PGS.TS Nguyễn Phú Son: ‘Muốn xanh, muốn tuần hoàn thì không thể vội được’
Phát biểu “Tiền Mekong Connect 2024”, sáng 14/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Long, PGS.TS Nguyễn Phú Son – Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Chúng ta muốn thực sự phát triển xanh, phát triển bền vững thì chúng ta không thể vội được. Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, đó là câu chuyện của nhiều năm và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn.
Vừa tham dự Hội thảo quốc tế “The 23 th Asia – Pacific Agricultural Policy Forum”, tại Bangkok, Thái Lan, tháng 11/2024, PGS.TS Nguyễn Phú Son cho biết bản thân ông cũng đã được mở mang rất nhiều từ kinh nghiệm chia sẻ của các nước trong khu vực. Để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chúng ta không thể vội được, và phải có trọng tâm, trọng điểm. “Vì thế, tôi rất vui và đánh giá rất cao sáng kiến thành lập CLB Doanh nghiệp dẫn đầu – Thương hiệu tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long. Đó sẽ đội ngũ có đủ tiềm năng, tiềm lực để đi vào sản xuất xanh, tuần hoàn, họ sẽ là những người tiên phong dẫn dắt. Khi các doanh nghiệp khác thấy họ thành công, họ sẽ tự động đi theo chứ không nhất thiết cần phải chỉ đạo, dẫn dắt từ nhà nước” – PGS Nguyễn Phú Son nói.
Nông nghiệp xanh là một phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong đó phương thức canh tác chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả. Mục tiêu của nền nông nghiệp này là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân.
Nhưng vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam và cũng là vấn đề đã đặt ra cho các nước đã đi trước là: “Các doanh nghiệp (DN) sẽ thu mua các sản phẩm nông nghiệp xanh ở đâu? Và các Hợp tác xã (HTX) bán những sản phẩm nông nghiệp xanh cho ai và ở đâu?”
Theo PGS Nguyễn Phú Son, lời giải cho bài toán này nằm ở chỗ làm cách nào để gắn kết DN và HTX trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xanh, được xúc tác bởi những chính sách nông nghiệp xanh gì của Nhà nước. Đó chính là những gì mà Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc đã làm.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều chiến lược và chính sách tầm quốc gia hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp xanh”, tập trung vào: Hỗ trợ vốn; Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, bảo vệ tài nguyên rừng; và thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp và áp dụng khoa học – công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thông qua chính sách này, Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mạng lưới nghiên cứu khoa học rất lớn. Đặc biệt, chiến lược “Internet cộng với nông nghiệp” – tập trung vào ứng dụng công nghệ số để tạo chuỗi giá trị hoàn toàn từ đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản xanh. Tạo ra hàng triệu việc làm và giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn nghèo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xây dựng hệ thống các viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhà nước và chính quyền các địa phương. Các viện này vừa nghiên cứu nông nghiệp, vừa tăng cường liên kết nghiên cứu vối các trường đại học, các xí nghiệp tư nhân và các hội khuyến nông nông dân.
Đối với Nhật Bản, theo PGS Nguyễn Phú Sơn, nét đặc sắc trong phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng ở Nhật Bản là Chính phủ nước này rất coi trọng thể chế vận hành các hợp tác xã nông nghiệp.
Nhật Bản đã triển khai Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Dự án này là “Tư duy theo định hướng thị trường, từ khái niệm “Product – out” – “bán cái gì bạn sản xuất được” sang “Market-in” – “Trồng để bán”.
Còn ở Thái Lan, nước này đã tập trung vào việc tạo điều kiện cho từng vùng phát huy lợi thế đặc thù về khí hậu, điều kiện sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù.
Thái Lan tập trung phát triển các cụm ngành, đặc biệt cụm ngành chế biến tại vùng có lợi thế đặc thù, thông qua ưu đãi thuế, đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Nước này cũng phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào ngành hàng lúa gạo (đặc thù) bằng cách: Hỗ trợ tài chính; Cấp giấy chứng nhận địa lý & bảo hiểm; Được các cơ sở CNCB hỗ trợ (đóng gói, hút chân không, v.v…
Ngoài ra, Thái Lan còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm OTOP (One tambon One product) để phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, dựa trên cơ sở chất lượng; mẫu mã, kiểu dáng độc đáo, và tiến tới xuất khẩu. Đẩy mạnh thương mại điện tử; xây dựng mạng lưới nghiên cứu; ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số; tiếp cận thị trường quốc tế.
Tiêu dùng xanh: kinh nghiệm các nước
Như mọi mô hình sản xuất khác, xanh – tuần hoàn sẽ không thể sống được nếu không có thị trường tiêu thụ. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất xanh, tuần hoàn các nước cũng song song thúc đẩy thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, đó chính là tiêu dùng xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.
Ngay từ năm 1993, Trung Quốc đã lần đầu tiên thành lập chương trình gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm. Đến nay, trong hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh ở Trung Quốc đã có hàng chục chủng loại, như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, đèn chiếu sáng, ô tô và nhiều mặt hàng khác.
Còn ở Nhật Bản, năm 2021, chính phủ Nhật đã thông qua luật thúc đẩy mua sắm xanh. Chính sách này yêu cầu tất cả các Bộ và cơ quan Chính phủ phải thực hiện chính sách mua sắm xanh. Về luật mua sắm xanh công cộng, mục đích là để thúc đẩy việc mua các sản phẩm và dịch vụ xanh trong khu vực công ở cả cấp trung ương và địa phương.
Nhật Bản cũng đã có các chính sách về tái chế bao bì và vật liệu đóng gói. nhằm thúc đẩy tái chế các loại thùng chứa và bao bì đóng gói sản phẩm. Theo bộ luật này, người tiêu dùng cần phân loại các vật liệu, sau đó cơ quan chức năng thành phố sẽ thu thập và giao lại cho các công ty được chỉ định để thực hiện tái chế.
Đối với Hàn Quốc, PGS.TS Nguyễn Phú Son cho biết, điểm khởi đầu chính thức của chính sách về sản phẩm xanh tại Hàn Quốc là chương trình dán nhãn môi trường được triển khai từ năm 1992.
Chính phủ Hàn Quốc luôn coi các nhà sản xuất là những nhà tiêu dùng lớn. Chính phủ đã thông qua các hợp đồng tự nguyện về mua sắm xanh, gắn kết việc mua các nguyên liệu xanh, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và bán ra các sản phẩm thân thiện môi trường.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng để đưa ra một hệ thống khuyến khích những người có ý thức tiêu dùng xanh: Thẻ tín dụng xanh (The Green Credit Card). Thẻ tín dụng xanh là một phương tiện để tích lũy và sử dụng điểm sinh thái khi khách hàng chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.
“Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng” – PGS.TS Nguyễn Phú Son đánh giá.
Thực tế tiêu dùng xanh ở Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách hoạt động điều tra Tiêu dùng xanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết đa số người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã ít nhiều biết đến và hiểu được nội hàm khái niệm tiêu dùng xanh.
Từ kết quả khảo sát, những người tiêu dùng xanh thường xuyên thì có khoảng 50% người được khảo sát cho rằng đã cảm nhận được sự thay đổi tích cực từ việc sản phẩm tiêu dùng xanh.
Đa số người khảo sát cũng ủng hộ sử dụng các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, khi đo lường về hành vi, hành động cụ thể thúc đẩy tiêu dùng xanh thì bức tranh chưa khả quan lắm. Tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên tiên quyết của người tiêu dùng, bởi vì họ vẫn đồng tình ủng hộ có phần nhiều hơn với các sản phẩm khuyến mãi, kích cầu từ giá, cạnh tranh về giá.
“26% người tiêu dùng cho biết sẽ tìm sản phẩm thay thế, nếu sản phẩm xanh bị thiếu tại nơi họ vẫn mua các sản phẩm xanh thay vì chờ đợi sản phẩm xanh tại điểm bán họ thường mua. Chỉ có 14% số người tiêu dùng thường xuyên sản phẩm xanh cho biết họ sẵn sàng chờ đợi sản phẩm” – ông Nguyễn Văn Phượng cho biết.
Về ngành hàng, sản phẩm thực phẩm và đồ uống, hóa mỹ phẩm, kế đến là sản phẩm may mặc là những sản phẩm xanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhất.
Về mực độ tiếp cận, thì người tiêu dùng có trình độ học vấn và thu nhập càng cao thì mức độ sử dụng sản phẩm xanh càng cao.
“Khi khảo sát thì có đến 60-70% người có quan tâm đến sản phẩm tiêu dùng xanh, nhưng thực tế thì chỉ có khoảng 15% người sử dụng sản phẩm thường xuyên. Tức là vẫn có một khoảng cách lớn giữa nhận thức và thực tiễn sử dụng” – ông Nguyễn Văn Phượng nói.
“Để chinh phục người tiêu dùng cần trưng ra nhãn sinh thái, nhãn xanh ngoài những câu chuyện kể về sản phẩm từ doanh nghiệp. Giá cả sản phẩm cũng được người tiêu dùng cân nhắc. Đa số người tiêu dùng cho rằng giá sản phẩm xanh hiện đang cao hơn mức họ sẵn sàng chi trả. Hiện tại sản phẩm xanh vẫn cao hơn 30-40% sản phẩm thường” – ông Phượng lưu ý.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.