Nhà đầu tư Trung Quốc đánh giá lại chiến lược đầu tư tại Mexico

Các đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Mexico đánh giá lại các dự án tại đây. Ảnh: Reuters

Nhà đầu tư Trung Quốc đang xem xét lại các dự án tại Mexico khi các chính sách của Mỹ gây gián đoạn thương mại khu vực, cản trở các dự án đầu tư, kế hoạch làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc tại Bắc Mỹ. Dòng vốn và xu hướng di dời sản xuất ra khỏi đại lục trước đây có thể sẽ sớm đổi chiều.

Hiệp định thương mại USMCA tiếp tục tồn tại?

Trao đổi với Nikkei Asia với điều kiện giấu tên, các nhà đầu tư Trung Quốc nói rằng họ đã tạm dừng đầu tư cho các dự án mới kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đe dọa sẽ đảo lộn Hiệp định thương mại Mỹ, Mexico và Canada (USMCA).

Mọi người đang đoán già đoán non rằng liệu USMCA có tiếp tục tồn tại, được gia hạn thêm 16 năm như dự định hay không sau kỳ họp ba bên vào tháng 7-2026.

Trước đó, năm 2018 ông Trump đã cáo buộc Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là “lỗi thời, thảm họa và gây phương hại cho nền kinh tế Mỹ”, ra lệnh đàm phán lại và thay thế bằng USMCA.

Mexico đã trở thành một điểm nóng của dòng vốn Trung Quốc do vị trí gần Mỹ và hiệp định thương mại tự do USMCA cho phép nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm đáp ứng các quy tắc nhất định. Mexico cũng có hiệp định thương mại tự do với nhiều nước châu Âu.

Tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của các đối tác USMCA vượt quá 1.800 tỉ dô la, tăng hơn 50% từ năm 2021 đến năm 2023, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR)

Các chuỗi cung ứng chiếm phần lớn thương mại nội khối, ví dụ như linh kiện xe hơi được trao đổi qua biên giới nhiều lần trước khi được lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng.

Mexico được xem là một điểm nóng của chiến lược “vươn ra toàn cầu” của các hãng xe điện Trung Quốc bởi họ có thể được miễn khoản thuế 27,5% áp với xe sản xuất tại Trung Quốc. Hiệp định USMCA quy định rằng hàng sản xuất ở Bắc Mỹ sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu 75% linh kiện được sản xuất tại Bắc Mỹ, 70% thép và nhôm có nguồn gốc tại đây.

Một hãng xe hơi Trung Quốc đang hoạt động ở bang Nuevo Leon ở đông bắc nói rằng nếu ông Trunp tiếp tục các mức thuế đe dọa USMCA thì hãng có thể sẽ rời khỏi Mexico, cho các hãng khác thuê nhà xưởng hiện tại của mình.

“Chúng tôi chỉ đang cố gắng thích ứng nhanh chóng và hy vọng rằng thuế quan của vị tổng thống Mỹ có thể là ngắn hạn”, đại diện hãng nói.

Các nhà phát triển và chủ sở hữu khu công nghiệp ở Mexico cho biết sự không chắc chắn do các mối đe dọa thuế quan mang lại sẽ làm chậm các thỏa thuận đầu tư của các nước khác.

Trong giai đoạn 2021-2023, hơn 20 hãng xe điện đã hoạt động tại Mexico. Nhiều hãng như BYD, Cherry, SAIC Motors và Great Wall Motors đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy, “trung tâm xuất khẩu xe” sang Mỹ.

Động lực tăng trưởng của các khu công nghiệp Mexico

Doanh nghiệp Trung Quốc là một trong những động lực tăng trưởng chính cho các khu công nghiệp tại Mexico.

David Pascual Alemany, chủ tịch của khu công nghiệp Marabis, cho biết các công ty Trung Quốc đã cam kết ký bảy hợp đồng thuê đất trị giá 700 triệu peso (34 triệu đô la) trong năm ngoái. “Nếu bây giờ hàng sản xuất tại Mexico bị áp thuế, họ sẽ không đến đây”.

Pascual Alemany nói một vài công ty Trung Quốc đã đặt cọc, nhưng số đông vẫn chần chừ. “Họ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra với thuế quan với Mexico.”

Mexico hiện có 464 khu công nghiệp, 94 khu công nghiệp khác đang được xây dựng, theo Hiệp hội các khu công nghiệp Mexico (AMPIP).

Số lượng công ty Trung Quốc thuê đất tại các khu này đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020 lên 156 công ty vào cuối năm ngoái, theo dữ liệu của hãng phân tích bất động sản thương mại SiiLA.

Hơn một nửa số này là các dự án án mới, Alejandro Delgado, giám đốc quốc gia của SiiLA tại Mexico cho biết. Một phần ba các dự án từ  năm 2020 trở về trước đã mở rộng hoạt động.

Sự mở rộng của các khu công nghiệp Mexico là nhờ vào chính sách friend-shoring (mua bán với các nước đồng minh, thân thiện với Mỹ) của Wahsington. Căng thẳng địa chính trị với Washington cũng thúc đẩy Bắc Kinh siết chặt các mối quan hệ đầu tư, kinh tế và thương mại với Mexico. Đầu tư của Trung Quốc tại Mexico đã tăng trung bình 50% mỗi năm sau Covid-19, theo dữ liệu của chính phủ Mexico. Trong chín tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 477 triệu đô la tại Mexico.

Tuy nhiên, hãng phân tích rủi ro Rhodium Group tin rằng đầu tư thực tế của Trung Quốc cao hơn thống kê chính thức. Phân tích của Rhodium cho thấy có 12 giao dịch, chủ yếu là các thỏa thuận cơ sở mới, trị giá 1,43 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm 2024. Rhodium cũng tin rằng các tập đoàn Trung Quốc đại lục có thể đang tiến hành kinh doanh tại Mexico thông qua ngõ Hồng Kông.

Đảo ngược friend-shoring

Khi Covid-19 khởi phát, Washington đã khuyến khích các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại đại lục. Nước Mỹ đã nhận ra rằng chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất về xứ cờ huê sẽ không khả thi, nên đã đưa ra khái niệm friend-shoring, tức chuyển bớt năng lực sản xuất sang các nước có mối quan hệ thân thiện hơn với Mỹ.

Báo cáo Reshoring Index phát hành năm 2023 của hãng tư vấn Kearney nói một số công ty – đặc biệt là những công ty đang tìm cách tiết kiệm chi phí hậu cần và vận chuyển cho các sản phẩm tiêu dùng lớn hơn, cồng kềnh hơn, có giá trị tương đối thấp – đang đa dạng hóa hoàn toàn khỏi châu Á và chuyển sang Mexico và Mỹ.

Chẳng hạn, Kearney nói lắp ráp đồ nội thất ngày càng thực hiện nhiều hơn ở Mexico. Xu hướng này được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong các khu công nghiệp – có đa phần là công ty Trung Quốc – mọc lên gần thành phố Monterrey của Mexico và các thành phố khác gần biên giới với Mỹ.

Báo cáo cho biết việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty. Hơn 80% công ty được khảo sát trong hầu hết các ngành công nghiệp cho biết họ có kế hoạch chuyển ít nhất một phần hoạt động sản xuất của mình trở lại Mỹ trong giai đoạn 2022-2025. Một số trong số này hoạt động trong các ngành đang được Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS của chính phủ Mỹ thu hút, với mục tiêu chính là ngành xe điện và ngành bán dẫn.

Mọi chuyện có chiều hướng đảo ngược từ sớm, trong giai đoạn các ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tích cực vận động cho các chiến dịch bầu cử tổng thống. Đầu năm 2024, dưới áp lực của Mỹ, chính phủ liên bang Mexico đã bắt đầu ngưng các ưu đãi về thuế, đất đai và điện nước với các hãng xe Trung Quốc đang muốn mở rộng nhà máy ở nước này.

Ông Trump quay lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai, friend-shoring không còn là lá bài tẩy.

Jennifer Wang, đối tác cấp cao tại hãng luật AllBright Law, nói rằng thuế quan sẽ làm cho tình hình đầu tư của các công ty Trung Quốc trở nên “phức tạp hơn”.

“Đối với các công ty có chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào thị trường Bắc Mỹ, họ rất có thể sẽ phải lên kế hoạch tái cấu trúc địa điểm sản xuất và đường đi chuỗi cung ứng để đối phó với tác động của các chính sách liên quan”, bà Wang nhận định.

Đầu tư của Trung Quốc chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mexico. Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu chiếm gần 38% tổng vốn FDI trong năm 2023. Nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc đã thu hút sự chú ý từ Washington và Mexico City.

Tiền lương và chi phí sản xuất ở Mexico tương đối thấp hơn so với Mỹ. Nhưng một số công ty Trung Quốc nói rằng mức thuế 25% đối với Mexico có thể sẽ khiến họ quay trở lại Trung Quốc đại lục, nơi có chi phí thấp hơn và chuỗi cung ứng cũng hoàn thiện hơn.

Theo Nikkei Asia, Reuters, Kearney

Nhật Bản vượt Thái Lan trở thành điểm du lịch hàng đầu của du khách Trung Quốc