MoMo có lãi trong cả năm 2024, tái khởi động kế hoạch IPO

MoMo trở thành kỳ lân cuối năm 2022. MoMo đạt lợi nhuận lần đầu trong năm 2024. Ảnh: Ricky Hồ

MoMo báo có lãi lần đầu tiên trong cả năm 2024. Cột mốc mở ra giai đoạn mới cho kỳ lân công nghệ tài chính của Việt Nam, giúp MoMo đàm phán với các ngân hàng đầu tư về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán nước ngoài, dự kiến diễn ra sớm nhất vào cuối năm 2025 này.

Cột mốc có lãi cũng mở ra chương mới mà các kỳ lân trong khu vực luôn ao ước – đó là lợi nhuận.

Sau ba năm thành kỳ lân mới có lợi nhuận

Theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý mà DealStreetAsia xem được, MoMo đã công bố lợi nhuận ròng là 347,5 tỉ đồng (13,4 triệu đô la) vào năm 2024, đảo ngược khoản lỗ khoảng 9,9 triệu đô la trong năm trước.

Doanh thu tăng 27% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 3.300 tỉ đồng, trong khi giá vốn hàng bán giảm 8% xuống còn 386,1 tỉ đồng. Chi phí tài chính giảm 34,2% xuống còn 8,1 tỉ đồng, mặc dù chi phí bán hàng và hành chính lần lượt tăng lên 1.990 tỉ đồng và 834 tỉ đồng.

Tài sản của công ty đạt 238,6 triệu đô la tính đến hết cuối năm 2024.

MoMo đã trở thành kỳ lân vào cuối năm 2021 sau vòng gọi vốn Series E trị giá 200 triệu đô la do Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản dẫn đầu. Định giá công ty lúc đó là hơn 2 tỉ đô la. Sau ba năm, kỳ lân này mới bắt đầu có lợi nhuận. Hiện MoMo được định giá khoảng 3 tỉ đô la.

Để so sánh, Sea đã mất tám năm từ trạng thái kỳ lân vào năm 2015 để công bố lợi nhuận cả năm vào năm 2023. Grab, công ty đã gia nhập câu lạc bộ định giá tỉ đô vào năm 2014, vẫn chưa công bố lợi nhuận cả năm. GoTo, công ty tiền nhiệm Gojek đã trở thành kỳ lân vào năm 2016, đã báo cáo quí thứ ba có thu nhập điều chỉnh dương trước EBITDA (lãi vay, thuế và khấu hao)  trong quí 1-2025. Mảng fintech của MoMo đã có lãi trên cơ sở EBITDA điều chỉnh trong hai quí liên tiếp.

Sự tăng trưởng về định giá đã phản ánh tiềm năng của MoMo trên thị trường. Bên cạnh Mizuho, MoMo còn nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ như Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Điều này thể hiện qua cơ cấu cổ đông, khi tính đến tháng 9-2023, có tới 20 cổ đông ngoại nắm giữ 71,2% cổ phần MoMo.

Tái khởi động kế hoạch IPO

MoMo đã từng lên kế hoạch cho quá trình IPO vào đầu năm 2021, tuy nhiên kế hoạch này đã tạm hoãn. Cột mốc có lãi đã giúp kế hoạch IPO tái khởi động mạnh mẽ.

Quỹ cổ phần tư nhân Warburg Pincus, nhà đầu tư vào cả Mynt và MoMo, được cho là đã thuê các ngân hàng cho đợt IPO trị giá 1,5 tỉ đô la tiềm năng của Mynt. Một con đường tương tự có thể được xem xét cho MoMo.

Nhưng việc niêm yết sẽ không dễ dàng. Việt Nam xem dịch vụ tài chính là một lĩnh vực nhạy cảm, khiến các thương vụ IPO gặp nhiều rắc rối. Niêm yết trong nước đòi hỏi phải có ba năm liên tiếp có lãi, như vậy MoMo mới đi 1/3 chặng đường.

Earnicorn – kỳ lân săn tìm lợi nhuận

Với lợi nhuận ròng là 13,4 triệu đô la vào năm 2024, MoMo gia nhập một nhóm nhỏ các kỳ lân của Đông Nam Á báo lãi cả năm, trong bối cảnh quản trị tài chính của startup đang bị nhà đầu tư giám sát chặt.

Ban đầu là ví điện tử, MoMo hiện định vị là “trợ lý tài chínhAI”, cung cấp các dịch vụ bao gồm đầu tư, bảo hiểm và quản lý tài chính cho hơn 30 triệu người dùng.

Các kỳ lân công nghệ tài chính khác ở Đông Nam Á bao gồm Mynt (nhà điều hành GCash), Maya, Tyme và Sygnum. Ngân hàng kỹ thuật số của Maya tuyên bố có lãi trong quí đầu tiên của năm 2025. Mynt đã đóng góp 3,8 tỉ peso Philippines (68,3 triệu đô la)

Lợi nhuận của Momo là nét điểm xuyến trong bức tranh startup làm ăn ì ạch và mùa đông gọi vốn đang kéo dài.

“Kỳ lân” (unicorn) không  còn là yếu tố bảo đảm thành công nữa. Quan trọng hơn là “kỳ lân mang lại lợi nhuận” – earnicorn – thuật ngữ do tác giả Nath Dhruv đặt ra trong tác phẩm “The Earnicorns” của ông, ghi chép lại những startup hiếm hoi đạt được định giá hàng tỉ đô la và vẫn duy trì được khả năng kinh doanh, làm ra lợi nhuận.

Lợi nhuận của MoMo trái ngược với nhiều công ty công nghệ khác.

Tiki, sàn thương mại điện tử từng là ứng cứ viên kỳ lân hàng đầu ở Việt Nam, đã báo cáo khoản lỗ ròng 82,85 triệu đô la vào năm 2023 mặc dù đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của công ty trong quí đầu tiên của năm 2025 quá nhỏ để được đưa vào bảng xếp hạng thương mại điện tử hàng đầu của ngành.

Các startup công nghệ của Ấn Độ như Swiggy, Byju’s và Pine Labs vẫn chìm sâu trong sắc đỏ (thua lỗ). Những công ty khác – chẳng hạn như MobiKwik, PhonePe và Toss của Hàn Quốc – hiện chỉ mới đạt được lợi nhuận.

Trường hợp của MoMo làm nổi bật những gì tạo nên sự khác biệt của các kỳ lân có lợi nhuận (earnicorn). Đó là lượng lớn người dùng trung thành, kỷ luật về chi phí và khả năng phát triển theo nhu cầu của khách hàng và thực tế pháp lý.

Cột mốc tài chính của công ty này xuất hiện khi hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển hướng. Theo báo cáo DATA VANTAGE của DealStreetAsia, hoạt động giao dịch trong quí đầu tiên của năm 2025 cho thấy dấu hiệu phục hồi, do các vòng gọi vốn giai đoạn cuối thúc đẩy.

Nhưng việc thoát vốn vẫn còn khan hiếm và lợi nhuận là chìa khóa để mở khóa dòng vốn cần thiết cho làn sóng tăng trưởng tiếp theo.

Nếu MoMo có thể duy trì đà phát triển này, công ty sẽ không chỉ nổi bật ở Việt Nam mà còn trở thành một nghiên cứu điển hình cho thế hệ công nghệ earnicorn của Đông Nam Á. Ý nghĩa lớn hơn từ cột mốc tài chính của MoMo là hy vọng rằng công ty sẽ hồi sinh hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, vốn đang vật lộn với mùa đông gọi vốn khắc nghiệt không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.

Theo DealStreetAsia, BSA Media

Ricky Hồ