Lộc Trời cam kết mua bán, tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa năm 2022

Chiều ngày 9/2/2022, Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời công bố thành lập 2 công ty thành viên, là Công ty Cổ phần Nông Sản Lộc Trời (Lộc Trời Agricuture Product JSC – LTA), Công ty Cổ phần Giống Cây Trồng Lộc Trời (Lộc Trời Seed JSC – LTS). Tại sự kiện, tập đoàn Lộc Trời ký kết mua bán – tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản và các ngân hàng đã hợp tác lâu dài với tập đoàn.

Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) là khâu đầu và cũng là khâu cuối, trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xay xát, lưu kho, và giao hàng theo tiến độ hợp đồng đã ký. Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị thường xuất khẩu khó tính như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… thông qua quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HALAL, HACCP và SMETA.

Còn công ty cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS), tiền thân là ngành Giống của tập đoàn, đã đóng góp gần 900 tỷ đồng vào doanh thu 2021, hiện sản xuất trên 80.000 tấn lúa giống các loại trên các vùng trồng được quản lý chặt chẽ. LTS là đơn vị khai thác các giống lúa mà tập đoàn Lộc Trời sở hữu và được cấp quyền sản xuất và thương mại, bao gồm cả giống lúa Lộc Trời 28 – Quán quân Gạo thơm Thế giới năm 2018 và Giải nhất Gạo ngon Thương hiệu Việt vào tháng 01/2022.

Công ty Nông Sản Lộc Trời ký kết hợp đồng mua-bán 2 triệu tấn lúa năm 2022

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Thuận – TGĐ Tập đoàn Lộc Trời cho hay, khi tham gia trong các HTX liên kết, các hộ nông dân sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cần thiết, không lo thiếu vốn sản xuất cũng như giảm đáng các rủi ro về biến động giá cả các loại vật tư nông nghiệp vốn đang tăng cao.

Bên cạnh đó là cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa trồng được để đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân, và tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Tập đoàn Lộc Trời và LTA đã làm việc và thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank… đồng tài trợ 12 ngàn tỉ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất – cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, cho rằng: “Đơn hàng 2 triệu tấn lúa và hợp đồng tài trợ 12 ngàn tỷ được ký kết là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh “tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng” của tập đoàn Lộc Trời. Đây là cơ sở để công ty có thêm động lực và quyết tâm liên kết với bà con nông dân thông qua hình thức hợp tác xã, đó là nền tảng để ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân, thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước, từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận, giảm phát thải nhà kính, giúp đảm bảo tín chỉ carbon cho Việt Nam, góp phần thực hiện lời hứa giảm phát thải nhà kính từ việc trồng lúa của Việt Nam với thế giới.”

Công ty Giống Cây Trồng Lộc Trời ký kết cung ứng đầy đủ lúa giống cho hệ thống phân phối năm 2022
Lộc Trời ký kết với đối tác ngân hàng đồng để tài trợ 12 ngàn tỉ đồng

Có mặt tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang vui mừng vì trong thời gian vừa qua đã có những tập đoàn lơn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tập đoàn Lộc Trời.

“Hoạt động ký kết của Lộc Trời mở ra một hướng đi tốt cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn, để tránh đi tình trạng “được mùa mất giá”, giải quyết tốt hơn câu chuyện đầu ra của người nông dân, giúp họ an tâm hơn trong sản xuất”, ông Bình cho hay.

Ông Bình cho biết thêm, “An Giang cũng ký kết với tập đoàn Lộc Trời một chương trình hợp tác toàn diện, để làm sao tạo một mô hình sản xuất mới, không còn là sản xuất nhỏ lẻ, mà là tiến lên sản xuất lớn. Mà sản xuất lớn như thế người nông dân phải vào trong các HTX lớn. Trong HTX này có sự liên kết giữa các nhà, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông”.

Bài, ảnh: T. Quỳnh