Hãng hàng không Jetstar Asia rút lui khỏi thị trường châu Á

Jetstar Asia thường chiếm hơn 10% doanh thu hàng năm của tập đoàn Qantas. Hãng bay có trụ sở tại Singapore sẽ đóng cửa sau ngày 31-7-2025. Ảnh: JSA

Jetstar Asia, hãng con của tập đoàn hàng không Qantas của Úc có trụ sở tại Singapore, sẽ đóng cửa 16 đường bay ở châu Á, chấm dứt sự hiện diện 21 năm tại thị trường hàng không trong khu vực. Hôm 11-6, tập đoàn Qantas đưa ra thông báo rằng hãng phải đóng cửa do chi phí nhà cung cấp cao, phí sân bay tăng và cạnh tranh gay gắt khiến hãng phải đối mặt với “những thách thức ngày càng lớn” trong những năm gần đây.

Qantas mô tả việc đóng cửa này là một phần của “tái cơ cấu chiến lược” nhằm hỗ trợ chương trình đổi đội máy bay của tập đoàn. 13 máy bay Airbus A320 của Jetstar Asia sẽ được điều động đến các thị trường cốt lõi “hoạt động hiệu quả hơn” là Úc và New Zealand.

16 chặng bay nội Á khai thác từ Singapore sẽ bị ảnh hưởng, với việc hãng sẽ ngừng dần các chuyến bay trong những tuần tới và ngày cuối cùng hoạt động là ngày 31-7. Các dịch vụ bị ảnh hưởng bao gồm các chuyến bay đến Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Sri Lanka, Philippines, Trung Quốc và Úc.

Qantas hoạt động ở thị trường hàng không truyền thống và giá cao, trong khi Jetstar Airways – có trụ sở tại Melbourne – lại khai thác mảng giá rẻ. Jetstar Asia mở đường bay đầu tiên từ Singapore đi châu Á vào năm 2004, với 49% cổ phần thuộc Qantas và 51% của Westbrook Investments. Jetstar Asia chiếm hơn 10% doanh thu hàng năm của tập đoàn Qantas.

Chuyên gia hàng không Ian Douglas của Đại học New South Wales cho rằng “quyết định này gây bất ngờ, nhưng đầy tính thực dụng”. Hãng bay giá rẻ đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến kết nối hàng không ở châu Á vốn có nhiều hảng bay giá rẻ cạnh tranh với nhau.

Hành khách có vé đã đặt trên các chuyến bay bị hủy sẽ được hoàn tiền. Qantas sẽ cố gắng chuyển vé sang các hãng khác, nếu có thể. Qantas nói sẽ không có thay đổi nào đối với hoạt động nội địa hoặc quốc tế của Jetstar Airways hay các dịch vụ của Jetstar Japan. Công ty sẽ tiếp tục bay vào châu Á từ Úc.

CEO Vanessa Hudson của tập đoàn Qantas nói rằng dù đã “nỗ lực hết mình”, việc tăng chi phí nhà cung cấp lên đến 200% đã “thay đổi đáng kể cơ cấu chi phí”. Trước quyết định đóng cửa, Jetstar Asia dự kiến sẽ lỗ trước lãi và thuế là 35 triệu đô la Úc (22,7 triệu đô la Mỹ). Nhân viên của công ty sẽ nhận được gói trợ cấp thôi việc và dịch vụ hỗ trợ tìm việc. Tác động trước thuế của việc đóng cửa sẽ vào khoảng 160 triệu đô la Úc.

Việc đóng cửa hãng con tại Singapore “giải phóng” dòng vốn 500 triệu đô la Úc dành cho phát triển đội bay của Jetstar Asia. Qantas sẽ dùng số tiền này tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Một số máy bay được điều chuyển đến Úc sẽ thay thế các máy bay Qantas và Jetstar Airways đang đi thuê. Số còn lại sẽ thúc đẩy việc đổi mới đội bay trong các hoạt động khu vực, bao gồm cả những máy bay phục vụ ngành tài nguyên tại tiểu bang Tây Úc.

Tại Việt Nam, Qantas đã rút lui khỏi thị trường bay nội địa tháng 7-2020, bằng cách tặng miễn phí 30% cổ phần của Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Sau chuyển nhượng, Jetstar Pacific đổi tên thành Pacific Airlines, và Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất với 99% cổ phần. Hiện Pacific Airlines có 3 máy bay Airbus 321-200 thuê từ hãng mẹ.

Jetstar Asia chấm dứt sự tồn tại, hãng hàng không Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất là VietJet Air. Hiện hãng này khai thác 7 đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đến các thành phố lớn của Úc là Melbourne, Sydney, Brisbane, Perth và Adelaide.

Hành khách từ Úc và New Zealand cũng được hưởng giá vé rẻ hơn, kết nối thuận tiện hơn đến các điểm đến Việt Nam. Từ tháng 9-2025, VietJet sẽ khai trương đường bay mới từ TP.HCM đến Auckland, với 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần.

Theo Nikkei Asia, BSA Media, Plane Spotter, JSA

Ricky Hồ / BSA Media