Đồng yen yếu đã làm nổi bật tình trạng dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nhật Bản, khi phần lớn ngành công nghiệp của Nhật Bản phụ thuộc vào dịch vụ điện toán đám mây do các hãng đại công nghệ của nước ngoài như Amazon cung cấp. Thâm hụt cán cân thanh toán đạt tới 5.500 tỉ yen, gần 37 tỉ đô la, trong năm ngoái, tăng 16% so với năm trước đó.
Ngành dịch vụ kỹ thuật số của Nhật Bản đang gặp khó khăn do đồng yen mất giá, khiến chi phí gia tăng và lợi nhuận sút giảm. Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài là một phần của “thâm hụt kỹ thuật số” của Nhật Bản, vốn đã đưa tài sản ra nước ngoài.
Thâm hụt kỹ thuật số gia tăng gấp đôi trong năm năm qua
Dịch vụ Cloud đã trở nên không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp Nhật. Theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong nước chỉ chiếm 30% thị phần tại Nhật Bản, trong khi các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài như Amazon, Microsoft và Google lại thống trị thị trường. Khi khách hàng dùng Amazon, dịch vụ được mô tả bằng tiếng Nhật nhưng giá tính bằng đô la Mỹ. Chẳng hạn, Amazon đã quảng cáo rằng các kế hoạch lưu trữ tệp tin trên Cloud có giá 1.402 đô la mỗi tháng, các kế hoạch di chuyển các ứng dụng kinh doanh lên Cloud có giá 2.059 đô la mỗi tháng.”
Tình trạng thâm lạm nặng nề đã thể hiện rõ trong cán cân thanh toán của Nhật Bản. Thâm hụt cán cân thanh toán liên quan đến kỹ thuật số là 5.500 tỉ yen trong năm 2023, tăng 16% so với năm trước và gấp đôi so với 5 năm trước. Ngoài điện toán đám mây, các khoản thanh toán ở nước ngoài của Nhật Bản cho các dịch vụ liên quan đến web và phát triển phần mềm khác nhau vượt xa số tiền thu được.
Tổng giám đốc quan hệ nhà đầu tư Fumihiko Tanizakin thuộc hãng dịch vụ bảo mật thông tin Digital Arts có trụ sở ở Tokyo cho rằng: “Tỷ giá 150 yen so với đồng đô la Mỹ là điều rất bất ngờ. Chi phí máy chủ và các dịch vụ khác đã tăng vọt do đồng yen mất giá, bào mỏng lợi nhuận. Chúng ta cần phải hành động”.
Máy chủ và các chi phí liên quan chiếm khoảng 30% chi phí bán hàng của công ty và các chi phí này tăng khoảng 140 triệu yen (898.000 đô la) lên 1,3 tỉ yen trong năm qua, tăng 12% so với năm trước đó. Tỷ giá hối đoái trung bình trong năm là 144 yen trên một đô la – yếu hơn 9 yen so với giả định của công ty là 135 yen. Các khoản chi trả theo hợp đồng bằng đô la đã tăng vọt”.
Digital Arts sử dụng dịch vụ Cloud của Amazon Web Services (AWS) để quản lý các dịch vụ bảo mật và các hoạt động liên quan. Trong khi thị trường mở rộng và doanh thu của công ty tăng 10%, lợi nhuận hoạt động – 44 tỉ yen – gần như không thay đổi do chi phí tăng.
Năng lực IT của Nhật Bản còn thấp
Năng lực công nghệ thông tin của Nhật Bản không thể bắt kịp xu hướng này, cả về công nghệ lẫn năng lực cung ứng. Khi Nhật Bản tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số (DX), “thâm hụt kỹ thuật số” ngày càng mở rộng, dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi Nhật Bản
Chính phủ đang cảnh giác với vấn đề này. Nhằm nâng cao an ninh của nền kinh tế, Nhật Bản sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Hồi tháng 4, METI đã công bố khoản trợ cấp 72,5 tỉ yen để hỗ trợ hạ tầng trí thông minh nhân tạo (AI) cho năm công ty Nhật Bản, trong đó có hãng viễn thông KDDI.
Cơ quan Kỹ thuật số của chính phủ đã chọn Sakura Internet làm nhà cung cấp trong nước đầu tiên cho mạng lưới đám mây chính phủ, cho phép chính quyền trung ương và địa phương hoạt động trên một nền tảng chung.
Tuy vậy, các nhà cung cấp nội địa của Nhật Bản sẽ gặp bất lợi so với nhà cung ứng nước ngoài do sản phẩm nước ngoài có tính tiện lợi và tính năng bảo mật cao hơn.
Nhà phân tích Kengo Wataya thuộc Viện nghiên cứu Mitsubishi cho rằng: “Với AI tạo sinh (GenAI) được sử dụng trên quy mô lớn trong tương lai, các công ty Mỹ sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng tình trạng thâm hụt kỹ thuật số sẽ ngày càng lớn với Nhật Bản”.
Theo Nikkei Asia,
Ricky Hồ / BSA Media
Trang trại bào ngư Úc giới thiệu “rượu vang ủ dưới đáy biển sâu”