‘Mr Mướp’ giành giải nhất cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp xanh 2023’

Mr Mướp giành giải nhất chung cuộc với trị giá 150 triệu đồng.
Sau hai ngày thi đấu căng thẳng, nhóm bạn trẻ Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na đến từ Đồng Tháp với mô hình khởi nghiệp từ xơ mướp đã xuất sắc vượt qua 36 dự án khởi nghiệp khác để giành giải nhất “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – năm 2023”.
Dự án “Kết nối con người với tự nhiên” – Mr Mướp được ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện môi trường, có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp cụ thể là nguyên vật liệu xơ mướp.
Hiện tại, dự án đang có những hướng phát triển tích cực và hiệu quả, các sản phẩm đa dạng hơn, các đơn hàng từ các đối tác trong và ngoài nước đã tăng lên theo từng năm. Sản phẩm của dự án cũng đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, thị trường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc với các mặt hàng chủ lực hiện tại được làm từ xơ mướp là bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Song song với việc phát triển sản phẩm thương mại thành công, dự án cũng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ từ kế hoạch liên kết xây dựng vùng trồng và bao tiêu thu mua nguyên liệu.
Đặc biệt, dự án cũng tăng cường mở rộng sản xuất giúp giải quyết việc làm cho bà con lao động tại địa phương và tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi mà các sản phẩm thân thiện môi trường đang là một xu hướng.
Cuộc thi cũng đã trao 2 giải nhì (trị giá 80.000.000 đồng/giải) cho dự án “Phát triển lạp xưởng cá lóc Dương Thị Hồng Chuyên” của bạn trẻ Dương Thị Hồng Chuyên (tỉnh Đồng Tháp) và dự án “Sản xuất muối Tây Ninh – Kết hợp đặc sản vùng miền” của 2 bạn trẻ Nguyễn Ngọc Sơn và Phạm Thái Hoàng (tỉnh Tây Ninh).
2 dự án đạt giải nhì cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – năm 2023”. Ảnh: T.Quỳnh.
3 giải ba (trị giá 50 triệu đồng/giải) thuộc về các dự án “Công ty CP Thực phẩm xanh Thành Đồng” của hai bạn trẻ Hoàng Khắc Cưng, Trương Thị Thanh Hoa (tỉnh Đắk Lắk); dự án “Sản xuất Atiso bền vững” của bạn Phạm Hữu Giàu (tỉnh Lâm Đồng), và dự án “K Products – Cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản” của nhóm bạn Mai Thị Thu Trang, Trần Bảo Khánh và Nguyễn Trung Hiếu (tỉnh Vũng Tàu).
Ngoài ra, cuộc thi còn trao 3 giải khuyến khích (trị giá 30 triệu đồng/1 giải) gồm: Dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nặm của bạn trẻ Cà Thị Bày (tỉnh Bắc Kạn); dự án “Chế biến heo dẻo mác mật” của bạn trẻ Lăng Thị Thơ (tỉnh Lạng Sơn); dự án “Vicosap – Hành trình thay áo mới cho dừa sáp Trà Vinh” của các bạn trẻ Lâm Ngọc Tú, Trần Duy Linh và Nguyễn Thị Ngọc Thảo (tỉnh Trà Vinh).
Trong hai ngày 28 và 29/10, tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – năm 2023. Tham gia tranh tài vòng chung kết có 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành ở khắp các vùng miền cả nước. Tổng giá trị cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – năm 2023” lên đến 1.229.000.000 đồng, trong đó 436.000.000 đồng tiền mặt với 9 giải chính, 52 gói tư vấn hỗ trợ khác.
Bà Phạm Chi Lan: ‘Dự án khởi nghiệp ngày một chỉn chu hơn’
Thay mặt Hội đồng Giám khảo, chuyên gia Phạm Chi Lan có những chia sẻ trong buổi trao giải cuộc thi.
Qua hai ngày thi, đầu tiên các dự án đã học được nhiều điều, trước hết là từ chính các thí sinh, dự án khác về điểm hay, điểm cần cải thiện, rút kinh nghiệm.
Thứ hai là học được từ các thầy, cô, chuyên gia. Họ là những người giỏi trong kinh doanh, quản trị… Thậm chí, nhiều người thành công trên thị trường ngày hôm nay, vẫn đang học hỏi, kể cả những giám khảo của cuộc thi ngày hôm nay. Những câu hỏi mà giám khảo đưa ra, chia sẻ, nhận xét là những kinh nghiệm, bài học cho các dự án khởi nghiệp hôm nay. Từ đó giúp các chủ dự án, nhóm dự án đặt vấn đề kinh doanh, câu chuyện sản phẩm một cách thuyết phục hơn, đầy đủ, có bằng chứng cho những gì mình muốn chứng minh.
Điểm thứ ba, các dự án học được về cách tiếp cận thị trường, tiếp xúc, giao dịch, giao tiếp với nhau như thế nào… qua đó giúp biết thêm nhiều điều, biết mình hơn. Việc biết mình hơn là điều học vô cùng cần thiết của mỗi người. Bởi nhiều người nghĩ rằng, dự án của mình như thế là hay, là tuyệt vời, nhất rồi nên mới mang đi thi. Nhưng qua cuộc thi này, tôi tin các bạn sẽ tự biết mình hơn. Nghĩ được như vậy là một bước quan trọng giúp cho dự án có thể phát triển hơn.
Điểm thứ tư, cuộc thi khởi nghiệp Xanh còn là cơ hội để các bạn kết nối với nhau, với doanh nghiệp khác. Tôi thấy có nhiều bạn đã nêu ý muốn xây dựng các chuỗi, trong đó có nhiều người ở các địa phương khác tham gia. Đây là cơ hội tốt để các bạn phát hiện thêm những tiềm năng, những đối tác tương lai của mình, bởi việc làm ăn với nhau trên thị trường thì ý thức hợp tác rất quan trọng.
Khi sản phẩm của các bạn đưa ra thị trường, giới thiệu là đã tham gia cuộc thi uy tín như Khởi nghiệp Xanh, sự ủng hộ của người tiêu dùng theo tôi sẽ tăng lên rất nhiều.
Thông thường là doanh nghiệp, dễ bị cảm giác là mình cô đơn trên thị trường khó khăn, vất vả quá, nhưng các bạn hãy tin, mình luôn có nhiều người xung quanh ủng hộ, sẵn sàng chung tay và chia sẻ với các bạn, cùng thúc đẩy, chia sẻ thành công trên thương trường.
Hội đồng giám khảo đều quan điểm chung rằng: chủ dự án đã chuẩn bị khá kỹ cho dự án của mình, một cách nghiêm túc, đề cập tới tất cả các khía cạnh cần thiết nhất trong một dự án kinh doanh. Bên cạnh đó, các bạn thí sinh đã biết chú trọng đến ba điều quan trọng trong mỗi dự án, trong công việc kinh doanh, là về tài nguyên bản địa, hầu hết các bạn thi có bàn về xanh trong nông nghiệp.
Đặc biệt hơn, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các bạn đều xuất phát từ việc khai thác tài nguyên bản địa của vùng miền mình, để rồi từ đó phát triển lên, đây là điều tốt. Ở đây, các mô hình, dự án đã chú trọng đến nhân tố xanh, sinh thái, bền vững… Đó là một điều đáng quý và phù hợp với yêu cầu của cuộc thi cũng như xu hướng chung phát triển hiện nay. Vì doanh nghiệp hiện nay làm trên lĩnh vực nào cũng chú ý đến chuyển đổi xanh, bên cạnh chuyển đổi số như là những nhân tố quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, nhiều dự án còn chú trọng đến nhân tố về công nghệ, về sự sáng tạo trong sản phẩm của mình hoặc cho khách hàng, có công nghệ mới, mô thức kinh doanh mới… Tính sáng tạo là đáng quý. Bởi khởi nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, nếu làm những cái như trước đây đã làm thì khó gọi được là khởi nghiệp.
Cùng với đó, những vấn đề về thị trường cũng là một điểm mà tôi nghĩ đã có nhiều điểm tốt hơn, rõ so với năm trước. Thậm chí, có những dự án làm kỹ về vấn đề thị trường, nhắm tới đối tượng tiêu dùng nào, phân khúc nào trên thị trường, hay đo thị trường của mình ra sao…. Điều này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Bởi thị trường ngày nay cạnh tranh kinh khủng, có thể nói chưa bao giờ cạnh tranh dữ dội như bây giờ.
Đáng mừng là nhiều dự án đã thể hiện sự nhận thức, nhìn nhận được những thay đổi đang diễn ra hiện nay. Các bạn thấy được xu hướng thay đổi, thúc bách phải thay đổi cho phù hợp với lối sống của con người đang thay đổi rất mạnh trong những năm vừa qua, đặc biệt sau đại dịch Covid. Nhất là sản phẩm hướng đến thân thiện với thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, tiêu dùng hợp lý chứ không gây lãng phí đến tài sản chung của đất nước.
Như những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thực phẩm tiêu dùng bình thường nhưng có lợi hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Qua biết bao nhiêu vấn đề nảy sinh, các bạn đã biết chú trọng đến nhân tố này là rất đúng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những mặt hạn chế: Thứ nhất là tài chính kinh doanh, không thể nói sản phẩm tốt lắm, thị trường tốt lắm nhưng tài chính lại âm. Đó là không rõ bài toán tài chính, khá nhiều dự án nói bài toán tài chính, nhưng các bạn tính toán không hợp lý, chưa tính đủ các nhân tố, các chuyên gia đọc là thấy ngay. Do đó, cần làm bài toán tài chính nghiêm túc trước khi nộp dự án hoặc trước khi xây dựng dự án, đặc biệt là trước khi làm kinh doanh.
Thứ hai, nhiều dự án nói nhiều đến khái niệm hay, nhưng chúng tôi giật mình vì các bạn chưa thực sự hiểu đúng những khái niệm mình đã trình bày. Có những bạn tự nhận dự án của mình là xanh, là sinh thái, nhưng chưa hiểu. Những cái đó nó là cả một hệ có những quy chuẩn khác nhau, rất phức tạp và khác biệt giữa các ngành, các lĩnh vực. Nên các bạn cần tìm hiểu sâu thêm, hiểu thêm về những cái đó, vì có nhận thức đúng mới định hướng được.
Cùng với đó, những yêu cầu về thẩm định để đánh giá dự án của mình, hay sự chuẩn mực của các sản phẩm đạt chuẩn hay chưa cũng còn nhiều dự án gặp phải. Không phải mình nghĩ sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng là không thông qua được những đánh giá một cách khoa học. Điều đó là chưa đủ cơ sở để nói như vậy.
Trong khi đó, cũng có một số dự án thiếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình. Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng đã ham làm rất nhiều thứ, thích đủ thứ, như vậy không được. Ngay cả những doanh nghiệp thành danh, vẫn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tập trung vào sức mạnh, lợi thế cạnh tranh tốt nhất của mình để làm thị trường. Các bạn cũng thấy ở Việt Nam, không ít công ty trước đây rất to, nhưng vì ham nhảy vào những lĩnh vực không phải cốt lõi của mình. Thành ra các bạn phải lưu ý từ đầu nên tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, thế mạnh chính của mình, phù hợp với nguồn lực, khả năng mình có thể đảm đương được, đừng nghĩ quá lớn. Tất nhiên, có khát vọng là tốt nhưng quá lớn thì sẽ bị phân tán.
Món quà bất ngờ từ ngài Bộ trưởng
Bà Vũ Kim Hạnh, thay mặt BTC trao quà – là những cuốn sách do Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tặng các bạn trẻ tham gia cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2023
Chiều 29/10, trong buổi công bố kết quả chung kết cuộc thi, BTC đã chia sẻ một thông tin đầy bất ngờ: Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã “bí mật” gửi tặng mỗi chủ dự án một cuốn sách được chính ông chọn lựa.
Hành động này không chỉ đơn thuần là việc tặng quà, mà còn là sự gửi gắm niềm tin và khích lệ từ Bộ trưởng đến tất cả những người tham gia cuộc thi.
Bộ trưởng hy vọng rằng món quà này sẽ không đơn thuần là những trang sách, mà còn là nguồn cảm hứng, kiến thức và sự động viên cho mỗi người nhận. Ông mong rằng qua những trang sách, mọi người sẽ tìm thấy những ý nghĩa sâu sắc, những bài học quý báu và những suy ngẫm mới để làm hành trang cho hành trình phía trước.
Không chỉ góp phần thúc đẩy việc đọc sách, việc tặng sách của Bộ trưởng còn là sự khích lệ mỗi người tiếp tục khám phá và trau dồi kiến thức, sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
Bên cạnh đó, BTC cũng gửi tặng mỗi bạn một cuốn sách “10 năm Khởi nghiệp xanh, hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông từ tài nguyên bản địa”.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức, với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, cùng sự đồng hành của các Doanh nghiệp HVNCLC, như: Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty Lợi Lợi Dân, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, Công ty Tư vấn toàn cầu GIBC, Công ty TNHH Tân Nhiên, Công ty Khang Nhi Ý, Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty Mỹ thuật Trà Quế, Quỹ đầu tư Touchstone, Chương trình lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam), Tâp đoàn Nam Dương group, Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ và thuong hiệu DIGISO.

Nhiều giải thưởng đồng hành hấp dẫn từ BTC cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2023

Trần Quỳnh/BSA Media