lượng ngay tại phân xưởng, với tiêu chí chất lượng là hàng đầu. Chúng tôi định vị phân khúc khách hàng từ cấp trung đến cao, từ trung đến dưới thì để Trung Quốc làm. Chúng tôi cũng làm sao đứng vững trên thị trường Việt Nam, định vị được để người nước ngoài họ đến họ biết đến mình thì mới tính chuyện đi ra nước ngoài. Trong một thế giới đầy biến động, bất định như hiện nay chúng tôi cũng phải định vị lại, làm sao để vừa giữ được công nhân vì họ gắn bó với mình bấy lâu nay, vừa làm sao cân đối được doanh thu, lợi nhuận.

GS Trần Văn Thọ* (LBC lược ghi)
—————
(*) ĐH Waseda, Nhật Bản.