Hãng thực phẩm Nhật đầu tư vào startup Mỹ nhằm tìm giải pháp, cơ hội kinh doanh mới

Hãng sản xuất khoai tây chiên hàng đầu Calbee của Nhật Bản bắt đầu cuộc thám hiểm vào thế giới AI nhằm tìm ra các giải pháp và mô hình kinh doanh mới. Ảnh: Nikkei Asia

Gã khổng lồ sản xuất khoai tây chiên Calbee đang hợp tác với quỹ đầu tư mạo hiểm Pegasus Tech Ventures của Silicon Valley để đưa trí thông minh nhân tạo (AI) vào sản xuất snack (đồ ăn nhẹ).

Calbee có kế hoạch đầu tư vào các startup Mỹ, tập trugn vào các hãng công nghệ thực phẩm, nhằm giúp Calbee để phát triển các snack lành mạnh hơn, dây chuyền sản xuất hiệu quả và tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới.

“Chúng tôi chắc chắn có thể nói rằng AI sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các doanh nghiệp trực thuộc của Calbee và ngành công nghiệp thực phẩm. AI đã được triển khai trong nhiều bộ phận sản xuất, tiếp thị và giao dịch văn phòng của Calbee. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động kinh doanh của mình thông qua quan hệ đối tác với Pegasus và các startup mà chúng tôi sẽ gặp”, người phát ngôn của Calbee nói với Nikkei Asia.

Calbee cho biết vẫn còn quá sớm để tiết lộ số lượng chính xác các startup hoặc số vốn mà hãng dự định đầu tư thông qua Pegasus.

Anis Uzzaman, CEO kiêm nhà sáng lập của Pegasus Tech Ventures, cho biết Calbee đang tìm hiểu cách AI có thể được sử dụng để tối ưu hóa sản xuất khoai tây chiên và thậm chí tạo ra các công thức snack mới.

Pegasus Tech Ventures là công ty quản lý vốn đầu tư mạo hiểm giúp các tập đoàn đầu tư và hợp tác với các startup bao gồm SpaceX, Airbnb, X (trước đây là Twitter) và nhiều công ty khác.

“AI có thể giúp rút ngắn quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng cách mô phỏng thử nghiệm sản phẩm và sở thích của người tiêu dùng, thay vì dựa vào thử nghiệm trực tiếp kéo dài. Điều này có thể giúp Calbee đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh hơn”, Uzzaman cho biết.

AI cũng có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu về thói quen, khẩu vị và sở thích văn hóa của người tiêu dùng để giúp Calbee tùy chỉnh độ dày, độ giòn, độ mặn và độ cay của khoai tây chiên tùy thuộc vào các tệp người tiêu dùng và thị trường khác nhau.

Uzzaman cho biết Calbee cũng đang khám phá cách sử dụng AI để phát triển vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường hơn và giữ khoai tây chiên tươi lâu hơn.

Về phần mình, Calbee cho biết hợp tác với Pegasus là giải pháp “tốt hơn và nhanh hơn” để đạt được các mục tiêu công nghệ của mình so với việc tự mình đầu tư vào startup.

Ngoài AI, Calbee cũng đang tìm cách đầu tư vào các công nghệ thực phẩm thay thế từ thực vật và côn trùng, một xu hướng mới nổi ở một số khu vực châu Á. Và với thị trường nội địa Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, Calbee hy vọng sẽ tìm thấy các startup có thể giúp công ty tạo ra các sản phẩm mới như đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn phù hợp với đặc điểm nhân khẩu học đang thay đổi.

Calbee cũng đang tìm kiếm các startup có thể giúp công ty cải thiện tính bền vững của hoạt động và sản phẩm, chẳng hạn như công nghệ đóng gói phân hủy sinh học.

Hãng thực phẩm Nhật Bản muốn thắt chặt hợp tác với các startup nhiều hơn chỉ là nhà đầu tư đơn thuần. Calbee cũng muốn các startup thâm nhập thị trường châu Á.

Khoai tây chiên nhãn hiệu Calbee xuất hiện ở nhiều cửa hàng tạp hóa châu Á ở Mỹ. Tuy nhiên, hãng thừa nhận rằng “chưa tạo được dấu ấn đáng kể tại Mỹ”. Calbee xem việc đầu tư vào các startup Mỹ là “một cách tiếp cận đầy hứa hẹn” để phát triển hoạt động kinh doanh tại nước này.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media 

Trung Quốc buộc doanh nghiệp đưa đại diện người lao động hội đồng quản trị