Nông dân Mỹ gặp khó vì không thể xuất chân gà, đầu cá sang Trung Quốc

Xuất khẩu chân gà từ Mỹ sang Trung Quốc đạt giá trị 290 triệu đô la Mỹ trong năm 2024. Ảnh: Reuters

Chân gà và đầu cá từ Mỹ vốn là các mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường đại lục. Nhưng nay nông dân Mỹ đang gặp khó do thuế suất trả đũa của Trung Quốc. Họ đang tìm thị trường khác, nhưng sẽ không dễ dàng tìm được thị trường thay thế có sức tiêu thụ lớn.

Các sản phẩm từ các trang trại gia cầm, gia súc nằm trong số các lô hàng nông sản chính của Mỹ sang Trung Quốc đã gặp phải rào cản thuế 125% từ đầu tháng 4.

Trung Quốc tiêu thụ 70% chân gà của Mỹ

Chân gà bị thải loại tại Mỹ, nhưng được xem là món ngon tại Trung Quốc vì giàu collagen và nhiều gân. Thị trường đại lục tiêu thụ lượng chân gà khổng lồ, bởi chân gà xuất hiện trong các món dim sum, ngâm chua hay nước dùng. Chân của các giống gà nước ngoài được ưa chuộng vì kích thước lớn hơn.

Các sản phẩm gà được vận chuyển từ Mỹ đã giảm đáng kể vào năm 2024, phần lớn là do Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm thô từ hàng chục tiểu bang Mỹ bị cúm gia cầm. Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu của Mỹ về xuất khẩu chân gà, đạt đỉnh ở mức 479.729 tấn vào năm 2022.

Nông dân Mỹ cho biết việc bán chân gà sang Trung Quốc có lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc bán cho ngành chế biến thức ăn vật nuôi. Nông dân đã nhận thấy nhu cầu chậm lại ở mức nhỏ giọt. Greg Tyler, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng xuất khẩu gia cầm và trứng Mỹ, cho biết mức thuế mới nhất sẽ làm giảm xuất khẩu chân gà và gà xuống mức “từ 0 đến tối thiểu”.

Việc mất đi khách hàng lớn nhất có nghĩa là chân gà sẽ phải được đông lạnh cho đến khi chúng có thể được vận chuyển với mức thuế suất thấp hơn — hoặc được gửi đến các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hay thú cưng.

Tại Trung Quốc, người mua sắm dường như không mấy bận tâm.

“Đối với tôi, đó không phải là vấn đề lớn vì vẫn còn những lựa chọn khác cho chân gà”, Chen Haoming, một sinh viên sống tại Quảng Châu cho biết. Chen cho biết các sản phẩm thịt đa dạng không phải là thiết yếu. Brazil cũng là nước xuất khẩu chân gà lớn sang Trung Quốc.

Dữ liệu thương mại chính thức cho thấy Mỹ đã xuất 290 triệu đô la chân gà sang Trung Quốc vào năm 2024, chiếm 69% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ theo giá trị.

Tyler cho biết “Chúng tôi hy vọng rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm kết thúc để chúng tôi có thể tiếp tục xuất khẩu”.

Món chân gà hấp ở một nhà hàng Hồng Kông. Chân gà là món đặc sản trong ẩm thực Trung Quốc, vốn tiêu thụ 69% chân gà xuất khẩu từ Mỹ. Ảnh: Getty Images

Các trang trại heo thiệt hại 1 tỉ đô la mỗi năm

Các bộ phận của heo – như tai, chân giò và đồ lòng – cũng được bán sang Trung Quốc, vốn tiêu thụ hơn 50% lượng xuất khẩu của Mỹ trong năm 2024, theo Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF). Thuế quan bổ sung của Bắc Kinh đã đẩy thuế đối với các món từ heo Mỹ lên 172%.

Joe Schuele, phó chủ tịch cấp cao phụ trách truyền thông tại USMEF, cho biết thuế quan đối với thịt heo các loại của Mỹ là “rất đáng lo ngại” vì nhu cầu trong nước Mỹ rất thấp.

Hiệp hội này ước tính rằng tổn thất của Trung Quốc do thuế quan sẽ gây ra thiệt hại khoảng 8-10 đô la cho mỗi con lợn, hoặc khoảng 1 tỉ đô la một năm.

“Họ là người mua lớn nhất về chân giò, đầu, các mặt hàng, dạ dày, phèo. Họ đang mua khối lượng lớn với giá cao hơn bất kỳ khách hàng nào khác có thể trả”, Erin Borror, phó chủ tịch phân tích kinh tế của USMEF cho biết.

“Các doanh nghiệp Mỹ đang chạy đua điên cuồng để cố gắng tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm đang chuẩn bị cho thị trường Trung Quốc đại lục”, bà Borror nói.

Trong buổi báo cáo kinh doanh hôm 29-4, một giám đốc điều hành tại công ty chế biến thịt heo hàng đầu của Mỹ Smithfield Foods nói rằng mức thuế mới của Trung Quốc có nghĩa là “Trung Quốc không phải là thị trường bán hàng khả thi cho chúng tôi tại thời điểm này”. Smithfield Foods thuộc sở hữu của WH Group của Trung Quốc, vốn đứng đầu thế giới về sản xuất thịt heo.

Doanh nghiệp nghề cá mất 20% doanh thu

Angie Yu là Chủ tịch của Two Rivers Fishereies, công ty xuất khẩu cá lớn nhất của tiểu bang Kentucky. Bà nói tất cả các đơn đặt hàng đầu cá chép đã bị hủy sau khi Trung Quốc áp thuế đối với các sản phẩm từ Mỹ. Kết quả là trang trại nhỏ bé của Yu sẽ mất khoảng 20% ​​doanh thu trong năm nay.

Yu thành lập Two Rivers Fisheries ở thị trấn Wickliffee vào năm 2012 nhằm giải quyết các vấn đề của loài cá chép xâm lấn. Công ty đã chế biến 1,6 triệu kg cá chép châu Á trong năm 2024. Trung Quốc là thị trường duy nhất cho đầu cá chép, vốn được sử dụng để nấu súp và các loại nước dùng khác.

“Cuộc chơi đã kết thúc. Tôi có thể cân nhắc thị trường người Mỹ gốc Á di cư, có thể thử Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Nhưng tôi vừa mất thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình”, Yu than thở.

Yu cho biết trong cuộc chiến thương mại dưới thời chính quyền Trump đầu tiên vào năm 2018, khi xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, cô đã có thể chuyển sang Trung Đông. Nhưng bây giờ, chi phí ngày càng tăng, chẳng hạn như chi phí cho máy móc nhập khẩu, sẽ làm giảm biên lợi nhuận của cô.

Trang trại Two Rivers Fishers ở Wickliffe, một thị trấn chỉ 700 dân ở bang Kentucky. Ảnh chụp từ YouTube

Khủng hoảng toàn diện: khó có thể tìm thị trường “bù đắp”

David Ortega, giáo sư về kinh tế và chính sách thực phẩm tại Đại học bang Michigan, cho biết xuất khẩu các sản phẩm thịt đa dạng của Mỹ tạo thêm nguồn doanh thu cho nông dân Mỹ, bởi thị trường Mỹ không hề tiêu thụ các sản phẩm này. Ngoài Trung Quốc, hai nước láng giềng là Canada và Mexico cũng nhập thịt các loại từ Mỹ.

“Thay vì đến Trung Quốc, nông dân có thể gửi nhiều sản phẩm này hơn đến Mexico, nhưng không có khả năng nào ở những thị trường đó có thể bù đắp hoàn toàn cho hoạt động thương mại mà chúng ta có với Trung Quốc”, Ortega nói.

Người Mỹ thích các loại thịt nạc và việc có thể xuất khẩu các bộ phận khác của động vật là yếu tố quan trọng đối với nông dân, ông nói.

Thuế quan của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ cũng sẽ giáng một đòn vào ngành nông nghiệp, đẩy giá phân bón, hóa chất diệt côn trùng và thiết bị nông nghiệp lên cao.

Peter Friedmann, giám đốc điều hành của Liên minh Vận tải Nông nghiệp (ATC), nói với CNBC rằng thuế quan đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng toàn diện” và các thành viên đang cảm thấy “thiệt hại” về tài chính.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media