Phần Lan là quốc gia châu Âu đầu tiên chi một khoản thu nhập ổn định hàng tháng cho các công dân, bất kể họ giàu có hay thất nghiệp. Khoản thu nhập cơ bản này còn được gọi là “lương làm dân”.
Đây cũng là một thử nghiệm đầu tiên của thế giới về nguồn thu nhập cơ bản phổ cập. Chương trình thí điểm toàn Phần Lan này kéo dài hai năm, bắt đầu từ đầu năm 2017 đến năm 2019, với 2.000 công dân tuổi từ 25 đến 28 được nhận một khoản tiền 650 euro (587 đôla) mỗi tháng.
Những người này được chọn ngẫu nhiên để thụ hưởng “lương làm dân” và trong 2 năm tới, họ vẫn được nhận đầy đủ khoản tiền, dù họ có tìm được việc làm hay không. Nguồn thu nhập này thay thế mọi phúc lợi xã hội khác, các chương trình an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
Trước đó có thông tin 5,4 triệu công dân được trả “lương làm dân” mỗi tháng 800 euro (870 đôla) và được miễn thuế. Tính ra chính phủ Phần Lan tốn 52,2 tỉ euro/năm, và chính phủ nước này từng dự báo nguồn thu vào năm 2016 là 49,1 tỉ euro.
Cũng có mối lo ngại nguồn thu nhập cơ bản sẽ không bình đẳng, vì người giàu cũng nhận “lương làm dân” như người nghèo. Hoặc sự lo sợ khoản tiền này khiến người dân không ráng kiếm việc làm. Đối với nhiều người dân, nhận một việc làm lương thấp hoặc bán thời gian có thể tác động đến phúc lợi xã hội, khiến họ phải sống khó khăn hơn nếu họ không chịu làm việc.
Sợ dân làm biếng!
Thực tế là “lương làm dân” được thiết kế để kéo người trở lại nguồn lực lao động. Chính phủ Phần Lan tài trợ dự án, hứa chi 20 tỉ euro trong hai năm. Vào năm 2019 sẽ xem xét kết quả để sau đó có thể khai thác các kiểu thu nhập cơ bản khác.
Họ sốt ruột chờ chuyện gì sẽ xảy ra: sẽ có thêm người theo đuổi việc làm hoặc khởi nghiệp? Bao nhiêu người sẽ ngưng làm việc và vung tiền “lương làm dân” vào rượu vodka? Liệu có bao nhiêu người thoát khỏi những thủ tục của hệ thống thất nghiệp để đi học tiếp, chuẩn bị lập sự nghiệp mới?
Olli Kangas, Trưởng phòng Nghiên cứu của Cơ quan bảo hiểm xã hội Phần Lan (Kela) nói: “Điều thú vị là xem người dân sẽ hành xử thế nào. Phe chỉ trích đã nói chương trình chi trả lương này khiến họ chỉ càng lười biếng hơn vì được hưởng thu nhập cơ bản mà chẳng phải làm việc gì”.
Kela nói dự án nhằm kéo giảm thói quan liêu giấy tờ, giảm nghèo, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp 8,1% ở Phần Lan và nhất là phù hợp với những thay đổi của xã hội, ví dụ sự tự động hóa ngày càng tăng ở nơi làm việc, đe dọa công việc làm của nhiều người.
Kế hoạch thí điểm trên có sự ủng hộ của chính phủ Phần Lan, và Kela hy vọng sẽ mở rộng trong năm 2018, là cuộc thử nghiệm cấp toàn quốc đầu tiên về một ý tưởng mà các nhà kinh tế học và chính khách đã bàn luận, kể từ năm 1797, khi Thomas Paine đề xuất cấp một khoản thu nhập cơ bản chi cho các công dân.
Nhiều đảng ủng hộ
Người ủng hộ dự án nói nó có hiệu quả và công bằng hơn hệ thống phúc lợi truyền thống, và sẽ bảo vệ người dân tốt hơn khi các nền kinh tế chuyển đổi sang tự động hóa. Các nhà kinh tế học Howard Reed và Stewart Lansley nhìn ra những lợi ích của thu nhập cơ bản ổn định trong thời đại bất ổn kinh tế – xã hội, như giúp độc lập tài chính, người dân có quyền tự do lựa chọn giữa giải trí với công việc, giáo dục và chăm sóc.
Năm ngoái, Giáo sư Robert Skidelsky thuộc khoa chính trị kinh tế thuộc đại học Warwick từng nêu ý kiến trong một bài báo: “Các đánh giá đáng tin cậy gợi ý về mặt kỹ thuật, sẽ có thể tự động hóa từ 1/4 đến 1/3 các việc làm hiện tại ở phương tây trong 20 năm nữa”.
Hầu hết các đảng chính trị Phần Lan đều ủng hộ dự án, nhưng phe đối lập nói không đủ tiền cấp cho người tham gia, khi thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động Phần Lan ở lĩnh vực tư nhân vào khoảng 3.500 euro.
Phe đối lập nói Phần Lan hiện là một trong những nền kinh tế yếu ớt trong khối 28 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), bị suy thoái từ giữa năm 2012 và thiếu các cơ hội tăng trưởng. Ngành giấy từng mạnh nhưng nay yếu và lĩnh vực công nghệ không đáp ứng được kỳ vọng từ lúc Nokia mất vị thế dẫn đầu ở lĩnh vực điện thoại di động, khiến nhiều công nhân bị mất việc.
Thế giới chú ý
Thu nhập cơ bản đang được thế giới chú ý xem xét. Theo thăm dò năm 2016 của tổ chức nghiên cứu Dalia, 68% người dân của 28 nước thành viên EU “nhất định hoặc có thể” ủng hộ một vài dạng thức “lương làm dân”.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, có 75% cử tri Thụy Sĩ bác bỏ hệ thống “lương làm dân”, chỉ có 23% ủng hộ. Ý tưởng chi trả một khoản thu nhập tối thiểu hàng tháng 2.500 franc Thụy Sĩ cho mỗi công dân trưởng thành mang ý nghĩa tăng chi phúc lợi từ 19,4% lên khoảng 1/3 GDP của Thụy Sĩ, và không có sự hậu thuẫn của chính phủ. Cũng có ý kiến rằng hệ thống này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhập cư đổ bộ đến Thụy Sĩ để hưởng “lương làm dân”.
Trong năm 2017, thử nghiệm thu nhập cơ bản cũng diễn ra tại nhiều thành phố Hà Lan gồm Utrecht, Tilburg, Nijmegen, Wageningen và Groningen. Ở Utrecht, chương trình “Biết điều gì hiệu quả”, nhiều nhóm thử nghiệm sẽ nhận một khoản thu nhập cơ bản hàng tháng 970 euro, dưới một số điều kiện khác nhau: Nhóm thứ nhất sẽ nhận khoản tiền này như một khoản trợ cấp thất nghiệp và bắt buộc phải tìm việc làm (có xử phạt nếu không tìm việc). Nhóm thứ hai sẽ nhận khoản tiền này mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào, dù họ có tìm việc làm hay không. Nhóm thứ ba sẽ được thêm 125 euro nếu họ tình nguyện lao động công ích. Nhóm thứ tư sẽ tự động được nhận 125 euro, nhưng phải hoàn trả nếu họ không tình nguyện lao động công ích.
Tại Ý, thành phố Livorno hồi tháng 6/2016 đã bắt đầu bảo đảm một khoản thu nhập cơ bản 500 euro/tháng cho 100 gia đình nghèo nhất, đến ngày 1/1/2017 mở rộng đến thêm 100 gia đình nữa. Các thành phố Ragusa và Naples đang xem xét các thí điểm tương tự.
Tại Canada, tỉnh Ontario trong mùa xuân 2017 khởi xướng dự án thu nhập cơ bản thí điểm trị giá 25 triệu đôla Canada (15 triệu bảng).
Vĩnh Thụy