Johnson & Johnson (J&J) có kế hoạch tách mảng sản phẩm y tế tiêu dùng như nước súc miệng Listerine và bột phấn rôm trẻ em thành một hãng riêng. Tập đoàn dược khổng lồ sẽ tập trung vào hai mảng kinh doanh cốt lõi là dược phẩm và thiết bị y tế. Đây là lần tái cấu trúc rúng động toàn bộ nền tảng tập đoàn có lịch sử 135 năm tại Mỹ.
Động thái của J&J nối tiếp vụ chia tách tương tự của tập đoàn Toshiba tại Nhật Bản. Tập đoàn điện tử là niềm tự hào của người Nhật sẽ bị phân thành ba công ty ở ba mảng khác nhau: công ty kinh doanh điện lực và cơ sở hạ tầng, công ty thiết bị bao gồm cả phần cứng, và hãng bán dẫn dự kiến sẽ thành công ty thứ ba thuộc Kioxia Holdings, trong đó Toshiba chiếm 40%. General Electric tại Mỹ cũng phân làm ba hãng chuyên về điện, động cơ máy bay và thiết bị y tế. Sự phân chia này đang là xu hướng mới.
Các tập đoàn vốn thường không được ưa chuộng trên thị trường chứng khoán. Sự chia tách được xem là tạo ra cơ hội tối đa hóa lợi nhuận, tạo điều kiện cho cổ đông và nhà đầu tư dễ theo dõi và kiểm soát các mảng kinh doanh.
Áp lực tái cấu trúc
Vụ chia tách J&J là xu hướng mới, chia tách các tập đoàn khổng lồ đa ngành thành các công ty chuyên một hay vài sản phẩm cốt lõi. Đây là bước kế tiếp vụ chia tách tương tự của Toshiba và General Electric trong tuần này, cũng như các đối thủ khác của J&J thời gian trước đó. Những diễn biến này cho thấy các tập đoàn lớn và đa ngành đang phải chịu nhiều áp lực để đơn giản hóa hay tái cấu trúc để tập trung vào các sản phẩm hay mảng thị trường chủ lực.
Sự chia tách của J&J đặc biệt xảy ra ở mảng chăm sóc sức khỏe. Các sản phẩm như dầu gội và kem dưỡng ẩm dù ổn định thời gian nhưng bán chậm đi. Điều này khác xa với việc phát triển và tiếp thị các loại dược phẩm mang tính “bùng nổ” hay “bom tấn” của hãng như vaccine hay các loại thuốc đặc trị ung thư.
“Chúng tôi nghĩ rằng xu hướng các tập đoàn khổng lồ chia tách thành nhiều doanh nghiệp hay công ty, về mặt cơ bản rất là khác nhau”, CEO Alex Gorsky của J&J nói với Reuters.
Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng đối thủ của J&J có niêm yết trên thị trường chứng khoán thường được định giá cao hơn chi nhánh chuyên hàng tiêu dùng của J&J, Giám đốc tài chính Joseph Wolk cho biết.
“Thẳng thắn mà nói, J&J đã loay hoay lạc lối. Tương tự, tôi nghĩ tình trạng này đã cản mảng dược phẩm và thiết bị y tế được bước lên bục cao danh giá trong thời gian biến động do Covid vừa qua”, Wolk nói.
J&J cho biết tập đoàn đang đặt mục tiêu hoàn thành việc chia nhỏ trong 18-24 tháng tới với chi phí 500 triệu đến 1 tỉ đô la. Cổ phiếu của J&J, một phần thuộc chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, đã tăng 1,5% sau khi có J&J sẽ tách thành ba công ty nhỏ. Hãng dược phẩm và thiết bị y tế sẽ vẫn giữ tên J&J, và tập đoàn hy vọng rằng sẽ được miễn thuế khi chia tách này.
Giới đầu tư chờ đợi cơ hội kiếm thêm lợi nhuận
Một số nhà phân tích đã phân tích về sự thận trọng của các nhà đầu tư.
Jim Osman, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Edge Consulting Group, cho biết: “Trong lịch sử, khi thị trường được định giá đầy đủ, chúng ta nhận thấy các công ty công bố nhiều vòng quay vốn đầu tư để tìm cách tạo ra nhiều giá trị, lợi nhuận cho cổ đông. Đó là điểm mà các nhà đầu tư chú ý”.
Băng gạc cá nhân, dầu gội đầu trẻ em và các loại thuốc ho là những sản phẩm lâu đời của J&J. Và các sản phẩm tiêu dùng này dự kiến sẽ mang lại chỉ 15 tỉ đô la trong năm 2021 này. Tuy vậy, mảng thiết bị y tế và dược phẩm chuyên sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư, vaccine và dụng cụ phẫu thuật đang mang lại doanh thu khổng lồ đến 80 tỉ đô la.
Triển vọng tăng trưởng cao hơn được đưa ra bất chấp doanh số bán vaccine của J&J đáng thất vọng sau khi chậm châm hay thật bại trong đua cùng hai hãng đối thủ Pfizer và Moderna đưa vaccine Covid ra thị trường sớm.
J&J cũng đang tụt hậu so với các hãng dược khác. GlaxosmithKline và Pfizer có kế hoạch chung vốn mở hãng liên doanh sản phẩm y tế tiêu dùng trong năm tới và hãng dược Merck KGaA của Đức đã bán nhánh sản phẩm sức khỏe tiêu dùng cho tập đoàn Procter & Gamble trong năm 2018. Tập đoàn dược đa quốc gia Sanofi SA của Pháp cũng đã lên kế hoạch tách mảng hàng tiêu dùng ra khỏi tập đoàn mẹ.
Tránh né các vụ kiện tụng
“Quyết định chia tách của J&J vào lúc này là đáng ngạc nhiên, bởi chúng tôi không nhận thấy bất kỳ chất xúc tác chính nào cho động thái này. Tuy nhiên, nếu nhánh hàng tiêu dùng không còn nắm giữ hầu bao hay phần lớn doanh số sau khi đã bị chia tách, thì nguy cơ các vụ kiện đối với các sản phẩm tiêu dùng của J&J trong tương lai sẽ giảm hẳn. Như chuyện phấn rôm trẻ em có chứa chất gây ung thư amiăng chẳng hạn”, nhà phân tích Damien Conover của Morningstar phân tích.
Nhánh hàng tiêu dùng của J&J đã phải đối mặt với gần 40.000 vụ kiện đối với các sản phẩm phấn rôm trẻ em và phụ nữ có chứa chất amiăng có thể gây ung thư trung biểu mô và gây ung thư buồng trứng ở phụ nữ khi sử dụng nó để vệ sinh cá nhân – điều mà J&J luôn phủ nhận.
Hồi tháng 10, J&J đã lập công ty con riêng để xử lý các vấn đề liên quan đến các sản phẩm phấn rôm. Sau đó, công ty này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hôm 12-11, J&J thông báo quyết định chia tách tập đoàn không liên quan gì đến các vụ kiện tụng và vụ phá sản của hãng con.
Một cuộc điều tra trong năm 2018 của hãng tin Reuters cho thấy J&J đã biết trong nhiều thập kỷ rằng chất gây ung thư amiăng có trong thành phần các loại phấn dành cho trẻ em
Tập đoàn đã ngừng bán bột phấn Baby Powder tại Mỹ và Canada hồi tháng 5-2020 với lý do mà J&J cho rằng là “thông tin sai lệch” và “cáo buộc vô căn cứ” về sản phẩm làm từ bột talc như phấn nền, kem nền phấn phủ cho cả người lớn lẫn trẻ em, mặt nạ dưỡng da dạng lỏng và kem lỏng che thẹo trên da. J&J khẳng định các sản phẩm này là an toàn và thông qua hàng ngàn lần kiểm tra và hoàn toàn không chứa amiăng.
Mảng kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế của J&J cũng đã hứng chịu hàng chục ngàn vụ kiện đối với các sản phẩm như thiết bị cấy ghép DePuy và Pinnacle, sản phẩm lưới phẫu thuật và chất làm loãng máu Xarelto.
Jeff Jonas, giám đốc đầu tư tài sản thuộc hãng GAMCO Investors, cho biết mảng còn lại sau khi chia tách là dược phẩm và thiết bị y tế có thể cho phép J&J sinh lợi nhiều hơn.
“J&J sẽ không mang thêm nợ đối với công ty mới về hàng tiêu dùng, mà còn tạo ra lý lịch tài chính tốt hơn cho cả hai công ty, bao gồm đánh giá điểm tín dụng có đáng tin cậy cho nhà đầu tư rót vốn vào công ty hàng tiêu dùng hay không”, nhà phân tích Wolk nói.
Ricky Hồ / BSA
Doanh số tăng kỷ lục, Ngày Độc thân mang lại tín hiệu mới cho kinh tế Trung Quốc?