(Vietnamtimes)- Sau 7 năm nghiên cứu, một nhà khoa học nữ VN đã phát hiện ra chất dẫn mới để ngăn chặn bệnh Alzheimer gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ mà thế giới chưa có thuốc chữa.
Đó là tiến sĩ Trần Phương Thảo (33 tuổi), giảng viên Bộ môn Hóa dược, Trường đại học Dược Hà Nội. Chị vừa được nhận học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng 2017 do Hội đồng giải thưởng quốc tế L’Oreal -UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học trao tặng.
Trên thế giới chưa có thuốc chữa
Trao đổi với PV, chị Thảo cho biết, bệnh Alzheimer là căn bệnh gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ, diễn biến theo thời gian và ảnh hưởng đến toàn bộ các chức năng của não bộ. Hiện nay, trên thế giới chưa tìm ra bằng chứng cụ thể về nguyên nhân chính của căn bệnh Alzheimer và chưa có thuốc điều trị tận gốc căn bệnh này mà chỉ điều trị triệu chứng. Chính vì thế, mong muốn của chị là tìm ra được chất ngăn chặn nguy cơ gây bệnh, để điều trị tận gốc.
“Đề tài được triển khai từ năm 2011, khi tôi làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Sau đó tôi mang về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu từ năm 2015, đến nay đã phát hiện ra một số chất dẫn có khả năng ngăn chặn nguy cơ gây ra bệnh này. Nếu như trong thời gian tới các nghiên cứu này được thử nghiệm tiền lâm sàng và có được kết quả như mong muốn thì khả năng tìm ra thuốc chữa bệnh là rất cao’’, chị Thảo nói.
Chị Thảo cho biết, ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng bệnh suy giảm trí nhớ ngày càng tăng. Đặc biệt là người già bị lẫn khá phổ biến. Trong khi đó tất cả các sản phẩm dùng để điều trị hiện nay đều chỉ là điều trị triệu chứng. “Đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của mỗi người, nên tôi khát khao tìm ra thuốc chữa”, chị Thảo nói.
”Đã đam mê là theo đến cùng”
33 tuổi, nhưng tóc chị Thảo đã bạc trắng do thức đêm nghiên cứu, phải nhuộm liên tục mới ”lấy lại” được sự trẻ trung. “Có những đêm say việc quá, rời phòng thí nghiệm thì trời đã sáng”, chị Thảo kể. Cũng vì đam mê nghiên cứu nên chị cũng không dám sinh con sớm. “Do phải làm việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, nguy cơ nhiễm độc rất cao nên sau khi lấy chồng, chúng tôi phải kế hoạch 5 năm liền”. Mới đây, khi ngoài 30 tuổi, Thảo mới sinh con đầu lòng.
Hiện nay, việc chăm sóc con cái chị đều phải nhờ ông bà nội ngoại để dành thời gian nghiên cứu khoa học. Hết giờ giảng dạy ở Trường ĐH Dược, Thảo có mặt ở phòng thí nghiệm, về tới nhà, sau khi cho con ngủ là chị lại vào bàn làm việc… “Có lúc thấy tôi đam mê, vất vả quá, anh ấy thương và bảo: hay là thôi đi em, cho đầu óc thảnh thơi. Nhưng anh ấy cũng biết tính tôi rồi, đã đam mê là phải theo đến cùng”, chị Thảo chia sẻ về người chồng tốt của mình.
Nói về giải thưởng vừa được vinh danh, chị Thảo cho biết, đó là nguồn động viên rất lớn, không phải vì vật chất (giải thưởng có trị giá 150 triệu đồng) mà cao hơn là tinh thần. Nhờ có giải thưởng mà mọi người, nhất là những người thân trong gia đình có thêm sự tự hào và cảm thông với công việc mà Thảo đang làm. Hỏi về mong muốn của mình, Thảo nói: “Tôi chỉ mong một ngày có 48 tiếng để làm được nhiều việc hơn!”.
Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, đề tài Nghiên cứu phát triển dẫn chất mới ức chế enzyme Glutaminyl cyclase hướng điều trị bệnh Alzheimer của tiến sĩ Trần Phương Thảo có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn vì ở VN, bệnh Alzheimer sẽ gia tăng trong vài thập kỷ tới, khi dân số VN ngày càng già và áp lực công việc ngày càng cao. Đề tài cũng được đánh giá có nhiều điểm mới, có khả năng công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo đã công bố 12 bài báo đăng trên tạp chí SCI, là báo cáo viên tại 7 hội thảo quốc tế chuyên nghành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013, …), và là đồng tác giả của 9 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế. Tiến sĩ Thảo hiện chủ trì 1 đề tài cấp nhà nước (NAFOSTED) và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của 2 đề tài cấp nhà nước khác.
Vu Thơ (Theo TNO)