Hàn Quốc chuẩn bị “đổ bộ” các thị trường mới Trung Á và châu Phi

Khách tham quan thăm gian triển lãm văn hóa Turkmenistan nhân Diễn đàn Hợp tác Hàn Quốc – Trung Á tổ chức ở thủ đô Ashgabat, Turkmenistan năm 2023. Diễn đàn này sẽ được nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh từ năm 2025. Ảnh: Đại sứ quán Turkmenistan tại Seoul.

Hàn Quốc đang triển khai kế hoạch mới nhằm tiếp cận, khám phá và chinh phục thị trường tiềm năng mới ở các nước Trung Á, châu Phi và Trung Đông, bên cạnh các thị trường truyền thống gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á trong nhiều thập niên qua.

“Con đường tơ lụa mới” của Hàn Quốc

Con đường tơ lụa cổ được khai phá và hình thành từ năm 141 trước Công nguyên đến năm 1450 sau Công nguyên. Đây là con đường gắn kết thương mại và trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc cổ đại với các nước Tây Á, Trung Á, khu vực Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Các nhánh của con đường cũng rẽ ngang phía đông đến Triều Tiên và Nhật Bản, xuống phía nam đến Việt Nam và Indonesia. Tổng chiều dài của con đường trên bộ gần 6.500 km.

“Con đường tơ lụa K giữa Hàn Quốc và Trung Á” là chiến lược khai thác thị trường mới ở Trung Á. Những động thái đầu tiên gồm chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol đến ba nước trong khu vực từ ngày 10 đến 15-6 và hội nghị thượng đỉnh với năm quốc gia vùng Trung Á, với cuộc họp đầu tiên dự kiến tổ chức vào năm tới tại thủ đô Seoul.

Trong cuộc họp báo hôm 7-6, Phó Giám đốc thứ nhất về an ninh quốc gia Kim Tae-hyo nói rằng Hàn Quốc sẽ cùng năm quốc gia vùng Trung Á – gồm Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan – tổ chức phiên bản “Con đường tơ lụa K” với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2025 tại Seoul. Ông nói đây là nỗ lực mới nhất của nội các chính phủ của Tổng thống Yoon nhằm mở rộng mặt trận ngoại giao và sức ảnh hưởng của Hàn Quốc trên toàn cầu. Trong nỗ lực này, Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Châu Phi vào đầu tháng 5, và trước đó là hội nghị thượng đỉnh quần đảo Triều Tiên-Thái Bình Dương năm 2023.

Sáng kiến ​​hợp tác với Trung Á của Hàn Quốc gồm bốn trụ cột chính:  nguồn lực, hỗ trợ phát triển chính thức, trao đổi văn hóa, và thúc đẩy ngoại giao cấp chính phủ, khu vực tư và công dân. Hàn Quốc sẽ tập trung vào hợp tác phù hợp với từng quốc gia Trung Á trong các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi quốc gia. Ví dụ, Hàn Quốc sẽ tập trung vào hợp tác năng lượng và cơ sở hạ tầng với Kazakhstan, hợp tác về tài nguyên nước và du lịch với Kyrgyzstan và hợp tác về nhà máy năng lượng với Turkmenistan.

Sáng kiến ​​này phù hợp với tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của khu vực, nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên phong phú và các khoáng sản quan trọng bao gồm uranium, lithium và vonfram. Mỹ, châu Âu, Đức, Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác và gia tăng ảnh hưởng đến khu vực này.

Một quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống phát biểu: “Trung Á có cơ cấu nhân khẩu trẻ, năng động và có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Các cường quốc toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ với khu vực. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng, ở vị thế nhận được đầu tư và hỗ trợ, các nước này đôi khi cảm thấy bị áp lực hay nói thẳng ra là phải chịu một hình thức chủ nghĩa đế quốc mới. Vì vậy, cách tiếp cận của Hàn Quốc đang được các nước này hoan nghênh. Trung Á mong muốn hợp tác với Hàn Quốc trong các chương trình về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, khí hậu và kỹ thuật số”.

Theo Korea Times, một trong những tín hiệu ban đầu của chiến lược “Con đường tơ lụa K” là chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol từ ngày 10 đến 15-6 đến ba nước Trung Á – gồm Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan – để tăng cường mối quan hệ đối tác song phương và đa phương với nhóm quốc gia Trung Á có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – châu Phi diễn ra trong hai ngày 4 và 5-6. Hàn Quốc đã cam kết viện trợ cho các nước Phi 10 tỉ đô la vào năm 2030 và 14 tỉ đô la tài trợ cho công ty Hàn Quốc xuất khẩu sang châu Phi. Ảnh: Yonhap

Tìm kiếm cơ hội ở châu Phi và Trung Đông

Trước khi công bố “Con đường tơ lụa K”, Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – châu Phi trong hai ngày 4 và 5-6 tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc với sự tham dự của các phái đoàn 48 quốc gia châu Phi, trong đó có lãnh đạo cấp cao của 25 nước.

Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đã ký kết tổng cộng 47 bản ghi nhớ (MOU) và hợp đồng với 23 nước châu Phi. Trong đó, ở cấp chính phủ, Hàn Quốc ký 12 MOU về “Khung xúc tiến thương mại và đầu tư” với 8 quốc gia châu Phi, trong đó có Ghana, Malawi và Zimbabwe với mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, Hàn Quốc tuyên bố bắt đầu đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Maroc và Tanzania. Ở cấp thấp hơn, các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân của Hàn Quốc và các quốc gia châu Phi ký 16 MOU và 19 hợp đồng khác.

Trong các thảo luận song phương và tại diễn đàn thượng đỉnh, Hàn Quốc và châu Phi đã cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng và nông nghiệp đến khoáng sản và quốc phòng. Hàn Quốc kêu gọi các nước châu Phi hợp tác khai khoáng để sản xuất pin, xe điện và điện thoại thông minh, trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc về lithium, than chì và đất hiếm.

“Mặc dù có tiềm năng khổng lồ, châu Phi hiện chỉ chiếm 1-2% tổng đầu tư và thương mại của Hàn Quốc”, Tổng thống Yoon phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hàn – Phi. Ông tuyên bố sẽ mở rộng viện trợ phát triển chính thức cho châu Phi lên 10 tỉ đô la vào năm 2030, cung cấp khoản tài trợ 14 tỉ đô la cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc kinh doanh ở lục địa đen.

Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng chính của Hàn Quốc. Nhân chuyến thăm đến Saudi Arabia và Qatar tháng 10-2023 của Tổng thống Yoon, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký tổng cộng hơn 60 MOU và hợp đồng trị giá hơn 20 tỉ đô la ở các lĩnh vực dầu thô, năng lượng hydro, năng lượng mặt trời, xe tự lái, quốc phòng, không gian, thống kê, thực phẩm và sản phẩm y tế… Trước đó, tháng 11-2022 các doanh nghiệp Saudi đã ký các hợp đồng hơn 29 tỉ đô la nhân tháp tùng chuyến thăm Hàn Quốc của Thái tử Mohammed bin Salman. Đến nay, hầu hết các thỏa thuận đã được hiện thực hóa.

Theo Korea Times, Reuters

Ricky Hồ / BSA Media 

Các ngân hàng Singapore và Thụy Sĩ “tấn công” thị trường Hồng Kông