Trong các nguồn dinh dưỡng cho con người, thực vật chiếm nguồn cung cấp chủ lực, sau đó mới đến nguồn động vật.
Thực vật trở thành thức ăn cho con người có thể sắp xếp theo thứ tự số lượng nhiều đến ít hơn là từ các loại trái, hạt, lá, củ, thân và cuối cùng mới đến hoa.
Từ lâu, so với các vùng khác ở Việt Nam và có thể so nhiều nơi khác trên thế giới, người dân vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam đã chọn lựa nhiều loại hoa nhất để làm thức ăn cho mình.
Có thể kể ra hơn chục loài bông (hoa) phổ biến trong các món ăn của người dân vùng châu thổ từ các loại có sẵn khắp nơi trong vườn nhà, ruộng rẫy, bên bờ kênh, các vùng đất ngập nước, có thể kể tên như hoa chuối, hoa bí, hoa thiên lý, hoa điên điển, hoa so đũa trắng, hoa so đũa đỏ, hoa cù nèo (có nơi gọi là hoa kèo nèo), hoa lục bình, hoa hẹ, hoa rau sam, hoa cải, hoa súng tím, hoa sen hồng, hoa dâm bụt, hoa bồ công anh, đến các loại hoa cao cấp hơn như hoa atiso, hoa bắp cải (Broccoli), hoa ban, … Một số nấm (nấm rơm, nấm kim châm, nấm mối, nấm mèo, nấm chân gà,…) đôi khi cũng được xem là hoa của nấm. Các thức ăn từ hoa được chế biến thành những món ăn sống kiểu salad, trộn gỏi, xào, nấu canh, món lẩu, làm dưa chua… rất đa dạng.
Một số hoa không dùng để ăn nhưng sử dụng trong thức uống, đặc biệt được ướp với trà tạo nên những hương vị tao nhã riêng, độc đáo, kết hợp chữa bệnh, có thể kể ra như hoa sen, hoa lài, hoa cúc, hoa bưởi, hoa oải hương, hoa nghệ tây, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mộc, hoa atiso, hoa đậu biếc…
Thức ăn từ hoa không chỉ là nguồn cung cấp carbohydrate, protein, các axit béo không bão hòa, đồng thời cũng chứa nhiều vitamin E, các chất giúp chuyển hóa flavonoids… và nhất là chất xơ dồi dào ngừa một số bệnh về tiêu hóa. Các chất vi lượng trong hoa sẽ giúp chúng ta bổ sung thêm nhiều vitamin A, B, E, tạo nguồn khoáng chất như kali, canxi, natri, magiê, phốt pho cho sự cân đối dinh dưỡng. Không chỉ tạo màu sắc, hương vị cho thức ăn mà nhiều loại hoa còn là những vị thuốc nam chữa bệnh.
Có một món ẩm thực được nhiều người sành ăn ghé thăm, tạo thương hiệu cho vùng đất Gò Công, dù là các nhà hàng mở ở Hà Nội và Sài Gòn: Lẩu hoa Mekong. Lẩu hoa Mekong, xuất phát từ Gò Công, các bạn có thể sẵn sàng một bữa tiệc hoa đầy thú vị, hài hòa mọi màu sắc và hương vị của miền châu thổ Cửu Long.
Châu thổ sông Cửu Long nổi tiếng nhất vùng về sự đa dạng các loại mắm. Lẩu hoa Mekong đã sử dụng hài hòa hai loại nguyên liệu làm nên món ăn này: hoa đồng nội vùng châu thổ và cốt mắm xứ Gò Công, khéo léo tạo món ngon từ mắm còn có tôm chà và mắm cá phèn. Còn hoa thì đủ loại, đầy màu sắc vùng đồng nội ngập nước phương nam: hoa điên điển vàng ươm của vùng nước nổi lung linh theo gió mùa cá linh đổ về, hoa súng tím nổi bật trên đồng nước mênh mang, hoa so đũa trên bờ kênh ngang dọc, hoa chuối tím hồng gợi nhớ nhà lá hương quê, điểm xuyết những cọng hoa hẹ vùng nương rẫy, các loại nấm rơm cho hình ảnh các ụ rơm sau mùa lúa chín.
Hoa vừa trang trí vừa là loại rau ăn chung với các sản vật như tôm, cá basa, cá linh, ốc bươu, điểm xuyết là những trái ớt chỉ thiên màu đỏ, rau xanh thêm với các gia vị ngải bún, riềng, sả…. Cả một sự pha trộn hài hoa các vị ngọt, mặn, béo, chua, cay, đắng kích thích thị, khứu và vị giác gây ấn tượng khó quên cho thực khách.