Hai vợ chồng ông lão 73 tuổi đem loại măng đặc biệt đến thi Khởi nghiệp Xanh 2024

Vòng thi bán kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024, tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh dự án của các bạn trẻ đến từ 11 tỉnh, thành, còn có một dự án đặc biệt.
Đặc biệt bởi chủ dự án là 2 vợ chồng năm nay đều đã 73 tuổi, ông Lê Minh Hoàng và vợ là bà Nguyễn Thị Sang, với dự án đến từ xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, mang tên: “Măng tre bốn mùa Ba Sang Đắk Som”.
Măng mà ông bà Hoàng – Sang trồng ở đây là loại măng tre 4 mùa cho thu hoạch quang năm (4 mùa), có giống từ Đài Loan, sau khi ông bà biết có loại măng này thì tìm cách đưa về Việt Nam nhân giống, cách nay khoảng 7 năm.
Trong phần thi của mình, bà Nguyễn Thị Sang cho biết, hiện phần diện tích trồng măng của gia đình đã có khoảng 40 hec ta. Trong đó, có 21 héc ta được cấp mã số vùng trồng. Chưa tính số diện tích liên kết với nhiều nông dân ở 18 tỉnh, thành trên cả nước, từ miền Bắc, miền Trung, đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ cây măng tre 4 mùa này, dự án đã làm ra được 5 dòng sản phẩm, từ sấy khô, hấp, măng chua, kim chi, chua ngọt. Hàng tháng ông bà Sang cho ra thị trường trên dưới 30 tấn măng 4 mùa. Những sản phẩm này được bán chủ yếu ở các đại lý khu vực Tây Nguyên, Đồng Nai. Trong đó, có không ít sản phẩm đi vào thị trường ngách là các quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Thậm chí đã xuất khẩu theo kiểu xách tay qua Ấn Độ, Úc… về sản phẩm măng khô.
“Số lượng 30 tấn/ tháng như thế nhưng chúng tôi không đủ hàng cung cấp ra thị trường, vì có ngày hàng đặt lên đến vài tấn”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biết thêm, chúng tôi giờ không luộc trực tiếp từ củi mà chuyển sang điện để đốt lấy hơi nóng. Và đang chuẩn bị làm thêm hệ thống năng lượng mặt trời trong nhà xưởng sản xuất.
Bà Sang cho biết, gia đình không bón các loại phân hóa học, mà dùng phân chuồng là chính sau đó là phân vi sinh, tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Do măng trồng chỉ khoảng 4-6 tháng là thu hoạch, thời gian thu hoạch trong năm lên đến 10 tháng, nên có thể nói là quanh năm thu hái (4 mùa đều có).
“Chúng tôi đã chuyển giao giống, và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho rất nhiều người nông dân để họ phát triển thêm kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập”, ông Lê Minh Hoàng cho biết.
Chia sẻ thêm bên lề cuộc thi, ông Lê Minh Hoàng cho biết thêm, việc khởi nghiệp từ cây măng đã giúp gia đình ông có kinh tế khá giả, vì trước đó cũng trồng nhiều loại cây mà không khả quan. Bởi hiện nay, bên cạnh lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm măng, còn có lợi nhuận lớn từ việc bán giống, chuyển giao kỹ thuật cho người trồng ở khắp nơi.
Bên cạnh đó, với những cây già hàng năm loại bỏ sẽ được làm nhà, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Với những cành nhỏ (cành tăm) sẽ được cắt ra xay, nghiền thành nguyên liệu làm nấm linh chi dưới tán rừng.
Giống măng tre 4 mùa này bên cạnh việc thị trường ổn định, còn phù hợp trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất nhiễm phèn, mặn (Long An, An Giang).
Điều đặc biệt hơn, theo ông Hoàng, cây tre còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của tại nhiều khu vực đồi núi. Trồng tre lấy măng còn bảo vệ đất, chống xói mòn, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
“Tôi cũng đọc được thông tin rằng, các chuyên gia nói, trồng tre còn có tác dụng lớn trong việc hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất, bởi 1 héc ta trồng tre có thể lưu trữ lên tới 600 tấn carbon”, ông Hoàng thông tin.
Một số hình ảnh từ dự án của hai vợ chồng 73 tuổi:
Bà Sang trong phần trình bày dự án của mình tại cuộc thi
Đây là thí sinh lớn tuổi nhất trong 10 năm tổ chức Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh
Bà Sang tại gian hàng trưng bày của mình tại cuộc thi
Ông Hoàng, bà Sang bắt đầu khởi nghiệp cách đây khoảng 7 năm về cây măng tre 4 mùa

Bài, ảnh: Trần Quỳnh