Kẻ xấu câu kết với thương lái Trung Quốc mạo danh xoài Đồng Tháp
“Lúc phát hiện mã số vùng trồng xoài của Hợp tác xã (HTX) bị mạo danh thì các vườn xoài ấy đều không có trái và HTX cũng không hề ký kết hợp đồng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc”, ông Hưng cho biết.
Mã số riêng tự dưng thành… của chung
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết vụ việc nhiều lô xoài tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ mạo danh mã số vùng trồng của HTX để xuất sang Trung Quốc, đang được UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các cơ quan hữu trách kiến nghị các bộ giải quyết để HTX và nhà vườn không bị thiệt thòi.
Theo ông Hưng, vào khoảng tháng 6, HTX bất ngờ nhận được thông tin hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu vào nước này bị nhiễm các loại sâu bệnh gây hại cây trồng. Điều nghiêm trọng là trong 220 lô xoài bị nhiễm sâu bệnh này có nhiều lô được gắn 2 mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương. Ngoài việc bị hải quan Trung Quốc phát hiện trái xoài không đạt chất lượng, những lô xoài này còn vi phạm nhiều quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật như ghi sai, ghi thiếu thông tin, giấy chứng nhận không rõ ràng…
Từ các vi phạm này, phía Trung Quốc đã tạm ngưng nhập khẩu các lô xoài từ các vùng trồng ghi trên nhãn hàng hóa và cơ sở đóng gói liên quan đến vụ việc để điều tra nguyên nhân, phối hợp khắc phục và tăng cường công tác quản lý. Trong vụ việc này, tỉnh Đồng Tháp có 2 vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương và 1 cơ sở đóng gói bị loại.
“Lúc biết tin thì không riêng tôi mà tất cả xã viên của HTX đều rất giận. HTX đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp điều tra làm rõ. Sau khi điều tra, Sở đã phát hiện nhiều doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh theo kiểu “chụp giật, mì ăn liền”, cố tình lấy mã số vùng trồng của HTX để xuất khẩu trái xoài tươi kém chất lượng sang Trung Quốc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với trái xoài được trồng theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global GAP của HTX Mỹ Xương”, ông Hưng cho biết.
Cùng cảnh ngộ cay đắng như các nhà vườn của HTX xoài Mỹ Xương là trường hợp của Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, chuyên đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Bà Đinh Kim Nhung, Phó giám đốc công ty, cho biết công ty của bà là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của khu vực ĐBSCL được cấp mã số nhà đóng gói trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để đảm bảo chất lượng cho trái xoài xuất khẩu của Đồng Tháp, từ năm 2017 Công ty Kim Nhung Đồng Tháp đã phối hợp nhà vườn, HTX xây dựng vùng trồng xoài chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ; xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo an toàn như thiết bị diệt côn trùng, nhà đóng gói. Sau đó Công ty Kim Nhung Đồng Tháp đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) công nhận đạt tiêu chuẩn và cấp mã số nhà đóng gói.
Nhưng vào tháng 7, mã số nhà đóng gói của Công ty Kim Nhung Đồng Tháp bất ngờ bị các cơ quan hữu trách Trung Quốc ngăn chặn vì có liên quan đến 220 lô xoài xuất khẩu kém chất lượng từ Việt Nam. Khi bà Nhung đi tìm hiểu thị trường thì phát hiện mã số nhà đóng gói của Công ty Kim Nhung đã trở thành “của chung”, được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái xoài ở khắp nơi sử dụng. Tìm hiểu sâu hơn, bà Nhung được biết mã số nhà đóng gói của công ty được thương lái phía Trung Quốc kêu các doanh nghiệp in lên bao bì, sản phẩm.
Trớ trêu hơn, có lần bà Nhung nhận được 1 đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc và thương lái Trung Quốc còn “tận tình” đến mức cho luôn mã số nhà đóng gói của chính Công ty Kim Nhung để… in lên sản phẩm xuất khẩu.
Mã số chỉ người được cấp mới biết, sao là “của chung”?
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, hiện nay toàn tỉnh có 110 mã số vùng trồng cây ăn trái và 13 mã số nhà đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, 23 mã vùng trồng trái cây xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia châu Âu, do Cục BVTV cấp. Tổng diện tích của các vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số là hơn 4.000 hecta, riêng HTX xoài Mỹ Xương có gần 1.000 hecta trồng xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P.
Tuy nhiên, việc 2 mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương và 1 mã số nhà đóng gói của Công ty Kim Nhung bị người khác đánh cắp, sử dụng vô tội vạ đã làm ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến uy tín, thương hiệu và chất lượng trái xoài Cao Lãnh mà hàng ngàn nhà vườn, các doanh nghiệp, cơ quan hữu trách và UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhiều năm gây dựng.
Ông Đỗ Văn Tới, người trồng 300 gốc xoài cát xuất khẩu ở huyện Cao Lãnh, cho biết sau nhiều năm trái xoài Cao Lãnh trong tình cảnh “được mùa, rớt giá”, từ khi xây dựng vùng trồng xoài an toàn, chất lượng cao để đưa trái xoài xuất khẩu sang các thị trường khó tính ở các quốc gia châu Á, châu Âu, Mỹ… thì cuộc sống nhà vườn ngày càng khấm khá. Nhưng sau khi biết tin mã số vùng trồng xoài của riêng HTX Mỹ Xương bị sử dụng làm “của chung”, thì nhà vườn ai cũng bức xúc.
“Những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, đánh cắp công sức, mồ hôi nước mắt của nhiều người để hưởng lợi trước mắt, bất chấp những hậu quả lâu dài làm ảnh hưởng đến trái xoài Cao Lãnh nói riêng và trái cây các tỉnh miền Tây nói chung, thật vô đạo đức. Những người này cần phải bị các cơ quan hữu trách xử lý nghiêm, nếu không sau trái xoài sẽ còn nhiều loại trái cây xuất khẩu khác bị họ lợi dụng, phá hoại”, ông Tới nói.
Theo ông Hưng, cho đến nay vẫn chưa xác định các doanh nghiệp đã đánh cắp mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương và mã số nhà đóng gói của Công ty Kim Nhung. Tuy nhiên, phía Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi Cục BVTV về việc trái xoài Đồng Tháp bị xoài ở địa phương khác mạo danh. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Cục BVTV phải có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để đảm bảo quyền lợi của nhà vườn và doanh nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, kiến nghị bộ này sớm ban hành quy định về cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng cây ăn trái, mã số nhà đóng gói bảo đảm tính chặt chẽ, uy tín, chất lượng cho trái cây Việt Nam nói chung và trái xoài Đồng Tháp nói riêng. Bộ NN-PTNT cần sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định, biện pháp chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm về mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói.
Bộ NN-PTNT cần phối hợp Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường quản lý trái xoài và các loại trái cây khác khi xuất khẩu sang thị trường EU, Trung Quốc. Tại địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN-PTNT, Công an tỉnh, Cục QLTT, Cục Hải quan theo dõi tình hình cụ thể, rà soát làm rõ các hành vi vi phạm mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
Theo nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp, mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói là bí mật, chỉ có doanh nghiệp được cấp mới biết, vậy tại sao 2 mã số vùng trồng và 1 mã số nhà đóng gói của tỉnh Đồng Tháp lại được nhiều doanh nghiệp khác biết, sử dụng như “của chung” gây tác hại không lường.
“Tui nghĩ đã đến lúc Bộ NN-PTNT, Cục BVTV cần xem xét kỹ lại nội tình, điều tra làm rõ vì sao lộ lọt thông tin của doanh nghiệp và xử lý nghiêm vụ việc này. Có như vậy nhà vườn chúng tôi mới an tâm trồng cây trái chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, không quay lại cảnh “được mùa, dội chợ, rớt giá” rồi phải kêu gọi mọi người chung tay giải cứu, ám ảnh lâu nay”, ông Tới nói.