Nhật ký 20 tháng cứu con trên đất Mỹ – Kỳ 2: Những ngày u ám như mùa đông

Bé chuẩn bị vào phòng gây mê làm MRI tại Mỹ cuối năm 2016

Trong những ngày hoá trị đầu tiên, con bé vẫn ổn. Nhưng sau tuần thứ 2 và thứ 3 truyền hoá chất thì tóc con bé bắt đầu rụng, và sau mỗi tuần thì tóc lại rụng nhiều hơn nữa. Chị hàng xóm người VN sống ở phòng bên cạnh mẹ tôi nói rằng “Nó đã rụng là sẽ rụng thôi, em có nâng niu thế nào cũng không  được đâu.

>> Nhật ký 20 tháng cứu con trên đất Mỹ – Kỳ 1: Đã từng nghĩ đến chuyện hiến tạng

>> Nhật ký 20 tháng cứu con trên đất Mỹ – Kỳ 2: Những ngày u ám như mùa đông

Những ngày u ám như mùa đông

Con chị lúc hoá trị để sau này ghép tuỷ, nó chỉ rụng trong có mấy ngày là sạch cái đầu rồi”. Khi đó tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều mũ len xinh đẹp nhiều màu sắc vì sợ hết tóc rồi thì lạnh đầu con bé. Nhưng thật may vì nó vỗn dĩ rất nhiều tóc nên khi rụng hơn 1 nửa đầu rồi vẫn còn đủ tóc để che cái da đầu.

Rồi con bé bắt  đầu không ăn bất kỳ thứ gì, ngay cả sữa cũng kém dần đi. Tôi phải bơm từng ml sữa vào miệng con bé rồi tính toán cộng lại xem ngày hôm nay con bé uống được bao nhiêu sữa. Lúc đó tôi gần như đã ôm cả cái chợ Costco về, chỉ mong con bé ăn được gì 1 chút thôi nhưng cũng ko được hoặc rất khó.  

Mỗi tháng bạn của bố con bé sẽ tới và giúp mẹ con tôi đi chợ mua nước, sữa, bỉm, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho 1 tháng hoặc hơn nữa rồi chất đầy căn phòng mẹ con tôi sống. Và mỗi lần như vậy bạn của bố con bé lại cố gắng chơi cùng con bé, trông con bé giúp tôi đôi ba giờ để tôi nghỉ ngơi. Sau này con bé nói khá hơn thì nó hay gọi bác ấy là “Bác Taxi”. 

Lúc đó mắt con bé lúc nào cũng lờ đờ mệt mỏi, thuốc phải uống đúng theo chỉ định ko được sai, da con bé xanh ngắt như đọt chuối non và chóc vảy. Thuốc phải uống đúng cữ đúng ngày, vì thuốc nào cũng quan trọng cả. 

Thuốc làm loãng máu phải uống mỗi ngày để ko nguy hiểm gì cho cái mạch máu hẹp trong não, nếu ko uống thì có thể gây nghẽn mạch máu. Chúng tôi phải chờ đợi vài ba năm cho mạch máu mới sinh ra thay thế cho cái mạch máu hẹp, do con bé vẫn đang trong độ tuổi các tế bào sinh sôi hang ngày nên bác sĩ quyết định chờ đợi thay vì phẫu thuật não tiếp. Thuốc chống viêm phổi mỗi cuối tuần, khi hoá trị thì virus rất dễ tấn công vào phổi và gây nguy hiểm khôn lường. 

Cuối cùng khối u đã ngừng phát triển sau 9 tuần hoá trị liên tục, đó là 1 buổi chiều 29 tết

Trước khi con bé vào hoá trị thì tôi cũng phải chủ động tự đi tiêm vacxin cúm cho mình ở CVS gần nhà, để phòng ngừa cho chính bản thân tôi ko nhiễm bệnh mà gây nguy hiểm cho con bé. Phải luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng diệt khuẩn, quần áo ngày thay vài bộ, thường xuyên vệ sinh nhà cửa chăn gối sạch sẽ, ko được đến gần những người đang mắc bệnh truyền nhiễm,  đồ dùng uống thuốc uống sữa và ăn uống của con bé phải rửa sạch và sấy hấp.

Đó là những ngày u ám như mùa đông bên ngoài vậy.

Rồi trong những ngày đó mẹ tôi được trải qua trận bão tuyết lịch sử ở D.C, tuyết rất nhiều và kéo dài trong suốt 2 ngày. Lúc đó tôi nhìn tuyết trắng xoá và cao ngất, hệ thống giao thông thì tê liệt, tôi thật sự sỡ hãi nếu như con bé sốt thì làm cách nào tôi có thể đưa con bé đi vào viện trong điều kiện thời tiết như vậy.

Cho đến chiều 29 tết!

Trong 10 tuần hoá trị tấn công đầu tiên thì con bé chỉ làm được 9 tuần, do máu của nó xuống rất thấp và tình trạng sức khoẻ suy yếu đi rất nhiều. Bác sĩ quyết định cho con bé làm MRI theo đúng lịch trình và bỏ qua tuần thứ 10 hoá trị. Cuối cùng khối u đã ngừng phát triển sau 9 tuần hoá trị liên tục, đó là 1 buổi chiều 29 tết đầu năm 2016. Tôi đã khóc khi bệnh viện điện thoại thông báo kết quả sơ bộ đầu tiên, tôi có nói với họ rằng ngày mai là Tết ở đất nước tôi nên hãy cho chúng tôi 1 cái Tết vui vẻ. 

Họ đã làm đúng như đã hứa với tôi.

Trong những kỳ hoá trị thì con bé cấp cứu rất nhiều, tôi thường phải giữ không nói hết cho bố nó.

Tôi không quên được 1 lần trong khi bố con bé đang ở Mỹ và cùng tôi đưa con bé đi cấp cứu. Nhìn con bé la hét trên giường trong khi 3-4 người y tá giữ tay chân của con bé để đâm kim vào Chemoport. Máu rút ra sẽ 3 lọ, và bất cứ ai nhìn 3 lọ máu đó đều sẽ phải run người. Bố con bé cứ lẩm bẩm “Rút gì mà rút nhiều máu vậy”, còn tôi thì chỉ biết ôm con và khóc. Vì vậy sau này mỗi kỳ bố con bé sang thăm con trong 10 ngày hay nửa tháng, tôi đều cố gắng lấy lịch nghỉ hoá trị, để 2 bố con có thời gian vui vẻ ở nhà cùng nhau. 

Tôi cũng không muốn bố con bé sẽ phải gặp những đứa trẻ ở lầu 4, nơi mà hầu hết là đều ko còn tóc. Tôi không muốn bố nó sẽ gặp đứa trẻ Mỹ trắng lai Á cùng hoá trị 1 ngày với con tôi, thằng bé đó 1 tháng phải cấp cứu tới 9 lần và cuối cùng phải bỏ dở hành trình hoá trị. Đã có lần tôi tận mắt nhìn thấy thằng bé rên hừ hừ và ói ko ngừng nghỉ khi hoá trị, mẹ thằng bé cứ vỗ lung cho con và khóc 1 cách bất lực.

Tôi không muốn bố nó nhìn thấy con mình ói chỉ sau 3 phút hoá chất truyền vào, tôi cũng chẳng muốn bố con bé thấy con mình phải thay tới hơn 20 cái chăn trong 1 giờ đồng hồ tại phòng cấp cứu vì ói. Tôi càng ko muốn bố con bé thấy tôi quỳ gối khóc bên giường con khi con tím ngắt vì sốt gần 40 độ. Tôi chẳng muốn bố nó thấy những lần bác sĩ y tá hốt hoảng chạy vào phòng con bé khi cơn sốt không thể hạ được.

Bé chuẩn bị vào phòng gây mê làm MRI tại Mỹ cuối năm 2016

Tôi cũng chẳng muốn bố con thấy những đôi mắt đỏ hoe trốn ở góc hành lang để khóc, hay những lần tôi cùng vài người nữa ngồi nói cho nhau nghe đứa trẻ này đứa trẻ kia đã về với Chúa.

Tôi chỉ muốn bố con bé cũng như mọi người nhìn thấy con bé đã vững vàng kiêu hãnh đi qua những ngày tháng gian khổ đó.

Chỉ cần mình tôi thôi là đủ rồi.

Ôi, đôi mắt con tôi!

Lịch hoá trị về sau này được giãn ra 4 tuần hoá trị liên tục thì được nghỉ 2 tuần, và cứ 8 tuần hoá trị thì được coi là 1 kỳ và phải làm MRI để kiểm tra. 

Mỗi kỳ MRI tới là mỗi lần tôi mất ngủ nặng hơn, tôi cứ quỳ gối bên giường và cầm tay con để cầu nguyện. Con bé sẽ phải nhịn đói và khát trong 10 tiếng trước khi gây mê làm MRI. Mặt nạ gây mê được đặt trên mặt con bé, tôi cầm tay và vỗ về con rằng mọi việc sẽ ổn, rằng tôi và bố nó yêu nó như thế nào. Chỉ trong vài giây con bé sẽ lịm đi và nước mắt vẫn chảy nơi khoé mắt nó. Lúc đó bác sĩ mắt của con bé sẽ tiến vào dùng máy móc để kiểm tra các dây thần kinh mắt, xong đó con bé được đẩy đến phòng MRI trong 45 phút. 

Mỗi kỳ MRI tới tôi đều cầu nguyện ông trường nhóm MRI sẽ ko tới thăm con tôi. Vì lần làm MRI quyết định con bé sẽ được về VN hay phải hoá trị, trong lúc tôi đang ngồi trông con vẫn ngủ sau gây mê thì ông ấy tiến vào phòng. Ông ấy ra hiệu cho tôi cứ ngồi đó, rồi ông ấy cứ đứng nhìn con tôi và xoa tay nắn chân cho con bé. Sau đó vài ngày thì tôi nhận quyết định con gái tôi sẽ phải trải qua hoá trị 42 tuần do khối u đã tang trưởng lại sau phẫu thuật não.

Tôi nhớ có một  lần bác sĩ về mắt của con bé nói với tôi rằng: “Tôi rất đau lòng để nói cho cô biết rằng những dây thần kinh đã hỏng nơi mắt trái của con bé sẽ không có cơ hội hồi phục nữa. Điều ấy có nghĩa vùng thị giác bên trái của con gái cô sẽ bị co hẹp hơn, tín hiệu chuyển lên não con bé sẽ chậm hơn.

Cô chỉ có thể thật nỗ lực và kiên trì thực hiện việc luyện tập cho con bé, để những dây thần kinh còn lại sẽ trở nên khoẻ mạnh hơn và chống đỡ được cho những phần đã hỏng và kém. Sau này con bé ko nên học lái xe, cô phải dạy con bé biết cách đề phòng mọi thứ từ bên phía trái của mình”.

>> Nhật ký 20 tháng cứu con trên đất Mỹ – Kỳ 3: Tôi đã ngã vị kiệt sức

Theo chavame.com