Malaysia sẽ tranh giành với Việt Nam và Thái Lan thị phần sầu riêng ở Trung Quốc như thế nào?

Tiểu bang Johor sát biên giới với Malaysia đã lập trung tâm thu gom sau vụ bội thu sầu riêng trong năm ngoái. Ảnh: Bermana

Malaysia sẽ chú trọng giống sầu riêng Black Thorn có giá cao hơn các loại sầu riêng khác do được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nhưng về lâu dài, ngành công nghiệp sầu riêng Malaysia phải đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao và nghiêm ngặt của Trung Quốc, cùng những thách thức của biến đổi khí hậu.

Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc sầu riêng tách múi đông lạnh từ năm 2011 và sầu riêng nguyên trái đông lạnh từ tháng 5-2019. Hôm 19-6-2024 vừa qua, Malaysia chính thức giành được hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, đúng vào giữa vụ thu hoạch sầu riêng nước này (thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8). Điều này đánh dấu sự tham gia chính thức của Malaysia vào cuộc đua xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc – vốn là sân chơi chính giữa Thái Lan và Việt Nam trong hai năm qua.

Chiều theo khẩu vị của thị trường Trung Quốc

Các chuyên gia ngành sầu riêng Malaysia cũng nói với đài truyền hình CNA của Singapore rằng “đã có một sự thay đổi nhỏ ở thị trường Trung Quốc khi người tiêu dùng chuộng hương vị của các giống sầu riêng lạ hơn”, như loại Black Thorn, so với các giống truyền thống phổ biến như Musang King.

Họ nói rằng điều này đã buộc nông dân và nhà xuất khẩu Malaysia phải chuyển sang trồng thêm giống Black Thorn, vốn mất 5-10 năm mới có trái.

Chuyên gia tư vấn Lim Chin Kee, người sở hữu các đồn điền ở Raub, Pahang, nói với đài truyền hình CNA rằng: “Từ khảo sát riêng của mình tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi nhận ra rằng hương vị mới mà khách ở thị trường đại lục đang ưa chuộng là Black Thorn, bởi nó có vị ngọt hơn so với Musang King có vị nhẫn. Để cạnh tranh trên thị trường đại lục, nông dân Malaysia phải nhanh nhạy và thích ứng nhanh chóng với những thay đổi về thị hiếu này”.

Ông Tommy Chong, chuyên gia nghiên cứu về sầu riêng với các trang trại ở Kulai, lưu ý rằng giống Black Thorn chỉ chiếm 1% tổng sản lượng sầu riêng của nước này, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và an ninh lương thực Malaysia. Giống sầu riêng kampung chiếm đa số với 38% sản lượng, Musang King chiếm 36%, và giống D24 11%. Phần 14% còn lại là các giống lai.

Ông Chong dự đoán rằng nông dân Malaysia sẽ điều chỉnh diện tích trồng Black Thorn vì giá loại này cao hơn đáng kể so với giống Musang King. Tại thị trường bán lẻ Malaysia, Black Thorn thường có giá 80 ringgit/kg (khoảng 430.000 đồng), trong khi Musang King giá 50 ringgit/kg (hơn 270.000 đồng).

“Ở Trung Quốc, sầu riêng càng hiếm thì càng được chú ý và người tiêu dùng sẽ muốn nếm thử nó”, Chong nói.

Thách thức lớn của sầu riêng Malaysia

Nhà tư vấn sầu riêng Lim Chin Kee cho rằng những kiểu thời tiết khắc nghiệt trong năm nay có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sầu riêng.

“Sản lượng trái năm nay sẽ có thể thấp hơn nhiều do thời tiết thất thường. Mưa lớn và thời tiết nắng nóng đều làm gián đoạn quá trình nở hoa của cây sầu riêng”, Lim nói. Ông giải thích rằng quá trình thụ phấn và tác động trực tiếp của nó đến việc quả chín và rụng.

Còn Tommy Chong thời tiết khắc nghiệt có thể làm nảy sinh hiện tượng sầu riêng “cháy đầu” hay thối trái, không được các nhà nhập khẩu Trung Quốc chấp nhận. Tình trạng này có thể làm tổn hại danh tiếng của Malaysia trong việc cung cấp sầu riêng chất lượng hảo hạng.

“Việc kiểm soát chất lượng ở Trung Quốc rất nghiêm ngặt. Nếu phát hiện sầu riêng bị cháy đầu, họ sẽ không ngần ngại dừng lô hàng”, Chong giải thích.

Vị chuyên gia cũng khẳng định rằng Malaysia trước tiên phải đảm bảo các trang trại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Tình hình ngày càng xấu hơn trong các năm tiếp theo do tác động của biến đổi khí hậu.

Malaysia đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi tổng doanh thu sầu riêng từ 118,83 tỷ ringgit (25,2 tỷ USD) vào năm 2023 lên 238,4 tỷ ringgit vào năm 2033, với xuất khẩu sẽ là trọng tâm. Sản lượng sầu riêng dự kiến ​​sẽ tăng từ hơn 455.000 tấn sản xuất vào năm 2022 lên hơn 505.000 tấn vào năm 2025, tăng 11%. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và an ninh lương thực Arthur Joseph Kurup tin rằng “ngành công nghiệp sầu riêng mang đến nhiều cơ hội cho Malaysia”.

Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn sầu riêng Lim Chin Kee nhấn mạnh Malaysia vẫn phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,5 tỷ USD để nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng gần 70% so với năm trước, với nguồn cung chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Các quốc gia khác như Malaysia, Philippines và Indonesia chỉ chiếm 10% thị trường sầu riêng Trung Quốc.

Ricky Hồ / BSA Media 

Sầu riêng chín rụng tự nhiên của Malaysia thu hút khách hàng