Khóa học “Am hiểu & Thích ứng”: Hướng dẫn doanh nghiệp Việt vượt sóng thị trường

Trong hai ngày 30 và 31/5, hơn 30 học viên đến từ hơn 20 doanh nghiệp đã tham gia khóa đào tạo chuyên sâu: “Xây dựng và quản trị hệ thống phân phối hiệu quả trong bối cảnh thị trường nhiều biến động”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (DN HVNCLC) tổ chức.
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Am hiểu & Thích ứng” do Hội DN HVNCLC thiết kế cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hệ thống phân phối và trade marketing, nhằm giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực thích ứng và phát triển bền vững giữa những thay đổi không ngừng của thị trường.
Tại khóa học, chuyên gia Đinh Công Trí, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối và trade marketing đã trình bày ba nhóm nội dung trọng tâm.
Đầu tiên là đánh giá tiềm năng thị trường, theo ông Trí chia sẻ phương pháp phân tích và dự báo tiềm năng các kênh phân phối, đặc biệt là các kênh hiện đại, thông qua các chỉ số như thị phần, độ phủ và độ lan tỏa.
“Với các doanh nghiệp hạn chế nguồn lực, cần có cách tiếp cận linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo tính thực tiễn”, ông Trí nói.
Thứ hai là xây dựng mô hình phân phối phù hợp. Tại đây, các học viên được hướng dẫn cách lựa chọn mô hình phân phối hiệu quả, từ hệ thống bách hóa, cửa hàng lớn, vừa, nhỏ đến các kênh phân phối mới, và đánh giá khả năng mở rộng hoặc chuyển đổi mô hình theo tiềm năng thị trường.
Thứ ba là lập kế hoạch kinh doanh dài hạn. Điều này, theo ông Trí cần có chiến lược dài hạn từ 5 đến 10 năm, được xây dựng trên cơ sở dự báo xu hướng thị trường và mô hình phân phối. Muốn có điều này, ông Trí nói rằng, các doanh nghiệp cần thiết lập các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn để đảm bảo sự gắn kết và phát triển bền vững.
Trong phần thảo luận, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ ngay tại chỗ những gì họ áp dụng trong việc vận hành, đẩy mạnh hệ thống phân phối của mình.
Đại diện từ Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, họ bắt đầu bằng việc xác định quy mô lý thị trường, kiểm tra, từ đó sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, kết hợp làm việc trực tiếp với các bên liên quan như nhà cung cấp và vận chuyển…
Đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại Thái Bình cho rằng, họ chú trọng khảo sát thị trường quốc tế, so sánh dữ liệu với đối thủ để xác định mục tiêu thị phần và lập kế hoạch tăng trưởng dựa trên năng lực đội ngũ bán hàng.
Còn đại diện đến từ Công ty TNHH SX – TM VPP Trần Vĩnh Phát nói, họ triển khai khảo sát thị trường tại các tỉnh lân cận, đánh giá tiềm năng phân phối sản phẩm thủ công dành cho học sinh, đồng thời phối hợp bộ phận bán hàng để mở rộng hiện diện sản phẩm tại thị trường mới.
Đại diện Công ty CP thương mại Dược Nam Hà cho hay, hiện đã phủ tới 80–90% thị trường tại nhiều nơi. Do đó, công ty hướng đến mở rộng thị phần tại các địa phương mới như Bình Dương, thông qua phân tích dữ liệu từ thị trường tương đồng như Đồng Nai và đánh giá độ phù hợp của sản phẩm để dự báo các thị trường.
Một số hình ảnh tại khóa học:

Bài, ảnh: Trần Quỳnh