Nestlé tranh chấp với đối tác Thái Lan về thương quyền Nescafé

Các sản phẩm Nescafé vẫn được bày bán trên kệ hàng siêu thị ở Thái Lan trong khi chờ phán quyết cuối cùng của tòa vào cuối tháng 6-2025. Ảnh: Bangkok Post

Gã khổng lồ thực phẩm Thụy Sĩ và đối tác Thái Lan đang vật lộn trong cuộc chiến pháp lý xoay quanh quyền sản xuất và phân phối thương hiệu cà phê Nescafé tại Thái Lan. Các nhà đầu tư nước ngoài đang dõi theo diễn biến của vụ kiện mà phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra trong phiên tòa ngày 20-6 tới.

Nestlé muốn chấm dứt quan hệ đối tác với tập đoàn PM Group và tiếp tục bán hàng độc lập. Nhưng đối tác Thái Lan đã phản đối, viện dẫn lý do mất lợi nhuận, và tranh chấp đã biến thành một trận chiến pháp lý.

Cuộc chiến không chỉ giới hạn giữa hai công ty, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.

Cái kết đắng sau 25 năm ngọt ngào

Nestlé và Quality Coffe Products Co. Ltd. (QCP) – hãng con của PM Group – ký hợp đồng liên doanh sản xuất Nescafé tại Thái Lan năm 1989. Thỏa thuận liên doanh dự kiến đã kết thúc ngày 31-12-2024.

Tuy nhiên, các cổ đông của QCP, gia đình Mahagitsiri – người đứng sau PM Group, không đồng ý với điều này. PM Group được đặt tên theo ông Prayudh Mahagitsiri, nhà sáng lập của tập đoàn và người được xem là “vua cà phê” của Thái Lan. PM là tập đoàn đa ngành chuyên sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống và hàng không…

Hôm 3-4-2025, theo đơn của Chalermcha Mahagitsiri – con của nhà sáng lập Prayudh Mahagitsiri của PM Group, Tòa Dân sự Minburi đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với Nestlé, ngăn chặn công ty này sản xuất, thuê sản xuất, phân phối hoặc nhập khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu Nescafé tại Thái Lan.

Tiếp đó, ngày 8-4 Nestlé đã phản ứng, nộp đơn kháng cáo. Tập đoàn Thụy Sĩcũng khẳng định quyền sở hữu độc quyền đối với thương hiệu Nescafé và công nghệ sản xuất. Hôm 12-4, Nestlé công bố Tòa thương mại quốc tế và quyền sở hữu trí tuệ trung ương (IP&IT High Court) đã ra phán quyết có lợi cho Nestlé. “Nestlé hiện đang chuẩn bị tiếp tục sản xuất Nescafé tại Thái Lan”, Nestlé tuyên bố trong thông cáo hôm 17-4. Hãng đồng thời nhấn mạnh cam kết tiếp tục bán Nescafé tại Thái Lan sau một phán quyết của tòa đã tạm dừng việc bán hàng.

Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 20-6 sắp tới. Doanh nghiệp đầu tư đang theo dõi sát sao mọi động thái của tòa và hai bên.

Ông Prayudh Mahagitsiri và con trai Chalermchai Mahagitsiri. Ông Prayudh là người sáng lập tập đoàn đa ngành mang tên ông (PM Group) và được xem là “vua cà phê” của Thái Lan. Ảnh: The Nation

Bất đồng về ăn chia

Nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp dường như là các bất đồng về phân phối lợi nhuận.

Nestlé nắm giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê hòa tan của Thái Lan vào năm 2024 với 67% thị phần, theo hãng nghiên cứu Euromonitor của Anh. Về tổng quan, thị trường cà phê Thái Lan, bao gồm cả cà phê hòa tan, đã tăng trưởng 50% trong thập niên qua và đạt khoảng 36 tỉ baht (1,1 tỷ đô la). Tuy nhiên, hai công ty dường như không thể tìm được thỏa thuận cho phép họ hưởng lợi từ thị trường đang mở rộng.

Trong suốt 25 năm liên doanh, tập đoàn Thái Lan đã gia tăng nhận diện thương hiệu. Năm 2023, tập đoàn này có doanh thu khoảng 2 tỉ đô la. Hiện chưa có số liệu về kinh doanh cà phê của QCP.

Theo các hãng dữ liệu, thị trường cà phê Thái Lan đạt doanh thu khoảng 3 tỉ đô la mỗi năm, riêng cà phê hòa tan chiếm 2 tỉ đô la. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 5-12% trong những năm tới.

Tác động đến môi trường đầu tư

Tranh chấp Nestlé – PM có ý nghĩa rộng hơn, tở Nikkei Asia bình luận.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có khoảng 5.800 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan. Các công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Thái Lan phải thành lập một doanh nghiệp địa phương trong đó đối tác Thái Lan nắm giữ phần lớn cổ phần. Giám đốc điều hành một hãng tư vấn Nhật Bản tại Thái Lan cho biết họ nghe hai đến ba cuộc tham vấn mỗi năm từ các nhà bán lẻ Nhật Bản, phàn nàn rằng các đối tác Thái Lan đóng góp ít hơn dự kiến, nhưng lại chiếm một phần lợi nhuận quá lớn.

Năm 2023, chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản FamilyMart đã chấm dứt hợp đồng với tập đoàn bán lẻ khổng lồ Central Group của Thái Lan, rời khỏi thị trường Thái Lan hoàn toàn. Họ chỉ ra khó khăn trong việc điều chỉnh sản phẩm theo thị hiếu của người dân địa phương do quá trình ra quyết định chậm chạp của hình thức liên doanh.

Các động thái giải thể quan hệ đối tác với các công ty địa phương cũng phản ánh sức hấp dẫn đang giảm sút của Thái Lan.

Không tính đến tác động của Covid-19, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan trong thập niên qua dao động khoảng 1-4%. Đây là mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á.

Theo khảo sát năm 2024 của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đối với các nhà sản xuất Nhật Bản, Việt Nam được coi là nền kinh tế triển vọng nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, tiếp theo là Indonesia và sau đó là Thái Lan. Số phiếu dành cho Thái Lan ở mức thấp kỷ lục trong các cuộc khảo sát của Thái Lan đã đạt mức thấp kỷ lục.

Trong khi các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng sang Thái Lan, chính phủ Thái Lan đang lo lắng về trung hạn đến dài hạn. Cuối tháng 4, chính phủ đã công bố kế hoạch nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đang xem xét thay đổi quy định yêu cầu các công ty Thái Lan phải nắm giữ cổ phần đa số trong các liên doanh.

Phó phát ngôn viên chính phủ Karom Polpornklang cho biết nguyên tắc là hỗ trợ các doanh nhân, bất kể họ là người Thái hay người nước ngoài, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Nhiều công ty Thái Lan được cho là dựa vào các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất và xây dựng thương hiệu.

CEO Kantatorn Wannawasu của hãng tư vấn Mediator ở Thái Lan tin rằng “người Thái cần tận dụng tối đa sự hiểu biết của họ về thị trường và nhân viên Thái Lan để xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo Nikkei Asia, Bangkok Post, The Nation

Ricky Hồ / BSA Media