Hoa nào không nên dâng cúng trên bàn thờ ngày Tết?

    (Vietnamtimes)- Nhiều chị nội trợ rất thích mua hoa tươi dâng lên bàn thờ để tỏ lòng thành kính với gia tiên. Tuy nhiên, không phải hoa nào thơm, đẹp cũng có thể bày trên bàn thờ ngày tết được.

    Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, việc dâng hoa cúng lên bàn thờ là một hành động thể hiện sự thành kính, bày tỏ sự biết ơn của gia chủ đối với các vị thần linh và tổ tiên.

    Nhiều người quan niệm, dâng hoa cúng có ý nghĩa như việc gia chủ đang dâng lên tổ tiên những điều thiện lành, tốt đẹp và công đức mà mình đã tích cóp được trong đời sống hằng ngày.

    Tuy nhiên, không phải tất cả các loài hoa đều thích hợp để bày trên bàn thờ. Chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt cho biết: “Mỗi loài hoa khi chọn dâng cúng trên bàn thờ thì gia chủ cần phải hiểu được ý nghĩa của loài hoa đó. Có thể tùy theo vùng miền, mỗi nơi sẽ có một quy tắc hoặc cách thức dâng hoa cúng lễ khác nhau”.

    Theo ông Kiệt, điều cần lưu ý đầu tiên khi chọn hoa đặt trên bàn thờ là “không cúng hoa giả, hoa nhựa”. Bởi theo quan niệm từ xa xưa thì những gì không phải đồ thật thì tương đồng với “sự giả dối”. Hoa cúng cũng biểu hiện tấm lòng thành, do đó không nên dùng lễ giả vì sẽ khiến tấm lòng chân thật bị biến đổi theo hướng tiêu cực.

    Chuyên gia phong thủy cũng nói thêm, một số loài hoa được người phương Đông, đặc biệt là người Việt Nam hay chọn để bày cúng là hoa ly, hoa loa lèn, hoa lay ơn. Tuy nhiên, những loài hoa này hầu hết đều là loại hoa ngoại lai không phải là hoa truyền thống, “không nên dùng để thắp hương”.

    Một số loại hoa không nên dâng lên bàn thờ như:

    Hoa phong lan: Là loài hoa bền đẹp, được nhiều người mua cắm thờ, nhưng dâng Phật không nên dùng phong lan, vì có nhiều màu rực rỡ, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng.

    Hoa đại: Loài hoa này tuy thơm, màu đẹp, nhưng theo một sự tích Lào, nó liên quan chuyện tình yêu trai gái nên cũng không phù hợp để thờ cúng.

    Hoa lan móng rồng: Cánh hoa giống móng của con rồng và tên gọi cũng không đẹp.

    Hoa nhài: Loài hoa mang biểu tượng trong sạch, tinh khiết. Nhưng trong dân gian lại có câu “hoa nhài cắm bãi…” nên không được đem vào cả lễ Phật, thần thánh và gia tiên.

    Hoa cúc vạn thọ: Màu sắc hoa này tươi và rất bắt mắt, nhưng vì mùi hương của hoa không được thơm nên cũng không nên dâng cúng trên bàn thờ.

    Bên cạnh đó, ông Kiệt cũng cho lời khuyên rằng không nên chọn những loại hoa có gai sắc hay có mùi quá nồng, “bởi nó thể hiện sự sát khí và làm mất đi sự thanh tịnh, trang nghiêm trên bàn thờ”.

    Khi dâng hoa trên bàn thờ ngày tết, gia chủ nên cắm hoa vào bình và để bình hoa trên một cái đĩa. Chọn hoa cúng không nên chọn những hoa đã nở to mà chỉ chọn những bông mới chớm nở.

    “Nên chọn những loài hoa có màu sắc tươi, lâu tàn, hương thơm vừa phải như hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa sen, hoa mẫu đơn. Khi dâng hoa cúng lễ Phật nên chọn hoa có màu vàng hoặc đỏ, hai màu này tượng trưng cho nhà Phật, cụ thể là hoa cúc vàng và hoa hồng đỏ.

    Trên một bàn thờ chỉ nên có nhiều nhất hai bình hoa và chỉ cúng một màu hoa duy nhất để tạo sự trang nghiêm và thanh tao cho bàn thờ gia tiên”, chuyên gia Tuấn Kiệt giải thích.


    Một số lưu ý khi cúng hoa trên bàn thờ

    Bàn thờ là nơi tôn nghiêm, trang trọng nên khi cắm hoa cũng cần tính đến sự cân đối. Không nên đặt một lọ hoa quá to trên bàn thờ nhỏ, khiến các đồ thờ cúng khác đặt trên đó bị che khuất.

    Bày hoa trên bàn thờ gia tiên ngày tết nếu kết hợp quá nhiều loại hoa cùng lúc sẽ làm giảm mất sự thanh tao, khiến bàn thờ mất thẩm mỹ.

    Lựa chọn hoa cúng phải thật kỹ lưỡng, không nên chọn những hoa đã nở to mà chỉ chọn những đóa còn nụ, mới chớm nở.

    Theo TNO