Những việc cần làm khi triển khai xây dựng nhà máy thông minh
Ngày 28/8, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức hội thảo “Giải pháp cho nhà máy thông minh”. Đây là một trong những hoạt động hướng đến Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 sắp được tổ chức vào tháng 9/2024.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm, yếu tố con người ngày càng nổi bật và được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình sản xuất. Công nghiệp 5.0 chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thiết kế các hệ thống tiết kiệm năng lượng để đạt được sản xuất bền vững hơn và giảm lượng khí thải carbon.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, việc xây dựng, triển khai nhà máy thông minh không chỉ là sự vào cuộc của các ngành, từ công thương, khoa học công nghệ, tài chính, mà còn phải có sự tham gia đồng hành của những đơn vị làm dịch vụ, nền tảng, máy móc thiết bị hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi này, có như thế mới thu được những kết quả khả quan, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Do đó “Hội nghị là điểm gặp nhau của tất cả các bên có liên quan trong đó, quan trọng nhất là doanh nghiệp, các nhà tư vấn đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp lựa chọn, xem xét, đơn vị cung ứng giải pháp tài chính, các chương trình mà thành phố đang áp dụng trong công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở nghị quyết 98 của thành phố. Cùng với đó là các nhà khoa học để họ trình bày các giải pháp của mình”, ông Hòa nói.
Chia sẻ bài trình bày của mình vối các doanh nghiệp, PGS.TS Thoại Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay, lĩnh vực khoa học công nghệ có những ứng dụng vượt bậc, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, nhất là việc lập kế hoạch cho doanh nghiệp trong cả một chuỗi hoạt động. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu hụt về nhân lực, nguồn vốn, trình độ… quá trình này nếu bản thân doanh nghiệp tự làm, rất khó.
Theo PGS.TS Thoại Nam, cần có sự tham gia của Nhà nước, có chính sách về nhà máy thông minh để “lôi kéo” các bên tham gia nhằm tạo ra sự phát triển ở nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, quảng bá. Nhà nước có thể hình thành những đơn vị đánh, giá, chứng nhận để khuyến khích việc này.
“Chẳng hạn như một doanh nghiệp nhỏ và vừa, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo dữ liệu phải có, nhưng nhà máy nhỏ thì dữ liệu không nhiều. Lúc này rất cần có các nhà máy hợp lại để có dự liệu lớn. Vì vậy, chúng ta phải liên minh, hợp tác, nhưng phải có cam kết, rành buộc giữa các bên để cùng nhau tham gia”, PGS.TS Thoại Nam đánh giá.
Cũng theo PGS.TS Thoại Nam, hiện nhiều công ty lớn đang triển khai làm nhà máy thông minh, nhưng cũng ở mức vừa phải, điều quan trọng nhất là phải chọn đúng công nghệ vì đầu tư cho vấn đề này rất tốn kém.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM thông tin, chúng tôi chuyển đổi số từ hơn 5 năm qua. Qúa trình này làm từ từ chắc chắn. Hiện nay, nhờ quá trình xây dựng nhà máy thông minh đã giúp doanh nghiệp quản trị hệ thống tốt hơn, không còn những đơn hàng lớn, dồn dập cùng sản xuất một lúc, mà tất cả đều có quá trình hợp lý hơn.
Theo ông Tống, khi làm chuyển đổi xây dựng nhà máy thông minh do nguồn vốn hạn chế, doanh nghiệp nên chọn vị trí, bộ phận nào làm trước, không làm dồn cùng một lúc. Quan trọng hơn, ông Tống cho hay, khi xây dựng nhà máy thông minh yếu tố xanh đã có trong đó, giúp doanh nghiệp điều chỉnh năng lượng hợp lý, đáp ứng cho vấn đề xanh.
Còn theo ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM, nhu cầu chuyển đổi số, tự động hóa của doanh nghiệp rất cao, tuy nhiên việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sản xuất, máy móc nhiều sẽ khó hơn các doanh nghiệp thương mai, dịch vụ.
Ông Tuấn nói, cho nên khi làm, doanh nghiệp nên làm từng khâu, bộ phận, không thể ngưng hoạt động cả nhà máy, phân xưởng để làm, mà phải có lộ trình, giải pháp nhất định, chọn những việc ưu tiên làm trước. Cũng không để dồn nhiều vào cùng một thời gian, giai đoạn. Nếu cần có thuể thuê các đơn vị dịch vụ làm cùng.