IIBF 2024: Chuyển đổi số cuối cùng vẫn là câu chuyện tăng doanh số và tiết giảm chi phí

Chiều 12/6, IIBF 2024 tiếp tục với hai phiên thảo luận “Ứng dụng công nghệ để thúc đẩy thương mại tiêu dùng” và “Chuyển đổi FMCG bằng AI: Thông tin chi tiết, chiến lược và công cụ dành cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Phiên thảo luận “Ứng dụng công nghệ để thúc đẩy thương mại tiêu dùng” có sự tham gia của ba diễn giả là ông Phạm Hồng Sơn – Chuyên gia về Thương mại điện tử và Chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever), ông Nguyễn Hải Triều – Founder & CEO PrimeData.ai và ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) – Chuyên gia Omnichannel.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc văn phòng phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ, phát biểu tại IIBF 2024 phiên buổi chiều 12/6.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận buổi chiều IIBF ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc văn phòng phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ, cho biết 20 năm trước, khi chúng tôi nói về ứng dụng công nghệ bao giờ cũng phải ngồi chiếu dưới. Trong giới khoa học công nghệ thì họ thường ưu tiên giới hàn lâm, học thuật hơn, nên trong các diễn đàn giao lưu học thuật, chúng tôi ngồi chiếu dưới.

“Nhưng bây giờ thì khác, tất cả đều đồng thanh đề cao ứng dụng khoa học công nghệ, đó là điều hết sức đáng mừng”. Tôi còn nhớ một vị tiền bối trong ngành của chúng tôi từng nói rằng: “Chỉ có doanh nghiệp mới đi đến cùng ứng dụng công nghệ”. Giờ chúng ta mới bàn đến chuyện ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp thì thật là hơi trễ, nhưng trễ nên càng phải bàn và càng phải bàn cho tới” – ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Ông Phạm Hồng Sơn – Chuyên gia về Thương mại điện tử và Chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever), cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số cuối cùng vẫn là câu chuyện gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí. Chúng ta phải sẽ phải hỏi: bán hàng trên kênh nào để có thể gia tăng doanh số và tiết giảm chi phí lớn nhất?

Theo ông Phạm Hồng Sơn, hiện tại chúng ta có ba kênh bán hàng chính: Đầu tiên là kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa) với 70% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh này, tốc độ tăng trưởng 4-5% (thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng vẫn đang tăng trưởng dương). Thứ hai là kênh bán hàng hiện đại, là các siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 20% doanh số với mức độ tăng trưởng 10%. Thứ ba là kênh bán hàng online, dù được nói rất nhiều, nhưng hiện hiện chỉ chiếm 5%, với mức độ tăng trưởng cao 35-45%.

Về chi phí bán hàng thì kênh truyền thống vẫn có chi phí bán hàng thấp nhất, tiếp theo là kênh hiện đại, kênh online vẫn có chi phí lớn nhất chủ yếu đến từ chi phí khuyến mãi (thậm chí đang có xu hướng lạm phát khuyến mãi ở kênh này). “Lạm phát khuyến mãi đang là vấn đề đau đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở với các nước khác” – ông Phạm Hồng Sơn nói.

“Bức tranh này cho thấy, kênh bán hàng truyền thống vẫn là kênh lớn nhất, và vẫn còn tiếp tục lớn trong ít nhất 20 năm nữa. Bởi vì, thói quen của người tiêu dùng, chính sách của chính phủ, và lợi nhuận. Bức tranh này tương đối giống với các nước khác trong khu vực”- ông Phạm Hồng Sơn nói.

Ông Phạm Hồng Sơn – Chuyên gia về Thương mại điện tử và Chuyển đổi số hệ thống phân phối (Unilever) chia sẻ tại IIBF 2024.

Như vậy, chuyển đổi số sẽ liên quan như thế nào, theo ông Phạm Hồng Sơn, là làm sao để số hóa kênh phân phối và sử dụng các nền tảng (platform).

Xu hướng thứ nhất bắt đầu 8 năm trước. Từ 8 năm trước các công ty tiên phong bắt đầu giới thiệu app cho salesman (nhân viên bán hàng), những app này đã bắt đầu số hóa kênh bán hàng sau 8 năm áp dụng. Hiện có 10-15% công ty sử dụng app này trong đó công ty thành công nhất 100% doanh số của salesman đã đi qua app này. Xu hướng thứ hai là app dùng cho người mua hàng, hiện 56% cửa hàng của Việt Nam đã biết dùng các app này.

Lựa chọn của doanh nghiệp là gì? Hoặc là tự tạo ra app (platform – nền tảng) hoặc là tham gia vào các app đã có sẵn và thứ ba là kết hợp với các đối tác (partner) để xây dựng app cho mình.

Lời khuyên được đưa ra là gì? – Theo ông Phạm Hồng Sơn, đầu tiên phải trả lời được câu trả lời cho câu hỏi “where to play?” – “Bán hàng ở kênh nào?”. Thứ hai, chiến lược 4D: Define – Design – Develop – Deploy (Xác định – Thiết kế – Phát triển – Triển khai). Thứ ba, phải quản lý được tất cả các kênh bán hàng, tránh xung đột giữa các kênh. Thứ ba, tận dụng eRTM, d-Com và eB2B để làm chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Thứ tư, xây dựng đề án kinh doanh, thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số và hiện thực hóa lợi ích kinh doanh. Thứ năm, lựa chọn thông minh trong việc tự tạo, tham gia hay kết hợp với đối tác để xây dựng app cho mình.

“Ứng dụng công nghệ để thúc đẩy thương mại tiêu dùng” là chủ đề thu hut được sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp và giám đốc bán hàng các công ty.

Ông Nguyễn Hải Triều – Người sáng lập & CEO PrimeData.ai, cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 là 14,7 tỷ USD, dự kiến tăng lên 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng CAGR là 10,09% đứng số 10 thế giới và số 1 Đông Nam Á.

Quý I/2024 tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2023 với 510 nghìn nhà bán online, số đơn vị sản phẩm được tiêu thụ trên sàn là 768,44 triệu, có tổng giá trị giao dịch trên sàn là 79,12 nghìn tỷ đồng. Tính theo sàn thì Shopee chiếm 53,74 nghìn tỷ, TikTok Shop 18,36 nghìn tỷ, Lazada 6,03 nghìn tỷ và Tiki 997,06 tỷ đồng.

Doanh thu trung bình một shop trên Shopee 222 triệu đồng, TikTok Shop 151 triệu đồng, Tiki 90 triệu và Lazada 54 triệu đồng.

“Vấn đề là gì? Vấn đề là chúng ta bán được nhiều nhưng chưa chắc đã tốt, đó là vấn đề giá, phí và khuyến mại” – ông Nguyễn Hải Triều nhấn mạnh.

Một vấn đề khác, theo ông Nguyễn Hải Triều, đó là đối với các sàn thương mại điện tử đó là việc giữ chân khách hàng. Theo thống kê trung bình chỉ có 15% khách hàng thường xuyên quay lại, 25% khách hàng thỉnh thoảng quay lại, nhưng có đến 80% khách hàng đã rời bỏ, không quay lại. Đây cũng là bài toán lớn mà các cửa hàng online phải giải. “Bởi vì, có nghiên cứu nói rằng, nếu chúng ta tăng 5% khách hàng trung thành, thì chúng ta có thể tăng được đến 25%-200% lợi nhuận” – ông Nguyễn Hải Triều nói.

Ông Nguyễn Hải Triều – Người sáng lập & CEO PrimeData.ai.

“Đây là lúc data (dữ liệu) phát huy tác dụng. Việc phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng hành vi tiêu dùng sẽ giúp cho chúng ta am hiểu khách hàng, biết được nhu cầu để đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng, để khách hàng tìm đến với chúng ta, ở lại với chúng ta, trung thành với chúng ta mà không phải bỏ qua nhiều tiền ra để làm quảng cáo, khuyến mại” – ông Nguyễn Hải Triều nói.

Theo ông Nguyễn Hải Triều có năm chìa khóa để giải quyết vấn đề: 1 – Tối đa hóa quy mô (scale) với kênh online/TMĐT; 2 – Tối đa hóa lợi nhuận với khách hàng trung thành và kênh chủ sở hữu; 3 – Sở hữu năng lực am hiểu khách hàng đa kênh, đa nền tảng với CDP; 4 – Sở hữu năng lực quản trị trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng trên những phân khúc khách hàng ưu tiên; 5 – Dữ liệu khách hàng là hành trình nên cần xây dựng cơ chế và nâng tầm đội ngũ tương ứng.

Mở đầu bài nói tại IIBF 2024, ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) – Chuyên gia Omnichannel, tiết lộ, vừa rồi, tôi – ViruSs, đã bán được 98 chiếc VinFast VF3 trên nền tảng online.

Chúng ta đang ở thời đại công nghiệp tiệm cận 3.0. Việt Nam đang bám rất sát với người hàng xóm Trung Quốc vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc đang nhảy vào thị trường Việt Nam rất mạnh và họ mang kiến thức, kinh nghiệm vào thị trường Việt Nam.

“Khách hàng bây giờ họ gần như không quan tâm đến việc thương hiệu nào bán sản phẩm, mà họ quan tâm đến ai bán. Đó là thương hiệu cá nhân. Bây giờ chúng ta đều biết như Hà Linh, Quyền Leo… có thể có doanh số bán hàng cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp, cửa hàng lớn” – ViruSs nói.

Ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) – Chuyên gia Omnichannel, chia sẻ câu chuyện livestream bán hàng tại IIBF 2024.

Theo ViruSs, về mặt tâm lý, khi khách hàng vui vẻ, khi khách hàng đang relax, thì khả năng chốt đơn rất cao, đó là lý do vì sao mà khách hàng online hay chốt đơn vào buổi tối, đó cũng là lý do vì sao bây giờ xu hướng shopping & entertainment (mua sắm và giải trí) đang thịnh hành.

“Đây là thời điểm bắt buộc về kỳ vọng về lãi phải giảm” – ViruSs nói. “Chúng ta là e-Com chúng ta cần có kế hoạch dài hạn, khi nào cần bán lỗ, khi nào cần khuyến mãi và khi nào có thể tăng giá bán lời. Bởi vì, với một kênh bán hàng online, vấn đề không chỉ ở doanh số bán ra mà còn với đến ở lượng views, ở lượng sao, ở đánh giá của khách hàng… đó là chỉ số SEO. Khi chúng ta đã xây dựng được một kênh tốt rồi thì lúc đó khách hàng sẽ là của chúng ta”.

Theo ViruSs mạng xã hội và các kênh livestream bán hàng bây giờ là một kênh mang sản phẩm đến với khách hàng lý tưởng với chi phí cực thấp, thậm chí có thể nói là 0 đồng. “Những anh chị chưa làm e-Com hay lo chi phí lớn, nhưng tôi có thể tiết lộ, chi phí chỉ khoảng 40 triệu đồng để làm kênh daily (hàng ngày) – ViruSs cho biết.

Để làm e-Com vừa dễ và vừa khó. Phải tìm đúng người, tìm đúng đơn vị tư vấn, nếu không chúng ta sẽ rất dễ thất bại. “Như tôi đã nói, định giá, ghim sản phẩm như thế nào, tăng tương tác làm sao, tất cả không đơn giản” – ViruSs nói.

Diễn đàn IIBF 2024 do Hội DN HVNCLC tổ chức với sự phối hợp thực hiện và điều phối của Trung tâm BSA, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), CIO Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham dự 300 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí.

BSA Media