Hãng sản xuất thực phẩm 115 tuổi đời của Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu với sản phẩm bột ngọt. Các loại gia vị và nước sốt của Ajinomoto gặp khó khăn trong tiêu thụ trên toàn cầu do các nhà hàng lớn nhỏ bị đóng cửa trong suốt các đợt phong tỏa dài. Thế nhưng, Ajinomoto lại đạt lợi nhuận bất ngờ với sản phẩm màng phim (ABF) sử dụng trong ngành công nghệ chip bùng nổ suốt hai năm qua.
Các nhà phân tích luôn đặt các câu hỏi: Liệu Ajinomoto có ăn may hay không? Và liệu tập đoàn có thể tiến xa và nhanh hơn nếu họ thoát khỏi nền tảng hay mảng kinh doanh cốt lõi là gia vị và thực phẩm?
Bất ngờ từ chất bán dẫn
Shigeo Nakamura, người đứng đầu bộ phận sản phẩm hóa học của công ty, cho biết: “ABF nằm trong hầu hết các máy tính để bàn và máy tính xách tay. Đây là một hỗn hợp mỏng được sử dụng để gắn bộ vi xử lý vào một lớp cơ sở được gọi là chất nền, tạo thành một phần của con chip và kết nối chip với bo mạch chủ kết nối chip với bo mạch chủ và bảo vệ bo mạch khỏi bị hư hại”.
Chất nền ABF được sử dụng rộng rãi trong các chip điện toán công suất cao được tìm thấy trong vệ tinh, trạm khuếch sóng 5G và xe tự lái. Dịch Covid khiến nhu cầu máy tính và thiết bị công nghệ gia tăng, gây tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn. Doanh số của Ajinomoto có thể đạt cao hơn nếu khách hàng của hãng có thể mở rộng quy mô sản xuất nhanh hơn nữa.
Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực. Cổ phiếu của Ajinomoto đạt mức giá cao nhất trong năm năm qua. Doanh thu của hãng trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2021 là 1.071 tỉ yen, tức 9,2 tỉ đô la. Mảng kinh doanh bao gồm điện tử và chăm sóc sức khỏe chiếm 23% tổng lợi nhuận hoạt động gần 113 tỉ yen, gần 1 tỉ đô la của Ajinomoto.
Nhà phân tích Makoto Morita thuộc hãng chứng khoán Daiwa Securities nói: “Mọi công ty cần thường xem xét lại danh mục đầu tư kinh doanh. Đây là trường hợp đặc biệt của các hãng thực phẩm Nhật Bản, vốn đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm tại thị trường nội địa”.
Morita mong muốn Ajinomoto tái cấu trúc danh mục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông, các tập đoàn thực phẩm toàn cầu như Nestle, Danone và Unilever thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập hơn các công ty cùng ngành ở Nhật Bản. “Ajinomoto có thể làm được nhiều hơn thế”, Morita nói.
Cơ sở khách hàng ngày càng mở rộng
Hầu hết ai cũng ngạc nhiên khi nghe nói đến mảng chất bán dẫn của Ajinomoto.
“Khách hàng ở Nhật Bản và nước ngoài thường hỏi tôi rằng tại sao Ajinomoto lại tham gia vào lĩnh vực điện tử”, ông Nakamura kể với Nikkei Asia. Tốt nghiệp ngành kỹ sư sinh học, Nakamura là một trong những nhà phát triển ban đầu của ABF trong thập niên 1990.
Trong hơn một thế kỷ, Ajinomoto đã sản xuất thực phẩm bao gồm gia vị, nước súp, bột súp và thực phẩm đông lạnh. Ngày nay, hãng sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như mía và khoai mì để làm gia vị. Nhưng trong một số giai đoạn lịch sử của tập đoàn, Ajinomoto đã tạo ra các sản phẩm thông qua tổng hợp hóa học và sản xuất hàng loạt. Bộ phận nghiên cứu hóa học của hãng là một trong những nơi có nhiều nhân viên nhất. Khi Ajinomoto ngừng các hoạt động sản xuất dựa trên hóa học vào năm 1973, các nhà nghiên cứu của hãng quyết định làm một điều gì đó mới mẻ.
Rõ ràng là hãng thực phẩm không thể sản xuất vật liệu bán dẫn và thuyết phục các hãng chip mua sản phẩm của họ. Loại vật liệu như vậy cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu, chẳng hạn như độ bám dính tốt và khả năng chịu nhiệt cũng như không dẫn điện. Kế đến là phải rẻ và dễ xử lý. Các sản phẩm hóa học đáp ứng các yêu cầu này đã được tìm thấy trong quá trình nghiên cứu về protein và amino acid – các thành phần gia vị chính. Rất ít người chờ đợi hay tin rằng Ajinomoto sẽ tạo ra vật liệu bán dẫn.
Ra mắt vào năm 1999 và giành được những khách hàng đầu tiên, tốc độ phát triển của mảng ABF rất nhanh chóng. Ajinomoto không tiết lộ người dùng cuối của mình, nhưng chất nền ABF được sử dụng trong các bộ vi xử lý của Intel và Advanced Micro Devices.
Doanh số bán hàng bình ổn, không có đột biến từ năm 2008 – 2016, một phần do ABF không được sử dụng trong chip cho smartphone – vật dụng không rời xa của rất nhiều người trong thế kỷ 21. Nhưng dịch Covid đã làm bùng phát nhu cầu về máy tính cá nhân (PC) khi khi cả thế giới buộc phải ngồi nhà, học tập và làm việc từ xa. Nhu cầu về ABF tiếp tục được thúc đẩy bởi việc xây dựng gấp rút các trung tâm dữ liệu cho điện toán đám mây và các trạm tiếp phát sóng 5G.
“Trước đây, chúng tôi chỉ có các nhà sản xuất PC là khách hàng. Giờ đây, chúng tôi có tệp khách hàng rộng hơn nhiều”, Nakamura nói. Nhà máy của công ty ở Gunma nằm về phía bắc Tokyo thuận lợi trong việc mở rộng. Hiện nhà máy đang hoạt động một ca duy nhất và có thể tăng gấp đôi sản lượng khi tăng ca.
Unimicron là hãng sản xuất bảng mạch in của Đài Loan, một trong những khách hàng lớn của Ajinomoto. Dự kiến, Unimicron sẽ đầu tư 2,56 tỉ đô la để mở rộng năng lực sản xuất chất nền ABF trong kế hoạch 2021-2023. Hãng này đã ký hợp đồng với Ajinomoto đến năm 2025.
Nhờ những khách hàng như Unimicron, Ajinomoto dự kiến lượng hàng ABF xuất xưởng sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm năm đến 2024.
“Sản phẩm đầu kéo”
Cổ phiếu của Ajinomoto đã tăng 80% trong vòng ba năm qua. Những người từng chê bai về sự chậm chạp trong đổi mới của Ajinomoto giờ lại tung những lời khen có cánh. “Vượt qua cả mọi mong đợi”, nhà phân tích Naomi Takagi của hãng chứng khoán SMBC Nikko Securities hồi tháng 6 rồi nói về triển vọng của Ajinomoto trong cả năm 2021.
Các nhà đầu tư đã tập trung vào triển vọng cho phân khúc phi thực phẩm của hãng, các doanh nghiệp khác nhau trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bao gồm chất lỏng được sử dụng trong thuốc tiêm tĩnh mạch, vật liệu để nuôi cấy tế bào và sản xuất thuốc theo hợp đồng. Và quan trọng hơn là ABF.
“Chúng tôi kỳ vọng mảng phi thực phẩm sẽ chiếm 60% mức tăng lợi nhuận trong ba năm tới. Phân khúc này sẽ là đầu kéo chính cho thu nhập của toàn bộ tập đoàn”, nhà phân tích Hiroshi Saji của Mizuho Securities cho biết.
Niềm tin này là chiếc phao cứu sinh cho CEO Takaaki Nishii nắm quyền điều hành kể từ năm 2015. Trong bốn năm đầu tiên của mình, Nishii đau đầu với tình trạng giá cổ phiếu lao dốc và sự không hài lòng của nhà đầu tư, khi kế hoạch mở rộng ra nước ngoài do người tiền nhiệm Masatoshi Ito bắt đầu dần tan rã.
Ajinomoto từ lâu đã nuôi tham vọng sánh ngang với những gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu như Nestle. Dưới thời Ito, tập đoàn đã thực hiện nhiều giao dịch khủng nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài.
Ajinomoto đã thực hiện một loạt thương vụ mua lại ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013 – 2017. Tại Mỹ, Ajinomoto mua nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh Windsor Quality Holdings với giá khoảng 800 triệu đô la vào năm 2014. Tại Nam Phi, hãng mua lại hãng thực phẩm Promasidor với giá 532 triệu đô la vào năm 2016. Tại Nhật Bản, tập đoàn đã chi 245 triệu đô la vào năm 2015 để biến hãng liên doanh nước giải khát Ajinomoto General Foods thành sở hữu 100% vốn.
Nhưng nhiều thương vụ M&A ở nước ngoài không thành công, khối tài sản ở nước ngoài teo tóp hoặc mất trắng trong năm 2019. Niềm tin của nhà đầu tư vỡ vụn.
Tháng 11-2018, Nishii đột ngột tuyên bố chuyển sang các loại tài sản có giá trị và gọn nhẹ, báo hiệu rằng công ty sẽ cơ cấu lại các hoạt động không có lãi và tập trung vào các lĩnh vực đầy hứa hẹn như ABF.
Các nhà đầu tư đã nghi ngờ. “Ban quản lý hiện tại có khả năng thực hiện chiến lược? Làm thế nào mà ban lãnh đạo mới có thể tái cấu trúc tập đoàn? “. Một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi trong buối họp báo cáo thu nhập tháng 1-2019.
Ajinomoto nhận ra những đối thủ mạnh họ phải đương đầu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài.
Ở thị trường nước giải khát, cà phê hòa tan của họ phải đối mặt với thách thức từ Nestle. Trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh, Ajinomoto buộc phải bám sát hãng thực phẩm hàng đầu trong nước là Nichirei. Trong khi ở mảng gia vị và đồ khô, các nhà theo đuổi nhà lãnh đạo trong nước là Nichirei, trong khi ở thực phẩm khô, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các sản phẩm mới bên cạnh thương hiệu Knorr đã nổi tiếng lâu đời.
Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Brazil đã trở thành những thị trường nước ngoài quan trọng của Ajinomoto. Nhưng ngay cả tại các thị trường này, Ajinomoto đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các hãng có mặt tại địa phương. Lợi nhuận của tập đoàn đã suy giảm trong thập niên qua.
Nhà phân tích Morita của Daiwa cho biết: “Ajinomoto cần đưa ra một mô hình tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh thực phẩm của mình, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài”.
Thoát khỏi ám ảnh “bột ngọt có hại”
Ajinomoto đặt mục tiêu là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh thực phẩm qua các loại thực phẩm lành mạnh. Bột ngọt – hay MSG – có thể bị loại bỏ trong một số quý – đặc biệt là ở Mỹ – vì có hại. Nhưng Ajinomoto nói rằng không chỉ an toàn mà MSG thậm chí còn tốt cho sức khỏe. Được sử dụng để thay thế một phần cho muối, đặc biệt là trong các bữa ăn có chứa protein như thịt, bột ngọt có thể làm giảm lượng natri – một chiến dịch quảng cáo của hãng nhấn mạnh.
Taro Fujie, tổng giám đốc phụ trách sản phẩm thực phẩm, cho biết: “Ajinomoto muốn thương hiệu của mình đồng nghĩa với bớt mặn, ít muối hơn. Chiến dịch này trước tiên phải thành công ở Nhật Bản. Nếu thành công thì chúng tôi có thể áp dụng ở các thị trường khác”. Năm 2018, Ajinomoto đã chi 10 triệu đô la cho chiến dịch “bột ngọt là an toàn”.
Một chiến dịch khác khuyến khích mọi người tiêu thụ nhiều đạm hơn. Fujie cho biết chế độ ăn không đủ protein là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi. Ajinomoto đã bán ra loại nước ngọt dạng bột có hàm lượng protein cao Prottie tại Philippines và Thái Lan.
Cũng tại Thái Lan, Birdy – loại cà phê đóng lon nổi tiếng của Ajinomoto – ban đầu được dành cho những người lái xe tải cần caffeine để tỉnh táo khi lái xe. Birdy khá ngọt. Ngày nay, Ajinomoto bán các phiên bản có hàm lượng đường thấp hơn hoặc không có đường để thu hút nhiều khách hàng quan tâm đến sức khỏe hơn, bao gồm cả phụ nữ.
Fujie nói: “Bạn càng giàu có, bạn càng phải cẩn thận hơn với thực phẩm bạn ăn và sức khỏe của mình”.
Ông Nakamura nói rằng Ajinomoto cảm thấy thoải mái khi có các hoạt động bao gồm tất cả mọi thứ, từ cà phê hòa tan đến sản xuất thuốc theo hợp đồng cho đến nguyên liệu chip.
“Chúng tôi có nhiều loại hình kinh doanh đa dạng. Đó là thế mạnh của chúng tôi”, ông nói.
Đối với nhà phân tích Morita của Daiwa, điều đó thậm chí còn đơn giản hơn. Ajinomoto là một công ty dựa trên công nghệ amino acid: “Ở một khía cạnh nào đó, Ajinomoto có thể là một công ty hóa chất hơn là một công ty thực phẩm. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu mảng phi thực phẩm chiếm một nửa lợi nhuận trong tương lai”.
Và con đường từ tỉ lệ 23% lên quá 50% lại có vẻ không quá xa với hãng gia vị hơn một thế kỷ tuổi đời. Bởi mọi người vẫn cần gia vị và bởi dịch Covid sẽ chưa chắc sẽ suy thoái thành cúm mùa sau Omicron.
Ajinomoto Co. Inc. thành lập năm 1908 như công ty con của hãng dược Suzuki Pharmaceutical thành lập một năm trước đó bởi hai nhà sáng lập Saburosuke Suzuki II và Kkunae Ikeda. Công ty con thành lập nhằm mục đích bán sản phẩm MSG do Ikeda – giáo sư ngành hóa tại Đại học Hoàng gia Tokyo – phát minh và giữ bản quyền. Tháng 4-1909, sản phẩm của giáo sư Ikeda chính thức có thương hiệu Aji-no-moto.
Ajinomoto là một chứng minh cho khả năng tái tạo hay đổi mới của doanh nghiệp Nhật Bản. Giống như Fujifilm đã chuyển mình từ một hãng sản xuất phim chụp hình thành gã khổng lồ về dược phẩm, hay như Olympus tự biến mình từ một nhà sản xuất máy ảnh đang gặp khó khăn trở thành nhà sản xuất ống nội soi hàng đầu. Hoặc như Panasonic và Hitachi bỏ hẳn mảng sản xuất tivi để chuyển sang công nghệ phần mềm, cung cấp giải pháp doanh nghiệp trong thời công nghệ số và Internet vạn vật (IoT)…
Ricky Hồ / BSA Media