Khởi nghiệp bằng tư duy giải quyết cái thị trường đang cần

503
“Tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn khởi nghiệp là “Chúng ta hãy khởi nghiệp bằng tư duy giải quyết vấn đề cho người khác, cho thị trường cho ngành nông nghiệp bởi ngành nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều vấn đề cần giải quyết”” – ông Trần Anh Tuấn, GĐ Điều hành Công ty Tư vấn Pathfinder.
Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, tài sản lớn nhất chính là trí tuệ, chất xám. Đây là tài sản vô hình. Do vậy, cần phải phát huy tối đa để tạo được giá trị nhất định cho dự án kinh doanh.
Khởi nghiệp cần tư duy thiết kế mới để tái tạo và tăng trưởng kinh doanh, tìm vấn đề, nhu cầu của thị trường để giải quyết thay vì bán thứ mình đang có và người khác cũng có. Đây là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn, GĐ Điều hành Công ty Tư vấn Pathfinder dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp SKC của Trung tâm BSA.
Phát huy tài nguyên vô hình “chất xám”
Startup cần nhìn điểm mạnh, điểm yếu, giá trị của hệ sinh thái sản phẩm liệu đã ổn hay chưa, nguồn lực, tiềm năng lớn cỡ nào để kêu gọi đầu tư hay mở rộng thị trường để có doanh số lớn. Từ việc tự đánh giá đó, khởi nghiệp sẽ xác định được mạnh hay yếu. Thông thường những hạn chế về tư duy sản phẩm là dễ nhận thấy nhất. Liệu sản phẩm có thu hút thị trường để nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp khởi nghiệp hay không, rồi khách hàng họ muốn mua sản phẩm này không, làm thế nào chúng ta kiểm định được là sản phẩm mình làm ra tốt, thu hút và đáng giá với người tiêu dùng? Đây chính là những vấn đề về tư duy thiết kế, là tư duy dẫn dắt được ông Trần Anh Tuấn nhắc tới.
Chúng ta khởi nghiệp thật ra không có nhiều tiền, chỉ có trí tuệ, niềm đam mê, do đó các bạn khởi nghiệp cần làm sao đó để phát huy hết chất xám thật là giỏi để có sở hữu trí tuệ. Nếu gọi vốn, các startup phải định giá tài sản vô hình này. Nếu không có những sáng chế, không có công thức đặc biệt, chỉ đi lấy sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu ra để bán thì đó không phải là khởi nghiệp về tài nguyên. Chúng ta nói khởi nghiệp tài nguyên bản địa nhưng phải nâng tầm nó, phải tạo ra được giá trị nhất định. Đây là cái lớn nhất mà người khởi nghiệp phải làm được, nếu chúng ta tạo ra những thứ mà người khác không cần, có nghĩa là việc khởi nghiệp đó không có giá trị, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về bốn yếu tố giúp tăng trưởng trong tư duy thiết kế, người khởi nghiệp phải chứng minh cho nhà đầu tư về quy mô thị trường, có khả năng phân phối lượng hàng hóa lớn, tỷ suất lợi nhuận gộp phải cao và phải tạo được hiệu ứng mạng lưới. Thí dụ, grab khởi nghiệp với xe hơi, xe máy công nghệ, khi họ tạo ra được cộng đồng lớn, nhiều người dùng ứng dụng grab thì có nhiều nhà cung cấp đầu tư theo như grab giao đồ ăn, grab giao hàng… cộng đồng lớn lên sẽ có cộng đồng khác lớn theo. Trên mạng lưới khởi nghiệp, nếu người khởi nghiệp tạo ra được nhiều đối tượng cùng tham gia và tạo ra được nhiều giá trị thì giá trị khởi nghiệp càng lớn. Hiện nay, hiệu ứng mạng lưới chính là hạn chế lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp do các startup không ứng dụng được công nghệ.
“Thấu cảm” dẫn dắt khởi nghiệp
Làm sao tạo ra được sản phẩm phù hợp với thị trường? Điều này tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ khó. Nhà đầu tư có quyết định làm việc với mình hay không chỉ khi họ nhận thấy sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không. Có nghĩa là người khởi nghiệp phải chứng minh, tìm ra thị trường đủ lớn và sản phẩm làm ra là tốt nhất, mô hình kinh doanh có thể mở rộng. Như vậy, startup cần chứng minh được nguồn nhân lực, hạ tầng và tất cả những cái tài nguyên khác có đáp ứng được hay không. Thông suốt được những vấn đề này thì chắc chắn khởi nghiệp sẽ nhìn ra được lý do vì sao bị kẹt ở thúc đẩy tăng trưởng.
Tư duy thiết kế kinh doanh bắt nguồn từ câu chuyện là trước đây, các bạn khởi nghiệp nhìn từ trong ra, công ty có gì mạnh, có gì để bán.Tuy nhiên hiện nay, tư duy mới là nhìn từ ngoài thị trường vào trong. Khách hàng chúng ta là ai, chúng ta có thấu cảm được mong muốn của họ hay không. Thấu hiểu và cảm thông là các bạn phải biết được khách hàng nghĩ gì, họ cảm nhận như thế nào, mong đợi gì và doanh nghiệp đáp ứng được sản phẩm cho họ ra sao. Do đó, thấu cảm sẽ là câu chuyện dẫn dắt của marketing, của khởi nghiệp trong giai đoạn tới.
“Người khởi nghiệp ở Việt Nam quen lấy tài nguyên của quê hương mang đi bán chứ không rõ là giải quyết được điều gì cho thị trường, tạo giá trị gì. Việc đổi mới sáng tạo của các startup không rõ ràng, giá trị sản phẩm thấp và không tạo được sự hấp dẫn, thu hút,” chuyên gia Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo lần 8 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA tổ chức với tổng giá trị giải thưởng hơn 600 triệu đồng.
Tư duy giải quyết vướng mắc
Việc này có gì khó khăn? Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, xu hướng hiện nay là người khởi nghiệp cần đi tìm vấn đề của thị trường để giải quyết.Lời giải của bài toán này chính là giải pháp hoặc sản phẩm làm ra. Lấy thí dụ về công ty Vinamit, ông Tuấn cho rằng, cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Lâm Viên đưa ra sản phẩm mít sấy dạng snack phục vụ ăn vặt, ăn chơi, chống đói… nhưng đến nay, ông Lâm Viên đã cho ra sản phẩm mới cũng từ mít, đó là sản phẩm vì sự sống. Bản chất 2 tư duy này khác nhau bởi tư duy trước đây, vị CEO của Vinamit cần sản phẩm để kinh doanh, để kiếm tiền nhưng qua câu chuyện gần đây, tư duy của ông Lâm Viên đã nâng lên tầm cao mới khi ông đi tìm vấn đề của nền nông nghiệp Việt, nhu cầu của thị trường để giải quyết, mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, vi sinh để nâng tầm sự sống của con người. Tư duy lúc này là để giải quyết vấn đề, chứ không còn là tư duy kiếm tiền lớn nữa.
Hiện nay, vấn đề kinh doanh hay marketing chỉ có 3 yếu tố.Thứ nhất, startup đi tìm nhu cầu, ước muốn của khách hàng. Thí dụ, sản phẩm gia vị bún bò YesHue sử dụng 5 công nghệ chế biến, không chất bảo quản nhưng giữ được hơn 1 năm, chất lượng tương đương tô bún bò Huế ở nhà hàng, ăn như dạng mỳ gói nhưng chất lượng tươi như tô bún tươi. Như vậy đã thỏa mãn nhu cầu khao khát của giới trẻ trong thời gian tới do không có nhiều thời gian, nhưng vẫn có được tô bún bò vừa ngon vừa tiện lợi.
Thứ hai, startup là người đi tìm vướng mắc, nỗi đau của người khác và giải quyết theo cách đặc biệt nhất. Cuối cùng là lý thuyết mới nhất của đại học Harvard, dành cho những người muốn sáng tạo ra sản phẩm mang tính đột phá. Đó là hãy dùng tư duy để giải quyết những công việc mà khách hàng cần ưu tiên thực hiện.
Chính tư duy thiết kế, khả năng hình dung của chúng ta đã tạo ra sản phẩm, tạo ra mô hình kinh doanh chứ không phải là cái gì khác. Giấc mơ của khởi nghiệp lớn như thế nào, có tầm nhìn xa thì sẽ dễ thành công hơn nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc và khả thi, phải chứng minh được tài năng để từ đó có nguồn năng lượng tốt cùng với đó là trí sáng tạo.
Theo ông Tuấn, động lực của đổi mới sáng tạo có 3 yếu tố là công nghệ, nền tảng platform và yếu tố khách hàng. Trên thế giới hiện nay, tư duy thiết kế mới của những người khởi nghiệp là xây dựng và thiết kế luôn về tầm nhìn và sứ mệnh. Vậy nên, các bạn khởi nghiệp hãy biến mô hình, ý tưởng đủ sức hấp dẫn đầu tư. Khách hàng chắc chắn không muốn mua những thứ mà họ không cần.