Chiều ngày 25/02/2022, tại TP Cần Thơ, Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ cùng Mạng lưới Khởi nghiệp vùng ĐBSCL (MSN) phối hợp tổ chức đã khép lại với 15 dự án tranh tài.
Qua các phần thi hấp dẫn, Ban tổ chức chọn ra 6 dự án xuất sắc đạt giải. Trong đó, Dự án HALOFAI- hương vị từ đất mặn đã được trao giải nhất cuộc thi. HALOFAI là công ty khởi nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp mặn thích ứng biến đổi khí hậu có trụ sở tại tỉnh Cà Mau (được thành lập từ tháng 10/2021), chuyên cung cấp các giải pháp canh tác những loại thực vật chịu mặn, có thể sử dụng nước mặn và chất thải nuôi trồng thuỷ sản để tưới, đồng thời, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chế biến từ những thực vật chịu mặn. Các sản phẩm được HALOFAI giới thiệu, bao gồm kim chi rau nhót; thực phẩm chức năng măng tây biển và cung cấp hạt giống rau măng tây biển.
Ông Lâm Quốc Nhựt, Trưởng nhóm dự án đạt giải nhất, cho biết việc phát triển sản phẩm từ các loại cây chịu mặn, chịu hạn ngoài khắc phục những thiệt về kinh tế cho nông dân thì cũng giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc xả thải trong nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, 2 giải khuyến khích được trao cho dự án “Nước mắm cá Linh – Dì Mười” (Đồng Tháp) và “Vi tảo xử lý nước thải thủy sản” (Đà Nẵng), 1 giải ba cho dự án “Công nghệ sinh học HF” (Đồng Tháp), 1 giải nhì cho dự án “Sản xuất được trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” (Cần Thơ). Giải dự án được yêu thích nhất cho dự án “SWIO – 4S10 – Mobility as a Service – Giải pháp mua vé trực tuyến” (An Giang) và nữ doanh nhân ấn tượng cho dự án “Nước mắm cá Linh – Dì Mười” và mô hình sinh viên khởi nghiệp ấn tượng cho dự án “Vi tảo xử lý nước thải thủy sản”.
Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2021 nhận được tổng cộng 455 ý tưởng, dự án của 950 thí sinh đến từ từ các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Các ý tưởng, dự án năm nay phân đều ở các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế – chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, nông nghiệp có 191 hồ sơ, chiếm tỷ lệ cao nhất là 42%; chế biến thực phẩm có 103 hồ sơ, chiếm 22%; các giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ với 56 hồ sơ, tương đương 12%; còn lại phân bổ ở các lĩnh vực khác.
Bài, ảnh: Ngọc Bích