Ít có nơi đâu trên thế giới mà các sếp ngân hàng, chủ ngân hàng gặp “tai nạn” hay đi tù nhiều như ở Việt Nam. Đặc biệt là trong những năm gần đây, cứ lâu lâu lại nghe tin đồn sếp nào đó của ngân hàng nào đó sắp bị bắt, rồi y như rằng 10 trường hợp thì có đến 8-9 trường hợp là xộ khám thiệt!
Hình ảnh ông chủ ngân hàng đang giàu có khét tiếng bỗng lầm lũi tra tay vào còng cũng không quá đỗi ngạc nhiên vì nó xảy ra khá thường xuyên!
Điều gì đã và đang xảy ra? Hệ thống quản lý tài chính, ngân hàng của Việt Nam quá lỏng lẻo? Các ông chủ ngân hàng của VN thiếu kiến thức và thiếu trình độ chuyên môn? Hay quá ỷ lại vào những sự quen biết nào đó? Hay tất cả các lý do trên cộng lại?
Có điều hầu như tất cả các ông chủ ngân hàng gặp nạn này đều có cùng một mẫu số chung, đó là sử dụng ngân hàng của mình như một công cụ để phục vụ cho đế chế kinh doanh riêng của mình mà trong đó bất động sản là một trong những lãnh vực phổ biến nhất.
Nói một cách khác, lợi ích của ngân hàng, của tất cả các cổ đông trong trường hợp này bị xung đột, bị đặt dưới lợi ích cá nhân của các ông chủ lớn, mà người ta gọi là “xung đột lợi ích” hay “mâu thuẫn lợi ích”. Ngay từ đầu.
Tình trạng xung đột hay mâu thuẫn này càng bị đào sâu thêm khi các ông chủ này lại có nhiều thế lực, từ kinh tế đến chính trị. Quyết định và áp đặt ban quản trị để giải ngân cho vay những khoản tiền rất lớn với nền tảng hồ sơ mỏng manh đầy rủi ro (nhưng là chỗ quen biết) là một ví dụ điển hình. Vụ lùm xùm của ngân hàng Sacombank gần đây nếu nhà nước không nhúng tay vào thì liệu các cổ đông có biết được các chi tiết hay có cách nào ngăn chặn tình trạng lợi ích của họ đã bị xung đột với lợi ích của những người đang được trao quyền điều hành phần vốn của mình.
Ở xứ người ta sếp nào dính vào cụm từ này là “tiêu tùng” ngay. Ngay cả thủ hiến bang New South Wales của Úc cũng phải mất chức do lỡ nhận một chai rượu vang có giá trị $3.000 từ một doanh nhân chúc mừng mình trong ngày thắng cử mà quên khai báo đàng hoàng với tổ chức. Vì không ai đảm bảo là sau này ông sẽ không dành phần ưu ái cho doanh nhân kia. Mâu thuẫn lợi ích là như vậy.
Còn ở xứ mình, hình như nó bị xem rất nhẹ, đến khi nào có đụng chạm đến các vấn đề lớn hơn thì mới bị phanh phui xử lý. Chứ còn ngay lúc người ta đưa ra các quyết định hay các hành động có dấu hiệu mâu thuẫn về lợi ích thì không ai bị thổi còi chặn đứng cho kịp thời.
Bởi vậy mới có cái vụ biệt phủ khủng ở Yên Bái, chỉ đến khi nó bị đem ra mổ xẻ thì mới lòi ra sự bất hợp lý trong khâu xét duyệt cấp đất của lãnh đạo tỉnh cho chính người nhà của mình, tuy rất “đúng qui trình”. Nhưng rõ ràng là có mâu thuẫn về lợi ích, giữa lợi ích của cá nhân mình, gia đình mình với lợi ích của nhân dân, đất nước.
Trong lần lên tivi trả lời phỏng vấn, cựu Thứ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ có cho ý kiến về vụ biệt phủ khủng này, là nếu mọi chuyện bất hợp lý đã xảy ra một cách hợp pháp “đúng qui trình” thì cũng đành phải bó tay! Đúng luật mà. Rồi ông nói thêm đại khái là trong trường hợp đó chắc chỉ còn nước dựa vào yếu tố đạo đức của từng cán bộ!
Khó quá. Vì yếu tố đạo đức này rất mơ hồ, mông lung, khó định nghĩa.
Bởi vậy mới xảy ra bao nhiêu vụ dở khóc dở cười trong khâu bổ nhiệm cán bộ hay xét duyệt cấp phép, chỉ đến khi đổ bể ra mới bắt đầu xử lý phần hậu quả. Cái gốc là ở chỗ mình đã xem nhẹ vấn đề “mâu thuẫn lợi ích” nên không có những luật lệ, qui định thật khắt khe để kiểm soát ngay từ đầu.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này, từ chính phủ cho đến các doanh nghiệp bất kể ngành nghề gì. Phải có luật lệ, qui định hẳn hoi chứ không thể nói chung chung được nữa.
Lý Quí Trung