Lãng phí thực phẩm đang góp phần mở rộng cuộc khủng hoảng bãi rác tại Việt Nam.
Việt Nam có 904 bãi chôn lấp, trong đó có 725 bãi (khoảng 80%) không hợp vệ sinh – theo số liệu của Bộ Tài nguyên & môi trường cuối năm 2022. Một vài nguồn dữ liệu khác nói số bãi rác lên đến 1.000. Việc chôn lấp tại bãi rác vẫn là phương pháp được “ưa chuộng” tại các thành phố lớn của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng rác thải sẽ trở nên tồi tệ hơn khi những núi rác ngày càng lớn và không gian dành cho các bãi chôn lấp ngày càng nhỏ.
Tổng lượng thực phẩm thất thoát từ chuỗi cung ứng Việt Nam tương đương 60% lượng chất thải rắn. Các bãi rác ở các đô thị lớn nhỏ tại Việt Nam không ngừng mở rộng với công nghệ xử lý và đốt rác chưa đạt mức tối ưu đang là nguồn phát tán mùi hôi thối, ruồi nhặng, ô nhiễm đất và nước ngầm. Các bãi Đa Phước tại TP.HCM, Nam Sơn tại Hà Nội hay Khánh Sơn tại Đà Nẵng… hiện là nỗi ám ảnh của cư dân khu vực xung quanh.
Các chuyên gia y tế cảnh báo các đô thị sẽ rơi vào khủng hoảng môi trường, dịch bệnh nếu không xử lý được vấn đề về tích tụ rác thải thực phẩm. Mặt khác, để bù đắp cho lượng lương thực bỏ đi, chuỗi cung ứng càng tăng tốc để sản xuất ra nhiều hơn, vô hình chung tạo ra nhiều phát thải hơn.
“Tôi tin rằng quản lý chất thải thực phẩm nên là ưu tiên trong quản lý chất thải ở cấp quốc gia. Khi rác thực phẩm – loại chất thải nặng và ướt – được phân lập, chất thải rắn khô còn lại sẽ dễ dàng xử lý”, chuyên gia môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi nhấn mạnh.
TP.HCM hiện có kế hoạch phân loại chất thải thành loại có thể tái chế và loại khác. Hà Nội phân thành loại đốt và không đốt được. Nghị định 42 có hiệu lực chính thức từ hôm 22-8-2022 vừa rồi phạt các hành vi không phân loại rác tại nhà và vất rác bừa bãi đến 1-4 triệu đồng. Nhưng việc áp dụng các hình phạt chỉ thực hiện từ đầu năm tới.
Nhưng quá trình thực hiện sẽ là thách thức cho cả người dân và cả công ty môi trường.
Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải tại nguồn với các túi màu xanh cho rác hữu cơ, túi màu đen hoặc đỏ hay đen cho rác vô cơ hoặc đổ rác theo giờ. Tuy vậy, hiệu quả không cao do người dân đã phân loại, nhưng nhân viên gom rác quăng vào một xe thô sơ duy nhất và sau đó tập kết tại điểm hay bãi tập kết. “Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ” – GS.TS Đặng Kim Chi thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam nhận định.
Phân loại rác hay xử lý sơ chất thải tại nhà là thách thức cho người dân và các công ty vệ sinh. Việc đựng trong các bao rác có màu sắc nhưng không có thùng nhựa đậy nắp kín vẫn khiến mùi rác lưu cữu trong không khí, chuột và mèo chó hoang bươi phá. Nhưng ngay cả khi người dân tự bỏ tiền mua nhiều thùng nhựa để phân loại rác theo quy định thì nạn trộm cắp thùng rác lại là vấn đề đau đầu mới.
Nếu đã làm tốt phân loại rác thì việc tiến tới cấm chôn lấp rác thải thực phẩm lại là bước quan trọng kế tiếp. Chuyên gia Nguyễn Đăng Anh Thi kể về một hình mẫu xử lý rác thải tại bãi Sudokwon ở Seoul, Hàn Quốc. Ông cho là đây là “mô hình hàng đầu thế giới về chuyển hóa chất thải thành tài nguyên”.
Ông cho biết chất thải thực phẩm Sudokwon được biến thành khí sinh học, phân bón và thức ăn gia súc. Bao bì và giấy thành nhiên liệu rắn để đốt cho nhà máy nhiệt điện hoặc có thể tái chế, thủy tinh và kim loại được thu hồi. Cuối cùng, chỉ có những chất trơ và không thể tái chế được chôn lấp. Nước rỉ rác được xử lý và sử dụng để tưới cây, trong khi khí sinh học từ chất thải thực phẩm, khu xử lý nước thải và bãi chôn lấp được thu gom và đốt để sản xuất điện. Chỉ riêng lượng điện do Bãi rác Sudokwon sản xuất có thể cung cấp cho gần 450.000 người, tương đương với toàn bộ dân số của Việt Nam ở Huế.
Bãi rác Sudokwon trở thành nơi vui chơi, giải trí và giáo dục về môi trường. “Không giống như những bãi rác đầy mùi khác mà tôi đã đến thăm, bãi chôn lấp Sudokwon giống như một công viên hơn. Nơi đây trở thành một điểm thu hút khách du lịch gần Incheon”, ông Anh Thi kể.
Ricky Hồ / BSA Media
Huawei chi hơn 1 tỉ đô la xây trung tâm R&D mới, thu hút nhân tài công nghệ toàn cầu