Nhiều nông dân trẻ trở thành doanh nhân từ Cuộc thi dự án Khởi nghiệp Xanh

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức tọa đàm: “Khởi nghiệp xanh – hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ”. Từ chương trình Khởi nghiệp xanh, một thế hệ những “Doanh nông trẻ” đã được tạo ra. Họ gắn với nông nghiệp xanh, nông thôn, khai thác và phát triển bền vững hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.
Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, phụ trách chương trình Khởi nghiệp xanh, cho biết, thông qua cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh năm nay là năm thứ 9, chúng tôi đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với cả ngàn bạn trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Đây chính là lớp doanh nông trẻ tiêu biểu trong cả nước, với đam mê cháy bỏng làm giàu từ nguồn tài nguyên, đặc sản bản địa. Nhiều bạn đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn của châu Âu, Mỹ. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3* đến 5*, sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành…
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại diện bao gồm những doanh nông trẻ đã và đang được dự án khởi nghiệp xanh hỗ trợ chia sẻ đến báo chí về quá trình lập nghiệp của bản thân. Từ những ngày đầu khó khăn xoay sở với việc phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng cho đến việc ổn định, mở rộng thị trường.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam, ông Hoàng Sơn Công đề xuất, để tạo nguồn nhân lực nên sử dụng những người qua chương trình khởi nghiệp thành công để chia sẻ, đào tạo những người khởi nghiệp mới. Đồng thời, chương trình cần có tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về khởi nghiệp để những người khởi nghiệp mới chỉ cần vào biết những người khởi nghiệp trước thành công thế nào, huy động vốn ra sao…
Chương trình tọa đàm Khởi nghiệp Xanh hành trình 10 năm kiến tạo doanh nông trẻ tổ chức ở Hà Nội
Các cuộc tọa đàm giữa chuyên gia, các bạn trẻ khởi nghiệp

Tại cuộc tọa đàm, anh Lê Minh Cương – Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country, từng đạt quán quân cuộc thi khởi nghiệp năm 2021 của Trung tâm BSA cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch gặp muôn vàn khó khăn.
Trước hết là vùng nguyên liệu còn nhiều manh mún, không tập trung. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng thiếu đất xây dựng nhà máy, nhà xưởng bên phải thuê đất, với chi phí khá lớn. Vì thế, tại những dịp xúc tiến thương mại quốc tế, như Thaifex 2023, khi có những đơn hàng lớn, doanh nghiệp không giám nhận, vì khi nhận thì thị trường trong nước sẽ không có sản phẩm để bán, Lê Minh Cương tâm sự.
Trong khi đó, chị Sầm Thị Tình, HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn. Như HTX do sản phẩm chủ yếu là thổ cẩm nên kén khách, chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Nhưng việc tiếp cận với nhóm khách này khó khăn, một phần do hạn chế về ngôn ngữ và những khó khăn về kinh tế nên du khách chưa tới Việt Nam nhiều.
“Bên cạnh đó, HTX cũng thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, công nghệ sang chiết màu. Có sản phẩm cần màu tự nhiên nhưng do thiếu máy móc, HTX đành phải dùng phương pháp thủ công, đun lá cây trên bếp củi rồi sang chiết lấy màu…”, chị Tình cho hay.
Sự kiện “Khởi nghiệp xanh hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ”, là chuỗi hoạt động tiếp nối, nhằm giới thiệu về hành trình 10 năm chương trình Khởi nghiệp xanh đã đào tạo, hướng dẫn, tư vấn, nâng đỡ và cho ra đời thế hệ những “Doanh nông trẻ” trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo từ 2013 đến nay và kể từ 2023 là chương trình Khởi nghiệp xanh, với sự đồng hành của tổ chức, các Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao như: Vinamit, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên, Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty Lợi Lợi Dân…
T.Quỳnh