(Vietnamtimes) – Với những số liệu thu thập trong khoảng thời gian gần đây, HSBC điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 lên 6,6% và tiếp tục kỳ vọng mức tăng trưởng cao của năm 2018.
Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC vừa giới thiệu Báo cáo Triển vọng kinh tế thị trường Việt Nam tháng 9 với chủ đề: “Tăng trưởng kinh tế vượt hơn kỳ vọng”.
Kinh tế Việt Nam trong quý III/2017 đã tăng gần 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái để đưa mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt 6,4% so với năm ngoái. Mức tăng trưởng này sắp chạm đến mức mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.
“Với những số liệu thu thập trong khoảng thời gian gần đây, chúng tôi điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 lên 6,6% và tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng năm 2018 sẽ đạt 6,4%.” Báo cáo của HSBC nêu.
Tổng hợp yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế trong quý III/2017 cho thấy nền kinh tế của Việt Nam sẽ còn duy trì mức tăng trưởng tốt ngoại trừ ngành khai khoáng. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, điểm đáng ghi nhận là những đóng góp của ngành sản xuất đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng ổn định kể từ đầu năm và đạt mức tăng cao nhất trong vòng ít nhất 10 năm qua.
Kết quả này có được là nhờ vào tăng trưởng của ngành xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với mặt hàng quần áo, may mặc và điện tử. Ngành dịch vụ cũng không ngừng góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung, thể hiện tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng đang mạnh mẽ.
Ngành sản xuất Việt Nam đã đóng góp mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thêm nữa, chỉ số mua hàng (PMI) mới nhất thể hiện đà tăng này sẽ còn có thể cải thiện khi năm 2017 sắp sửa kết thúc. Chỉ số PMI tháng 9 đã tăng từ 51,8 điểm của tháng trước lên 53,3 điểm nhờ vào đơn đặt hàng mới và việc làm cao.
HSBC kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ vẫn duy trì sức tăng mạnh trong quý IV/2017, mặc dù kết quả có thể chậm lại đôi chút do xuất khẩu mặt hàng điện tử có giảm nhẹ.
Trong khi đó, đầu tư FDI cũng tăng mạnh trong quý III/2017 và nguồn vốn này sẽ tiếp tục rót vào Việt Nam đến hết năm. Vốn đăng ký mới đầu tư FDI đã tăng 30% từ đầu năm đến nay và đạt 14,5 tỷ USD dự kiến sẽ vượt năm 2016 (hơn 15 tỷ USD).
Ngoài ra, ngành du lịch đặc biệt có kết quả rất tốt, từ đầu năm đến nay lượng khách đã tăng 30% so với cùng kỳ do số lượng khách đến từ châu Á và châu Âu tăng mạnh.
HSBC cho rằng kết quả này có được là nhờ chương trình miễn thị thực nhập cảnh mà Chính phủ Việt Nam đã dành cho 5 quốc gia ở châu Âu từ năm 2016 bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh.
Không ngạc nhiên, lượng khách từ châu Âu đến Việt Nam đã tăng 21% từ đầu năm đến nay trong khi lượng khách đến từ châu Á tăng 35%. Du khách châu Á chủ yếu là người Trung Quốc (41%) và Hàn Quốc (24%). Du lịch phát triển mạnh đã góp phần đưa ngành dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng, đặc biệt là phát triển mảng dịch vụ khách sạn, vận chuyển và dịch vụ ăn uống.
Chính vì vậy, kết quả này càng củng cố quan điểm tăng trưởng của Việt Nam sẽ khả quan cho đến cuối năm.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao đã đưa chỉ số lạm phát tăng trong hai tháng gần đây, kết thúc 6 tháng liên tục có giá cả bình ổn. Đáng chú ý, chi phí vận chuyển trong tháng 9 đã tăng từ mức 5,7% của tháng trước lên 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí chăm sóc sức khỏe đã tăng tốc chóng mặt (42,4% so với năm ngoái) do những cải cách trợ cấp chăm sóc sức khỏe. HSBC dự báo chỉ số CPI toàn phần sẽ đạt mức trung bình 3,5% cho năm 2017 và cả 2018.
Chinhphu.vn