
Tại hội thảo “Am hiểu và Thích ứng – Những giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp”, sáng 11/4, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam nhận định người tiêu dùng Việt Nam đang dần hồi phục niềm tin, tuy nhiên rất dễ thay đổi theo tình hình kinh tế xã hội và có xu hướng lo lắng nhiều hơn.
Người tiêu dùng lo lắng nhiều hơn
Theo bà Nguyễn Phương Nga, qua các khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam, người tiêu dùng đang lo lắng nhiều hơn. Năm 2019 (trước Covid-19) là một thời điểm cột mốc. Trước thời điểm này, xuất khẩu tăng, lương tăng mỗi năm, bức tranh chung tất cả đều tích cực do đó tiêu dùng nội địa rất tốt. Nhưng sau khi Covid-19 tới mọi sự đã thay đổi. Mức độ tin tưởng lạc quan của người tiêu dùng hạ thấp và biến thiên theo mức độ dịch.
Tuy nhiên, đến năm 2022, một sự thay đổi khác đã diễn ra, không có dịch bệnh, nhưng nền kinh tế và sự biến động về mặt xã hội, đặc biệt cuối 2022 làn sóng sa thải ở thế giới cùng với nhiều thông tin kinh tế tiêu cực đã tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng. Đến cuối năm 2023, khi kinh tế phục hồi, GDP tăng trưởng tốt, nhưng giá thực phẩm tươi sống tăng và làn sóng sa thải kéo đến Việt Nam, cũng khiến người tiêu dùng không thể lạc quan. Đến gần cuối năm 2024, khi niềm tin đang phục hồi thì cơn bão Yagi kéo tới. Đến quý IV/2024, GDP rất cao, nhưng niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa được phục hồi.
“Chúng tôi chưa có dữ liệu đầy đủ về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Quý I/2025 nhưng dự báo quý I/2025 niềm tin chưa phục hồi tốt, bắt đầu xuất hiện từ khóa “mất việc” trên các phương tiện thông tin đại chúng” – bà Phương Nga nói. “Trước 2019, GDP tăng 7% và hơn, nhưng sau đó một giai đoạn dài kể từ sau Covid-19 tăng trưởng đã bị chậm lại. Quý I/2025, GDP tăng 6,9% là mức độ cao, nhưng với những thông tin tiêu cực từ kinh tế thế giới thời gian gần đây, đặc biệt khi có một số tổ chức đã dự báo ở kịch bản xấu GDP Việt Nam có thể bị kéo xuống 1-2% có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng” – bà Nga nói thêm.
Ngành hàng FMCG (Fast Moving Consumer Goods: Tiêu dùng nhanh) tăng trưởng chậm lại trong 3 năm gần đây. Thị trường phục hồi nhẹ trong 2 tháng đầu năm 2025 nhưng thách thức là rất lớn. Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam phân tích kỹ hơn về tâm lý lo lắng của người tiêu dùng.
Chỉ số CPI năm 2024 chỉ 3,6%. Chỉ số CPI được duy trì trong mức trần do Chính phủ đặt ra, tuy nhiên chỉ số tiêu dùng trong các ngành Thực phẩm, Y tế và Giáo dục ở mức cao. Nhóm lương thực thực phẩm thiết yếu tăng 12%. Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,2%. Giá giáo dục tăng 5,4%. Thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục đều là các sản phẩm không có khả năng trả giá. Trong khi đó, phân bổ chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay thì 4 mặt hàng: Thực phẩm, FMCG, sức khỏe, giáo dục chiếm đến 35-40% chi tiêu của hộ gia đình. Chính các nhóm tăng giá cao nhất, đặc biệt nhóm thực phẩm chiếm khoảng 20%, là nhóm chiếm trọng số chi tiêu lớn.
“Các bà nội trợ, (thường là nhưng người nắm hầu bao của hộ gia đình) thấy giá nhảy múa như vậy thì đương nhiên sẽ không thể không lo lắng” – bà Phương Nga nói.
Cũng theo bà Phương Nga, sự tăng giá các sản phẩm thiết yếu tạo ra áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Nhiều khi chưa có chuyện gì xảy ra nhưng đi chợ thấy giá tăng là lo lắng. Họ sẽ cân đo đong đếm, so sánh giá nhiều hơn. “Như thế họ sẽ càng cần doanh nghiệp thông tin cung cấp nhiều hơn, đầy đủ hơn để biết sự lựa chọn của họ là hợp lý, không bị hớ” – bà Phương Nga khuyến cáo với các doanh nghiệp.
Hiện nay ai cũng muốn đẩy online, nhưng liệu có đúng không?
Nói về các kênh bán hàng, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, sự tăng trưởng của kênh online không đồng nghĩa với tăng trưởng của một ngành hàng/nhãn hàng cụ thể. Nguyên nhân đến từ việc NTD có thể chỉ đang dịch chuyển chi tiêu của mình từ kênh này sang kênh khác (vì giá hấp dẫn, vì tiện lợi). Vì việc hiểu được nguồn tăng trưởng cụ thể của kênh online là rất quan trọng.
Chẳng hạn với nhhóm ngành thực phẩm và đồ uống 100 đồng online thì 56% được đến từ sự dịch chuyển từ kênh truyền thống khác và 44% đến từ các giá trị mới phát sinh nhờ online như nhờ họ mua sản phẩm giá cao hơn, lượng mua nhiều hơn. “Khi lên online có nhiều mặt hàng lựa chọn, có nhiều thông tin, thêm hiểu biết về các loại mặt hàng mới, ngoài ra còn tạo ra tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ tăng giá nên họ có thể mua nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thời gian gần đây cùng với các trào lưu livestream” – bà Nga nói.
Từ 2019 đến 2024, ở khu vực thành thị mua sắm trực tuyến cho hàng tiêu dùng nhanh tăng từ 29% hộ gia đình mua đến 2024 là 60% (ở trung Quốc là gần 100%). Mức độ chi online tăng lên, năm 2019 là 1,5 triệu đồng đến năm 2024 là 3,4 triệu đồng một năm. Ở nông thôn con số tương ứng là 11% năm 2019 và 42% năm 2024, đặc biệt năm 2023 từ 31% tăng 11 điểm % lên 42%, sắp tiệm cận mức độ mua sắm của khu vực thành thị. “Dù kênh kênh online và siêu thị mini đang tăng lên mạnh mẽ, nhưng các kênh truyền thống (tiệm tạp hóa) vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối” – bà Phương Nga lưu ý.

Sự tăng trưởng của thương mại điện tử không chỉ ở thành thị mà còn rất nhanh chóng ở khu vực nông thôn. Cùng với sự tăng trưởng của kênh thương mại điện tử và mua sắm online, mức độ khuyến mãi ngày càng tăng. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số đó mang lại tăng trưởng cả năm, cho thấy rằng khuyến mãi có thể mang lại hiệu ứng tăng trưởng ngắn hạn nhưng lại có thể tác động tiêu cực vào tăng trưởng dài hạn.