Làm hữu cơ phải đam mê, nhiều vốn và kiên trì theo đuổi vì lợi ích lâu dài!
“Sản xuất hữu cơ tạo giá trị là một chặng đường dài, đầu tư vật chất, tiền bạc, con người, nguồn lực…và quan trọng hơn nữa là sự kiên trì của chủ doanh nghiệp. Nếu đi tới tận cùng, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích rất lớn”, ông Trần Phong Lan – CEO công ty cổ phần DannyGreen cho biết như thế tại: “Cuộc gặp gỡ bốn chiến binh Organic”, nhân dịp khai trương “Organic Town – Gis market” ở số 84 Nguyễn Du, quận 1 mới đây.
Cầm trên tay trái bí hạt đậu, ông Phong Lan cho hay, trái bí được chứng nhận hữu cơ do phía Nhật Bản cấp. Ngoài chế biến từ luộc, hấp, nấu canh, nướng… hiện nay DannyGreen còn làm ra sữa từ bí.
“Xu thế hiện nay mọi thứ đều phải tiện lợi cho người tiêu dùng, nhu cầu của xã hội, nhu cầu sức khỏe…nên chúng tôi sẽ có thêm bột bí, để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng khi cần”, ông Phong Lan nói.
Tại cuộc tọa đàm, bốn chiến binh làm organic là: doanh nông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần Vinamit Organic, kỹ sư Nguyễn Thị Quỳnh Viên của rau hữu cơ Happy Vegi, doanh nhân Phạm Thái Bình, CEO công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Trần Phong Lan chủ của thương hiệu DannyGreen đều nhận định rằng, nhu cầu về thực phẩm, nông sản hữu cơ ngày càng tăng, và đó là xu hướng trong tương lai.
Tiền tỉ đổ vào làm hữu cơ
Theo ông Trần Phong Lan, từ khi tham gia lĩnh vực nông sản hữu cơ (2013) đến nay, chỉ riêng đầu tư cho phần trồng, đã mất gần 40 tỷ đồng. Năm 2017, khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường thì đầu tư thêm gần 30 tỷ đồng nữa.
Bàn về vấn đề đầu tư cho làm nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Thái Bình, CEO công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An nói, năm 2005 mua 800ha đất rừng tràm để làm lúa hữu cơ. Số tiền đầu tư cho gạo hữu cơ từ đó đến nay gần 400 tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho biết, tham gia lĩnh vực hữu cơ từ năm 2007 và thời điểm đó, thuyết phục được nhà bán lẻ đưa sản phẩm vào phân phối là cả một vấn đề. Để có mặt trên các kệ hàng của Co.opmart vào thời điểm đó, Vinamit chấp nhận nhiều thiệt thòi, và “sẽ phải đổ bỏ sản phẩm nếu trong ngày bán không hết”.
“Năm 2012 khi đưa rau hữu cơ Happy Vegi chào hàng các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi bị từ chối vì giá quá mắc. Thời điểm đó, giá các loại rau khác có 10.000 đồng/kg, còn rau Happy Vegi là 60.000 đồng/kg. Phải mất thời gian dài, Happy Vegi mới thuyết phục được nhà phân phối và cả khách hàng. Đến nay, Happy Vegi có 3 vườn rau với tổng diện tích 30.000m2 sản xuất hơn 30 loại rau củ quả và trái cây theo mùa tại TP.HCM, Măng Đen – Kon Tum và Bà Rịa Vũng Tàu. Sau 8 năm gia nhập thị trường, Happy Vegi mới thiết lập hệ thống 21 cửa hàng tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, bên cạnh các chuỗi siêu thị trong cả nước”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên – Thành viên sáng lập Happy Vegi thêm vào câu chuyện tại tọa đàm.
Làm ra sản phẩm hữu cơ phải đầu tư nhiều tiền như thế, nhưng “việc bán sản phẩm hữu cơ cho khách hàng còn khó khăn hơn. Cho nên, nếu doanh nghiệp không có sự tích lũy tốt hay nguồn thu khác thì rất khó duy trì “, ông Trần Phong Lan, cho biết thêm.
Theo bà Quỳnh Viên, các bạn trẻ khởi nghiệp làm hữu cơ cần tìm hiểu thật kỹ trước khi làm, phải có thời gian tích lũy về kinh nghiệm, tiền bạc và định hướng rõ ràng về thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, nếu đầu tư đúng về kỹ thuật và khoa học công nghệ thì làm nông nghiệp hữu cơ không còn quá rủi ro như trước. Hiện nay, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có lãi.
“Chắc chắn làm hữu cơ bây giờ là có lời ngay, nếu làm đúng cách, áp dụng thành tựu từ cách mạng 4.0 từ giống, giao trồng, bón phân, thu hoạch…”, ông Phạm Thái Bình khẳng định.