Trong buổi chiều ngày thi chung kết đầu tiên của Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh tại Dinh Độc Lập, TP.HCM, nhiều dự án có tính cộng đồng cao, khi gắn kết với nhiều hộ nông dân, sản xuất, phát triển, khai thác chính những loại nông sản, đặc sản địa phương đang có.
Có thể kể đến một số dự án, như: “Phát triển cây tràm sản xuất tinh dầu kết hợp du lịch sinh thái tại các vùng đất hoang hóa, sình lầy, bán ngập nước tại tỉnh Ninh Bình” của anh Nguyễn Văn Dư đã tạo công ăn việc làm cho 28 thành viên HTX Dược liệu Đông Sơn.
Tiến sĩ Phan Văn Minh – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học môi trường, Viện Nghiên cứu CNSH và MT, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, nhận xét, người nông dân tham gia trong mô hình có thu nhập 5,5 triệu đồng/ tháng là sống tốt được và cần phát huy mô hình này ở thêm những khía cạnh mới, nhưng phải quan tâm đến những yếu tố về kiểm nghiệm các kết quả của quá trình trồng, đất, nước, sản phẩm tinh dầu…
Trong khi, giám khảo Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE) góp ý, chủ dự án này cần hoạch định rõ chi phí và phần lợi nhuận có được từ làm tinh dầu, cao, xà bông, hay các nguồn thu thêm từ các loại tôm, cá sống trong môi trường này…
Đến từ tỉnh Lâm Đồng, dự án với tên gọi “Phát triển sinh kế cho người dân tộc Cill qua việc tăng giá trị mật ong rừng tại xã Đưng K’nớ”, do nhóm thí sinh K’ Lòng Mai Thơm, Long Đinh Ha Ônh, Bon Niêng Ha Siêng, lại mang đến sự bảo tồn thiên nhiên một cách nguyên bản mà vẫn khai thác được những giá trị tốt nhất của mật ong rừng bản địa.
Trình bày bài thi của mình, những người thực hiện dự án cho hay, Tổ hợp tác Ong PơKao được thành lập năm 2021 dưới sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt. Đến thời điểm hiện tại, tổ hợp tác có 21 thành viên. Được tổ chức PGS đào tạo, tập huấn và tư vấn cho cách làm bền vững.
Chị K’ Lòng Mai Thơm trình bày rằng, các công việc được phân chia cho những thành viên tham gia, nhóm đi săn mật ong rừng theo hình thức bền vững, không dùng lửa, khói bắt ong. Mật ong được thu hoạch về được nhập kho, lọc thô để loại bỏ tạp chất. Sau đó, đến công đoạn hạ thủy phần mật ong rồi đưa vào các bình chứa, trước khi đóng các nhãn, mác để thành phẩm.
“Sản phẩm được nhóm cộng đồng làm ra, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng tại địa phương, bán online hay khách, với giá khoảng 900.000 đồng/lít”, Chị K’ Lòng Mai Thơm nói.
Khi được hỏi về cách phân biệt mật ong như nào cho đúng, cho đạt, anh Long Đinh Ha Ônh cho hay, mật ong treo, có vàng trong, mật ong đất, khe đá là nâu sẫm. Và tại dự án của nhóm, chỉ có hai loại chính là mật của ong khoái và ong đất.
Giám khảo Phạm Trọng Chinh, chuyên gia thị trường từ Trung tâm BSA cho rằng, những cách làm và câu chuyện sản phẩm của dự án là hay, nhưng hãy kể một cách hay hơn, có hiệu quả hơn để người tiêu dùng thấy điều đó.
Thí sinh Lê Minh Vương, chủ dự án Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC-Plus cho biết, với mong muốn tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp từ phân gia súc, gia cầm, những loại trái cây hư bỏ đi… để tái sử dụng để làm phân bón, chế phẩm sinh học dạng nước, cám vi sinh. Từ đó, có thể phục vụ ngược trở lại cho trang trại và cung cấp cho bà con nông dân với giá thành, chất lượng tốt nhất, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.
Nhưng theo giám khảo Dương Đức Minh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, sức chứa du khách khi đến chưa nhiều, còn nhiều hạn chế, cho nên dự án cần tính toán, kỳ vọng được con số để xây dựng kế hoạch phát triển thêm du lịch cho mình.
Nói về dự án này, giám khảo Phan Văn Minh giải thích, dự án nói là trang trại nông nghiệp tuần hoàn, nhưng ông chưa thấy được sơ đồ tuần hoàn của dòng chảy vật chất trong các nguyên liệu, hệ sinh thái.
“Tôi thấy sản xuất phân trùn quế thì bạn sản xuất phân hữu cơ cho nông nghiệp, chứ không phải tuần hoàn. Trong nông nghiệp mỗi lần có đầu vào sẽ tạo ra những dòng sản phẩm ở các công đoạn, vòng đời, như vậy nó đi kèm và tính toán được hiệu suất khai thác được ra sao. Ví như hiệu xuất của phân heo, ủ còn bao nhiêu, bón cho cây thì còn bao nhiêu… nghĩa là hạch toán dòng năng lượng, nó tuần hoàn theo chiều thẳng đứng hay chiều ngang”, giám khảo Phan Văn Minh dẫn chứng và phân tích.
Vòng chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023, trong số 37 dự án tranh tài tại vòng chung kết, có không ít dự án của các nữ doanh nhân trẻ. Trong đó, có thể kể đến dự án “Nhang sạch thảo mộc – tận dụng nâng cao giá trị nguồn dược liệu của bản địa” của Lê Thị Cẩm Vân (Đồng Nai), dự án “Cacao Mekong phát triển tài nguyên bản địa, chung tay vì sức khỏe cộng đồng” của Đoàn Thị Tuyết Nhung (Trà Vinh), dự án “Chế biến các sản phẩm từ cây măng tây theo mô hình liên kết chuỗi bền vững tại vùng ngập lụt Gò nổi – Quảng Nam” của Đỗ Thị Phương Đông (Quảng Nam), dự án “Chế biến trà lam gác bếp từ chè shan tuyết” của Đặng Thị Dất (Bắc Kạn)…
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức, với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, cùng sự đồng hành của các Doanh nghiệp HVNCLC, như: Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty Lợi Lợi Dân, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, Công ty Tư vấn toàn cầu GIBC, Công ty TNHH Tân Nhiên, Công ty Khang Nhi Ý, Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty Mỹ thuật Trà Quế, Quỹ đầu tư Touchstone, Chương trình lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam), Tâp đoàn Nam Dương group, Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ và thuong hiệu DIGISO.
Đặc biệt, năm nay có nhiều doanh nông trẻ, nhiều dự án đạt giải trong các kỳ thi trước cũng tham gia, với vai trò nhà tài trợ sản phẩm, như: Công ty TNHH SX TM quốc tế Khánh Hà Food, Công ty Cổ phần dừa nước Việt Nam, Công ty TNHH thực phẩm Trí Kiên, Công ty TNHH MTV HYGIE & PANACEE, Công ty TNHH Trà Vinh Farm, Công ty CP thực phẩm Quảng Thanh, Cơ sở Snack vỏ bưởi sấy Phúc Đat, Doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh, Công ty TNHH Ecolotus VN….
Một số hình ảnh từ cuộc thi: