Nhà báo Hà Đình Nguyên và những chuyện tình nghệ sĩ

Nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

(Vietnamtimes) – NXB Trẻ vừa ấn hành cùng lúc 3 cuốn sách của Hà Đình Nguyên nhân dịp ông tròn 60 tuổi.

Đọc 3 cuốn sách này (50 chuyện kỳ thú phương Nam, 60 bóng hồng trong thơ nhạc, 35 chuyện tình nghệ sĩ) sẽ hiểu thêm về một vùng đất và câu chuyện lý thú của các đôi lứa yêu nhau đã cho ra đời những bài thơ, bài hát nổi tiếng.

Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hà Đình Nguyên:

Anh ra mắt cùng lúc 3 cuốn sách nhân dịp sinh nhật 60 tuổi của mình, nhưng trước khi nói về 3 cuốn sách này, xin anh nói về 3 giai đoạn của đời anh: thời tham gia thanh niên xung phong (TNXP), thời đi dạy học và thời đi làm báo?

Hà Đình Nguyên: Thế hệ của chúng tôi (lứa tuổi sinh cuối 5 X), là ở vào giai đoạn “tranh tối tranh sáng, dở thầy dở thợ”- dở dang về học vấn, rất nhiều người phải bỏ học nửa chừng vì tình trạng khó khăn chung sau 1975, hoặc do lý lịch… Tôi tình nguyện tham gia Lực lượng TNXP (Tổng đội Đồng Nai, Nông trường Sông Trầu) giai đoạn 1977 – 1980. Sau đó, đi dạy học (10 năm) và đi làm báo (hơn 20 năm).

Thời TNXP mới 20 tuổi, vừa biết yêu mà lại đành xa nhau, lứa chúng tôi toàn tuổi thanh niên mà sống giữa rừng như những nhà “khổ tu”, giờ nghĩ lại thương lắm!

Rồi đi dạy (thập niên 1980, thời buổi “thắt lưng buộc bụng”, “gạo châu củi quế” và… “ngăn sông cấm chợ”. Thầy cũng đói mà trò cũng đói, nên thầy trò thương nhau đến thắt lòng. Ngày 20/11, học trò chỉ đến vòng tay “Em chúc mừng thầy!”, không quà, không hoa mà sao lòng ấm áp lạ, giờ nghĩ lại rơi nước mắt!.

Đi làm báo từ 1995 đến nay, đây là giai đoạn hết sức thú vị vì mình được thỏa mãn niềm đam mê cũng như sở trường của mình.

Nhưng đến giờ lại vừa tự hào vừa “thương” mình: từ lúc bước chân vào làng báo đến giờ vẫn thế – mướn phòng ở trọ!

Thuờng thì nguời làm báo hay theo đuổi các vấn đề thời sự, riêng anh lại thích tìm về quá khứ. Những nhân vật, tác phẩm một thời vang bóng có điều gì cuốn hút anh đến thế?

– Thời còn bé, tôi học bậc tiểu học ở một làng quê hẻo lánh, nằm biệt lập với những thôn làng khác, làng tôi nhỏ bé nằm gần ngã ba Dầu Giây (tỉnh Long Khánh cũ, nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Không hiểu sao, ngay từ thời thời thơ ấu tôi đã thích “lục lọi” quá khứ, tác động nhiều nhất có lẽ là ở môn Lịch sử. Rồi những bài học thuộc lòng (văn vần) đã gieo vào lòng tôi sự yêu thích thơ ca.

Bước chân vào bậc trung học, tiết học tôi yêu thích và nôn nao chờ đợi mỗi tuần là môn Việt văn (gồm Cổ văn và Kim văn). Song song với việc học văn hóa, những bài hát đương thời cũng đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn khó phai. Tôi nhớ mẹ tôi, lúc ấy bà cũng chỉ mới ngoài ba mươi, khi làm những việc lặt vặt, bà thường nhớ lại và hát lõm bõm những ca khúc mà thời trẻ bà đã từng nghe, từng hát: Lời người ra đi (Trần Hoàn), Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu), Thiên thai (Văn Cao)…

Trong những người thầy của tôi, có thầy Nguyễn Văn Hòa (quê Tây Ninh), thầy đích thực là một nghệ sĩ: đàn hay, thổi sáo giỏi, biết làm thơ và…ghiền truyện kiếm hiệp. Tôi học được ở thầy tất cả những món này (nhưng trình độ thì… đương nhiên lúc nào cũng chỉ ở mức “đệ tử” của thầy). Thế cho nên, có thể nói tâm hồn tôi lúc nào cũng mang tâm trạng hoài cổ.

Trong các nhân vật của Chuyện tình nghệ sĩ, anh thích nhất là nhân vật nào, vì sao?

– Trong cuốn Chuyện tình nghệ sĩ, tôi có kể khái quát về chuyện tình của những văn nghệ sĩ rất nổi tiếng: Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Hoàng Cầm, Châu Kỳ, Phùng Quán… là nghệ sĩ, nên khi yêu, họ cũng yêu… rất khác người, mỗi người một cách nhưng tất cả đều mê đắm.

Tôi thích tất cả cách yêu của họ, nhưng nếu hỏi tôi thích nhân vật nào nhất thì…nói thật nhé, chẳng những thích mà tôi còn khâm phục và biết ơn những người vợ của họ: Ca sĩ Thái Hằng thời con gái mang nỗi buồn u uẩn, để tang cho mối tình đầu rồi làm vợ nhạc sĩ Phạm Duy, dẫu cho ông chồng phong lưu phóng túng thì bà vẫn son sắt, âm thầm hy sinh cho chồng cho con.

Bà Nghiêm Thúy Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao), bà Vũ Thị Bội Trâm (vợ nhà thơ Phùng Quán) và bà Lê Hoàng Yến (vợ nhà thơ Hoàng Cầm) cũng thế, cả ba ông chồng đều vướng vào cái án “Nhân văn-Giai phẩm”, coi như bị “chặt tay, chặt chân” chẳng những không viết lách gì được mà còn bị người đời xa lánh, sợ “rước họa vào thân”.

Các ông đang là trụ cột của gia đình, bỗng… cột xiêu, các bà vợ phải ra sức chèo chống gia đình giữa phong ba bão táp. Nhưng nào đâu đã yên, các ông chồng nghệ sĩ quen thói đa tình, các bà vừa phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vừa phải “vượt qua chính mình”.

Bà Kha Thị Đàng (vợ nhạc sĩ Châu Kỳ) cũng có hoàn cảnh tương tự nhưng ấn tượng nhất là ca sĩ Minh Trang (vợ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) khi bà từ miền Nam bay ra Bắc gặp người vợ đầu của ông Dương Thiệu Tước để… “thông báo” quyết định “góp gạo ăn chung” của đôi tình nhân này. Bà nói: “Có thể không có một người phụ nữ thứ hai, nhất là ở thời điểm đó, hành xử như tôi. Nhưng đó là tôi: tự tin và tự trọng!”.

Viết về chuyện tình của các nhân vật rất dễ đụng đến đời tư của họ, anh đã lách chuyện đời tư này hay bê nguyên mọi thứ anh biết lên trang sách?

– Quả thật, viết về chuyện tình có nghĩa là đã đụng chạm vào đời tư của nhân vật. Hơn nữa, những nhân vật này đang sống cùng thời với chúng ta hoặc nếu như họ đã mất thì con cháu họ, gia đình họ vẫn còn đó… Ngòi bút sẽ là con dao hai lưỡi, nếu anh viết không khéo thì chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy hết sức rắc rối không chỉ cho một con người mà còn là những thế hệ tiếp theo…

Thú thực là tôi cũng chẳng có kinh nghiệm gì, nhưng luôn nhủ lòng là cố tránh sa đà vào việc khai thác đời tư một cách không cần thiết, chỉ để nhằm câu khách.

Với nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà

Trong cuộc đời của các bóng hồng, bóng hồng nào khiến anh quý trọng và chuyện tình nào khiến anh cảm động?

-Trong các “bóng hồng” tôi đặc biệt quý trọng nữ ca sĩ Thanh Thúy (nhân vật trong các bài hát “Thúy đã đi rồi” (Y Vân), “Ướt mi” (Trịnh Công Sơn). Chị là một “hiện tượng” thời đó (cách đây nửa thế kỷ), không chỉ về tài sắc, nghề nghiệp mà còn ở đức hạnh. Nếu đọc trong bài “Thúy đã đi rồi” sẽ thấy chị được cả một thế hệ văn nghệ sĩ cùng thời ở Sài Gòn say mê, mỗi người “mê” Thanh Thúy theo một cách riêng và ai cũng thể hiện công khai cách “mê” của mình nhưng chẳng hề có chuyện ghen tuông, đố kỵ. Còn “nhân vật chính” – Thanh Thúy thì… ai mê mặc ai, chẳng hề tơ tưởng, léng phéng gây ra điều tiếng (rất dễ xảy ra trong giới nghệ sĩ), cho đến lúc lấy chồng, theo chồng.

Còn chuyện tình khiến tôi cảm động là ở “Em tôi – ngày ấy bây giờ”: nhạc sĩ Lê Trạch Lựu năm 16 tuổi gặp và yêu cô Phượng 13 tuổi, họ chỉ gặp gỡ nhau một vài lần. Rồi dòng đời đưa đẩy, nhạc sĩ qua Pháp, nhớ thương người yêu nên sáng tác bài “Em tôi” gửi về nước (1953), rồi đi biền biệt chưa từng một lần trở về quê hương. Vậy mà, hơn 60 năm sau, họ “tìm” được nhau qua điện thoại. Nghe tiếng chàng (đã 80 tuổi), nàng (đã lên chức bà) bật khóc nức nở…Cảm động lắm !

Trong 50 chuyện kỳ thú phương Nam, chuyện nào khiến anh thích thú và tốn nhiều thời gian để theo đuổi nhất?

Chính là loạt bài “Những ngôi nhà mồ độc đáo” và “Lăng mộ các danh thần triều Nguyễn”. Để có được một bài viết, nhiều khi tôi phải lui tới hiện trường 2, 3 lần mà lại rất cách xa TP.HCM như mộ Trịnh Hoài Đức (ở TP. Biên Hòa), mộ Nguyễn Huỳnh Đức (TP. Tân An, Long An), mộ Phạm Quang Triệt (ở Gò Quéo, Bình Trưng Đông, Q.2)…

Nhiều khi bị con cháu, hậu duệ của nhân vật lịch sử làm khó dễ, bắt phải có giấy giới thiệu của chính quyền sở tại mới mở cổng cho vô chụp hình hoặc sau rất nhiều nhiêu khê mới tìm ra được lăng mộ thì lại bị khóa cổng vào đành phải đứng ngoài lòn tay qua song sắt chụp hình một cách “cầu âu”…

Thế nhưng cũng rất thích thú khi tìm đến 2 ngôi mộ của cùng một người được lập tại TP.HCM (cộng thêm 1 mộ ngoài thành Bình Định là 3 ngôi mộ của danh tướng Võ Tánh)… Đó là chuyện tốn công sức theo đuổi, còn “kỳ thú” thì… câu chuyện nào cũng kỳ thú !

Viết văn hóa văn nghệ thường ít bị các cám dỗ nhưng tai nạn nghề nghiệp thì nghề nào cũng có. Giờ tròn 60 năm cuộc đời, anh có thể kể một tai nạn nghề nghiệp của bản thân để đồng nghiệp trẻ rút kinh nghiệm?

– Chẳng ai dám vỗ ngực tự nhận mình chưa từng bị “tai nạn nghề nghiệp” bao giờ cả. Tôi cũng thế, nhẹ thì như tôi đã trình bày trong bài “Ai đưa em sang sông?” (60 bóng hồng trong thơ nhạc), nặng thì bị kiện ra tòa (tuy nhiên tòa cũng thấy bên khởi kiện đưa ra những lý do rất vu vơ, chỉ vì… tự ái nên giải quyết nhanh gọn).

Đó là tôi đã tự “kềm chế” mình không chú trọng khai thác những scandal tình ái của các văn nghệ sĩ (mà người đương thời ai cũng biết) mà chỉ lướt qua, để tập trung vào những tình tiết đẹp nhất, cảm động nhất.

“Hãy hết sức cẩn trọng khi viết về một con người đã sống và đang sống với chúng ta, sống giữa chúng ta” – đó là câu tâm niệm của tôi. Hy vọng các bạn đồng nghiệp trẻ cũng đồng cảm với tôi trong tôn chỉ này.

Trạc Tuyền thực hiện
(Theo Thời Đại)